Dối trá như quả bóng tuyết, càng lăn càng to

Thứ ba - 01/05/2018 14:59
Dư luận đang chỉ trích nặng nề vào sự vụ mang tên dối trá của bà Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội). Bài này phân tích dưới cái nhìn triết học nhân văn, ở chiều sâu gốc gác của vấn đề, mong sự vụ được nhìn nhận tỉnh táo hơn, nhẹ nhàng hơn.

Hiệu trưởng cũ trường Tiểu học Nam Trung Yên Tạ Thị Bích Ngọc. Ảnh: Gia đình xã hội.

Con người sinh ra vốn trung thực. Người Hy Lạp cổ xem tiếng nói trẻ em là “thần ngôn” (logos). Người Việt có câu: “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Đứa bé nói như nó thấy và nó nghĩ. Tiếng nói của trẻ em gắn liền với sự thật.

Theo J. Lacan, nhà phân tâm học người Pháp, trẻ biết nói dối bắt đầu từ giai đoạn gương (The Mirror Stage), giai đoạn đối mặt với các cấm kị (Taboo), cũng là giai đoạn phát triển tưởng tượng để nhận dạng thế giới. Chính giai đoạn này nó đồng hóa cái thực với cái ảo và dẫn đến hiện tượng ngộ nhận hay vô minh (misrecognition). Đồng hóa trong trường hợp này cũng mang nghĩa tha hóa vì trẻ mất khả năng nhận dạng sự thật và nhận dạng chính mình.

Nôm na thế này: Chính là khi đứa bé đối mặt với những trận đòn vì nói thật làm mất lòng người lớn; chấn thương thể xác kéo theo chấn thương tinh thần, đứa bé bắt đầu nói dối như một bản năng sinh tồn, bản năng tự vệ để được an toàn. M. Foucault gọi đích danh kỉ luật và hình phạt kiểu trung cổ là nguyên nhân của mọi nỗi sợ hãi và đẩy cả xã hội vào triệu chứng tự lừa dối mình và dối người.

Một xã hội không cởi mở, không nghe được tiếng nói của sự thật.

Bề ngoài, có vẻ khó hiểu khi bà Hiệu trưởng Tạ Bích Ngọc và một số cán bộ tay chân của bà cố tình che giấu điều lẽ ra không nên và không thể che giấu. Bởi nếu quy tội gây tai nạn thì đúng như bà nói, không phải do bà mà do tài xế taxi. Sự vụ diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, không người này thì người khác cũng nhìn thấy. Vả lại, nạn nhân là trẻ em, ai có thể bụm miệng được con trẻ?

Xem ra, trong trường hợp này chỉ có thể là một áp lực nặng nề khác đang đè lên người trong cuộc và biến bà Hiệu trưởng rơi vào triệu chứng tâm lí dẫn đến hành xử như trẻ con. Bà Hiệu trưởng định chôn vùi sự thật bằng một bằng chứng giả, thông qua phiếu thăm dò để đối phó dư luận và cấp trên. Té ra, chính bà ra cái quy định cấm xe ô tô vào sân trường thì bà lại nghênh ngang vi phạm nên mới gây tai nạn. Bà sợ lộ ra sự thật này sẽ tổn hại đến uy tín và cái ghế của bà.

Hiển nhiên, liên quan đến cái ghế còn liên quan đến thành tích. Hiện tượng chạy thành tích để có các loại danh hiệu là áp lực không lối thoát của giới lãnh đạo hiện nay. Nó đã thành một thứ bệnh mà nhiều lần người ta muốn chống cũng không thể chống nổi. Bệnh thành tích thực chất là cha đẻ của bệnh dối trá.

Một cơ chế xã hội mà chỉ cần một khuyết điểm là có thể phủ nhận toàn bộ sự phấn đấu của cá nhân và tập thể tất yếu sẽ đẩy mọi người rơi vào bệnh dối trá. Áp lực thành tích nặng nề không khác áp lực của kỉ luật và hình phạt. Cho nên, ta hiểu vì sao trong nhiều sự vụ, dù sai phạm nhỏ nhất, không lãnh đạo nào không sợ hãi và bằng mọi giá phải tìm cách che đậy sự thật cho đến khi không thể che đậy được nữa.

Tôi khẳng định, chủ nghĩa thành tích là nguyên nhân của vấn đề. Bởi chính chủ nghĩa thành tích đang là một áp lực làm cho giới lãnh đạo phải đối phó thường trực, giống như đứa trẻ con phải đối phó với kỉ luật và hình phạt. Nói dối không chỉ để được an toàn ngôi vị mà còn để được thăng quan và để có được tất cả. Vì thế, dối trá có tính chất sinh sôi và phát triển không ngừng, nói như Martin Luther King: “Dối trá như quả bóng tuyết càng lăn càng to”.

Cần nhìn nhận dối trá không là cá biệt mà phổ biến, không đơn lẻ mà thuộc hệ thống.

Trong một gia đình, bố mẹ nói dối để được tôn vinh thành Thánh, ắt các con cũng nói dối để thành chú Cuội.

Trong nhà trường, thầy cô dối trá để được ghi công, ắt học sinh cũng phải dối trá để được thành tích.

Trong một xã hội, lãnh đạo dối trá để được thăng quan, ắt dân chúng cũng thi nhau dối trá để được che chở và an thân.

Nhân vô thập toàn. Nhưng thiên hạ luôn ảo tưởng thập toàn. Cho nên mọi khuyết điểm bị giấu nhẹm.

Tôi tin chắc không chỉ có một bà Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên. Dư luận lên án bà cũng đồng nghĩa với cảm thông cho bà. Bởi vì, những kẻ nói dối trước khi thành thủ phạm đều từng là nạn nhân của sự dối trá. Cho nên, cách chức một cá nhân bà Hiệu trưởng cũng chỉ là mới bóc một mảnh trong cái quả bóng tuyết khổng lồ đang lăn tròn bao bọc lấy tinh thần của chúng ta!

TS. Chu Mộng Long

(Trường Đại học Quy Nhơn)

Theo VNM - PL.XH

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây