Tối 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan cùng với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đề tìm giải pháp cho Trạm thu phí BOT Cai Lậy. Đáng chú ý, Thủ tướng đã quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ 1-2 tháng để tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn.
Khi có kết quả chỉ đạo của Thủ tướng, một đoàn cả trăm người đã đi qua lại Trạm thu phí Cai Lậy, mang theo thùng loa có phát bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Nhiều tài xế các xe khi lưu thông ngang trạm thu phí cũng hưởng ứng vẫy tay reo hò với đoàn người đang ăn mừng.
Chúng ta thấy, cái gốc gác của vụ việc này là đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy không đúng chỗ chứ không phải vấn đề có thu phí hay không thu phí. Và BOT Cai Lậy không phải là trường hợp hiếm hoi, duy nhất. Chúng ta từng chứng kiến sự phản đối của người dân đối với chủ đầu tư BOT, điển hình như BOT cầu Bến Thủy 1 (Nghệ An), BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh)..v..v.
Lên quan đến một số vấn đề BOT mà dư luận phản đối, ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco, người từng được gọi là “ông trùm” BOT có lần than vãn không muốn làm BOT nữa vì bị chịu áp lực quá lớn từ dư luận, bị đối xử như “tội đồ”.
Nhưng xin thưa, người dân đủ hiểu bản chất của BOT là để người dân có quyền được lựa chọn đi hay không đi. Vậy mà ở BOT Cai Lậy và một số điểm tương tự khác thì người dân lại không có quyền lựa chọn, họ buộc phải đi và buộc trả phí mà không có sự lựa chọn nào khác.
Và người dân cũng đủ sức để hiểu, bản thân BOT đâu có tội, vẫn là hình thức đầu tư đúng, nó là mô hình đầu tư hạ tầng giao thông rất hữu hiệu của nhiều nước trên thế giới, trong đó các nước đang phát triển. Riêng với Việt Nam, hơn 170.000 tỷ đồng huy động được cho 58 dự án BOT từ năm 2011 đến nay là một con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, người dân không xin không của doanh nghiệp số tiền đó.
Do đó, một vấn đề được đặt ra ở BOT Cai Lậy là không nên kéo dài tình hình “đấu tay đôi” giữa người dân với chủ đầu tư, Bộ chủ quản. Bởi nó tiềm ẩn mầm mống bất lợi cho tình hình an ninh trật tự và kinh tế – xã hội nói chung:
Một là, đồng bằng Sông Cửu Long cũng đang cần hạ tầng giao thông để phát triển từng ngày. Chưa kể cuối năm lượng nông sản thực phẩm vận chuyển qua cung đường này rất lớn, nếu giải quyết không thông, thiệt hại về kinh tế thật khủng khiếp.
Hai là, những vụ biểu tình, gây rối được “đạo diễn” bởi bàn tay của các thế lực phản động trong và ngoài nước khi lợi dụng những vấn đề nóng, những bức xúc trong dư luận thời gian qua ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tâm… là những bài học rất đáng để suy ngẫm trong xử lý tình hình ở BOT Cai Lậy. Và nó là chuyện lớn chứ không phải chuyện nhỏ bằng “cái móng tay” đâu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa”.
Chính vì vậy, quyết định dừng thu phí BOT Cai Lậy 1-2 tháng để xem xét các vấn đề liên quan của Thủ tướng được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đó là một quyết định sáng suốt được đưa ra trên tinh thần vì lợi ích của nhân dân, cũng như việc tiếp tục thu hút vốn BOT trong thời gian tới.
Cảm ơn Thủ tướng đã lắng nghe ý kiến của nhân dân!
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn