Huyện Phúc Thọ là một trong những địa phương có đông giáo dân của TP Hà Nội. Trưởng ban Ðoàn kết Công giáo huyện Nguyễn Văn Khương cho biết: "Trên địa bàn huyện có bảy nghìn đồng bào theo đạo Công giáo. Trước đây, Phúc Thọ là huyện còn nhiều khó khăn của Hà Nội. Song, từ khi có cuộc vận động xây dựng NTM, giáo dân ở tất cả các giáo xứ, giáo họ trên địa bàn nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân nói chung, đồng bào Công giáo nói riêng được cải thiện đáng kể".
Năm 2013, huyện Phúc Thọ vận động người dân dồn điền, đổi thửa để phát triển sản xuất. Toàn bộ đồng bào Công giáo trên địa bàn đã tham gia thực hiện tốt chủ trương này. Từ thành công của dồn điền, đổi thửa, người Công giáo Phúc Thọ đã chuyển đổi mô hình sản xuất. Ở Giáo xứ Bách Lộc (xã Thọ Lộc) xuất hiện nhiều mô hình VAC cho hiệu quả kinh tế cao; giáo xứ Vĩnh Thọ (xã Vân Phúc) có nhiều gia đình đầu tư phát triển cây bưởi tôm vàng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng nên thường xuyên được bao tiêu sản phẩm, xã Thuấn Nội phát triển mô hình VietGAP, với hàng chục héc-ta trồng rau an toàn… Người Công giáo Phúc Thọ còn đóng góp 1.000 m2 đất làm giao thông, thủy lợi nội đồng, hơn 1.100 m2 đất làm đường cùng nhiều tài sản có giá trị khác. Nỗ lực của đồng bào Công giáo góp phần giúp Phúc Thọ trở thành một điển hình tiêu biểu của Hà Nội trong phong trào xây dựng NTM.
Ngoài Phúc Thọ, tại các huyện đi đầu về phong trào xây dựng, đồng bào Công giáo tích cực tham gia phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Giáo dân huyện Mê Linh phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh; giáo dân huyện Gia Lâm, Ba Vì phát triển đàn bò sữa; giáo dân huyện Hoài Ðức, Ðông Anh phát triển rau an toàn… Ðồng bào Công giáo cũng gặt hái được nhiều thành công với mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong phong trào thi đua giúp nhau làm kinh tế đã xuất hiện những điển hình như: bà Nguyễn Thị Nga, Giáo họ Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) trở thành chủ doanh nghiệp cơ khí, tạo công ăn việc làm cho gần 30 lao động, với mức thu nhập từ sáu đến mười triệu đồng/tháng; ông Nguyễn Văn Cường – Chánh trương xứ Tân Hội (huyện Chương Mỹ) mở doanh nghiệp xây dựng và vận tải, thu hút 30 lao động với thu nhập ổn định; ông Nguyễn Mạnh Hùng, giáo dân huyện Thạch Thất có doanh nghiệp thu hút hàng trăm lao động...
Thành phố Hà Nội hiện có 193 nghìn giáo dân thuộc ba giáo phận: Hà Nội, Hưng Hóa, Bắc Ninh, chiếm 3% dân số thành phố. Người Công giáo Thủ đô sống có mặt ở 337 trong số 584 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 32 làng là Công giáo toàn tòng. Các địa bàn có đông người Công giáo như: Thanh Oai, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Phúc Thọ… các xứ đạo, họ đạo luôn lồng ghép việc tuyên truyền, thực hiện các chủ trương chính sách của Ðảng, Nhà nước với các phong trào thi đua của người Công giáo, như phong trào xây dựng "Xứ, họ đạo tiên tiến", người Công giáo sống "Tốt đời, đẹp đạo". Tỷ lệ các gia đình Công giáo đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa nhiều năm qua luôn đạt hơn 90%. Thực hiện lời răn của Chúa về giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, gắn với phong trào ủng hộ quỹ "Ngày vì người nghèo", đồng bào Công giáo Thủ đô có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng trong phong trào tương thân, tương ái. Ðiển hình như giáo dân huyện Chương Mỹ hỗ trợ 600 triệu đồng cho những người có hoàn cảnh khó khăn mổ mắt miễn phí; huyện Phú Xuyên tặng quà cho người bị bệnh phong, quà Tết cho các gia đình với số tiền gần 450 triệu đồng… Quận Bắc Từ Liêm là địa bàn có nhiều hoạt động từ thiện phong phú, sôi nổi nhất. Ông Nguyễn Văn Liệu, ở giáo xứ Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm cho biết: " Giáo dân quận Bắc Từ Liêm đã có nhiều cách làm hay để truyền đi tình cảm chia sẻ, yêu thương. Giáo họ Văn Phái - phường Thượng Thụy mỗi năm gói hơn 2.000 chiếc bánh chưng; giáo dân Cổ Nhuế gói bánh chưng, giò… tặng đồng bào nghèo ở Hà Nội và một số tỉnh khác, giúp đồng bào đón Tết cổ truyền ấm cúng. Ngoài ra, chúng tôi còn giúp đỡ đồng bào ở các địa phương bị bão lụt như: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lai Châu, Sơn La… 350 thùng mì tôm, hơn 200 tải quần áo, 24 chiếc xe đạp".
Những ngày này, đồng bào Công giáo Thủ đô đang rộn ràng chuẩn bị đón Lễ Giáng sinh năm 2017. Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, có thể kỳ vọng trong thời gian tới, người Công giáo Thủ đô tiếp tục có những đóng góp quan trọng, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển và an bình.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn