Các tuyển thủ bóng chuyền nam quốc gia
đang tập luyện trên nền sân xi măng cũ
Năm nay tuyển nam bóng chuyền Việt Nam (BCVN) sẽ chỉ tham dự vòng loại World Cup và SEA Games bởi Cúp vô địch nam Châu Á dự kiến tổ chức ở Việt Nam đã chuyển sang UAE nên tuyển nam sẽ không tham dự do thiếu hụt kinh phí. Đã có rất nhiều bức xúc từ chính các tuyển thủ cho đến những người hâm mộ BCVN nói chung và những người quan tâm, theo dõi bóng chuyền nam nói riêng khi chứng kiến điều kiện ăn, tập của họ hiện nay.
Nếu dựa trên thành tích gần nhất ở đấu trường khu vực, Việt Nam chỉ xếp thứ 4. Chính vì vậy, cơ hội cạnh tranh 1 trong 2 suất tham dự vòng chung kết châu Á vào tháng 9 của BCVN không nhiều. Không biết đó có phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu quan tâm của các vị lãnh đạo Liên đoàn BCVN hay không, mà điều kiện tập luyện ở Nhổn của các tuyển thủ nam hiện tại không thật sự thuận lợi nếu không muốn nói là quá tồi tệ. Các nam VĐV phải tập trên nền sân xi măng cũ chỉ trải thêm một tấm lót mỏng dẫn đến nhiều VĐV rất hay đau gối, nguy cơ chấn thương là rất cao. Đáng ra mọi ưu tiên tốt nhất về tập luyện thì các tuyển thủ quốc gia phải là những người đầu tiên được hưởng, thế nhưng, ở Nhổn có một sân tập rất tốt với mặt sàn gỗ thì đã cho đội Dầu khí thuê nên các VĐV nam phải tập trên "sàn ăn thịt”(!). Thật đáng buồn khi tuyển nam đang thiếu đi sự quan tâm đúng mực từ phía Liên đoàn BCVN, kể cả ngành TDTT. Hiện tượng này liệu ngành TDTT có biết?
Lần tập trung này cũng như bao lần khác, khi đáng ra được gọi tập trung ở đội tuyển là niềm vinh dự, nghĩa vụ của mỗi cầu thủ. Nhưng đã có không ít chuyện cầu thủ được triệu tập tỏ ra ngán ngẩm, xin rút lui với đủ mọi lý do. Họ không muốn lên tuyển bởi lẽ, chế độ đãi ngộ VĐV ở tuyển chỉ hơn phân nửa so với CLB, nếu lên tuyển thì bị cắt chế độ ở CLB dẫn tới nhiều VĐV rất "ngại” khi lên tuyển. Không chỉ có thế, đã không ít lần cầu thủ cùng ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền không được nhận lương, tiền công đúng hạn. Một số tuyển thủ tiết lộ: Tiền vé tàu xe lẽ ra phải được thanh toán theo quy định của ngành thể thao đối với tuyển thủ quốc gia, vậy mà nhiều khi đợi dài cổ chẳng thấy. Qua trao đổi, một VĐV chia sẻ: "Bọn chúng tôi cố gắng tập luyện thi đấu vì màu cờ sắc áo, nhiều lúc thiếu thốn, khó khăn thì cùng động viên, khích lệ lẫn nhau. Từ ngày tập trung tới giờ chưa hề thấy quan chức nào của Liên đoàn xuống xem tình hình tập luyện, ăn ở ra sao cả”. Câu hỏi xin được gửi tới ngành TDTT và Liên đoàn BCVN.
Có thể nói, những bất cập trên đã giải thích sự tụt dốc của bóng chuyền nam Việt Nam trên đấu trường khu vực và châu lục. Vốn dĩ họ đã thiệt thòi khi ít được sự quan tâm và chú ý của người hâm mộ so với các đồng đội bên tuyển nữ, việc đầu tư của Liên đoàn cho tuyển nam lại quá ít, một năm chỉ lác đác vài giải đấu và hầu như rất ít được đi tập huấn. Nếu như kì SEA Games 24 tại Thái Lan, bóng chuyền nam đã có được chiếc HCB quý giá thì ở hai kì SEA Games gần đây, đội tuyển không có một huy chương nào!
Theo Kim Thục (Đại đoàn kết)