Đường lên chức… rất cấp tốc

Thứ bảy - 10/06/2017 15:18
Được cử đi học dù không phải là công chức, lên chức giám đốc sở khi vừa tròn 30 dù chưa là chuyên viên chính..., đường công danh ấy có dành cho con nhà "thường dân"?
Tâm điểm thời sự nóng nhất tuần qua và tôi tin vẫn không thể nguội trong tuần tới, đó là sự kiện UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ chức giám đốc Sở KHĐT.

Ông Bảo vừa tròn 30 tuổi. Giám đốc sở trẻ nhất cả nước.

Vấn đề không có gì đáng bàn, nếu ông Bảo không là con trai Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam - Lê Phước Thanh. Lời trần tình của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho thấy, ông Bảo đã được tỉnh ưu ái đến mức không thể ưu ái hơn. Đi học tự túc ở nước ngoài một năm, tỉnh mới làm quyết định cử đi học, để ông Bảo được hưởng ngân sách của tỉnh chi cho hai năm học, số tiền cũng cả tỷ bạc chứ đâu ít, nhất là với Quảng Nam - một trong những tỉnh vẫn được coi là tỉnh nghèo của Việt Nam. Hơn nữa, ông Bảo là sinh viên đi học chứ chưa hề một ngày là công chức để được hưởng chế độ ưu đãi này.

Ông Lê Phước Hoài Bảo (đứng giữa) lên chức Giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư khi mới tròn 30 tuổi. Sự kiện này được coi là một kỷ lục trong hệ thống hành chính

Chuyện về ông giám đốc mới 30 tuổi mà theo như lời bà Tôn Nữ Thị Ninh thì… đường lên chức rất "cấp tốc" như vậy hiện có hai luồng ý kiến: 30 tuổi là “trẻ hay không trẻ” để ngồi ghế giám đốc sở? Người ủng hộ thì cho rằng trẻ hóa đội ngũ cán bộ là điều nên làm và 30 tuổi cũng không còn là quá trẻ, người không đồng tình thì cho rằng mức độ thăng tiến là quá nhanh và đặc biệt là có dấu hiệu không minh bạch về tiêu chuẩn. Cả hai luồng ý kiến đều có những nhìn nhận, lý lẽ của riêng mình. Bạn đọc chắc cũng đã tường tận câu chuyện mà có tới triệu lời bàn luận.

Sở dĩ tôi viện dẫn “chuyện ông Bảo” hơi dài dòng, bởi tôi cứ trăn trở mãi với hai từ “nếu như” mà tỉnh Quảng Nam đã ưu ái cho ông Bảo, để ngẫm đến những lời kêu cứu, bức tâm thư của những học trò nghèo về tiền bạc, nhưng giàu về nghị lực và thành tích học tập.

Như trường hợp thí sinh Trần Văn Sâm ở Bình Thuận cũng có nét giống với con trai của vị bí thư tỉnh. Hoài Bảo chưa một ngày là công chức nhưng lại được đi học theo tiêu chuẩn của một công chức. Trần Văn Sâm mới ở diện hợp đồng nhưng Sở Y tế tỉnh Bình Thuận lập danh sách được cử đi thi liên thông ở trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Trúng tuyển với số điểm cao nhất trong số cán bộ được sở cử đi thi, nhưng Sâm lại không được học vì Sở Y tế tỉnh sau đó mới té ngửa rằng Sâm không phải là viên chức. Tôi tin, Sâm không thuộc diện “4C” (con cháu các cụ) nên em mới phải cầm tấm biển cầu cứu mọi người giúp đỡ.

Em Trần Văn Sâm cầm tấm biển với nội dung "Thi 26,5 điểm nhưng vẫn không được đến trường. Xin hãy giúp em!". Ảnh: Pháp luật TP HCM

Tôi vẫn không thể nào quên được giọt nước mắt  của mẹ con cô học sinh nghèo Nguyễn Thị Phương, quê Phú Xuyên ( Hà Nội). Phương được 26,5 điểm, không đủ điểm vào trường ĐH Cảnh sát. Bạn bè khuyên Phương với số điểm ấy, “dư xăng” để vào các trường đại học top trên. Nhưng lấy đâu 6 triệu đồng để nộp đầu năm? Phương quyết đi làm để năm sau thi tiếp.

Không chỉ riêng Phương, cái nghèo đã không cho các em lựa chọn trường đại học dù có dah tiếng cũng chỉ vì hai chữ: Tiền đâu. Trong cuộc sống, thật không hiếm gặp những trường hợp như Nguyễn Văn Vọng ở TP Đông Hà (Quảng Trị). Học đến lớp 10 thì gia đình không thể kiếm đâu ra tiền đóng học cho con. Vọng quyết định tạm nghỉ học, đi làm thêm. Hai năm tích lũy được 7 triệu đồng, em lại tiếp tục đến trường. Vừa học, Vọng vừa làm bất cứ việc gì ai thuê ai mướn. Và năm nay, Vọng đã đỗ vào trường ĐH Nông- Lâm (ĐH Huế).

Suốt nhiều năm, Nguyễn Văn Vọng làm phụ nề kiếm tiền đi học - Ảnh: QUỐC NAM/ Tuổi trẻ

Và mới đây, cậu học trò nghèo Thò Pá Pó ở tận xã Nậm Càn xa xôi của huyện Kỳ Sơn ( Nghệ An) đã mãi mãi ra đi ở tuổi 12, khi em qua suối Nậm Càn đến trường thì bị trôi một chiếc dép. Một chiếc dép với học sinh miền núi như Pó là cả một gia tài, tiếc chiếc dép mà Pó đã bị dòng nước lũ cuốn đi.

Trường hợp của cậu bé Thò Pá Pó có lẽ không phải là cá biệt. Hàng ngày, các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở thôn H’Mông xã Ea Kiết ( Cư M’gar, Đắc Lắc) phải dậy từ 3 giờ sáng, băng rừng để đến trường. Trên đầu mỗi em đều có một chiếc đèn pin nhỏ như những người thợ mỏ. Mưa nắng đều đặn hai buổi đi về với chặng đường gần 20km đường rừng. Qua suối thì đứa lớn giúp đứa bé.

Học sinh lội suối đến trường. Ảnh: Vietnamnet

Học trò nghèo còn gian nan lắm trên đường đi tìm con chữ.

Thế mới biết, đường đến với con chữ, người thì ở đỉnh cao vời vợi, bước đi trên tấm thảm êm đềm, người thì cứ thăm thẳm vực sâu, trầy trật từng bước chân, khoảng cách đó được ngăn cách cũng bởi bốn chữ "4C" mà đã xã hội đã đặt tên gọi có từ mấy thập kỷ rồi.

So sánh thế có khập khiễng không nhỉ, nhưng bất công trên hành trình đi tìm con chữ tôi tin là có.

Theo Lê Nguyễn Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây