Công trình kiến trúc đẹp gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu
Theo truyền thuyết dân gian, Ông Hoàng Mười (còn gọi là Ông Mười Nghệ An), là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh thiên đình, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước. Cho đến nay có rất nhiều dị bản về thân thế của ông. Song, các chuyên gia cho rằng, sự tích ông Mười là tướng Nguyễn Xí - một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ là hợp lý nhất.
Ngày nay, Đền ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, toạ lạc trên vùng đắc địa "sơn thuỷ hữu tình. Nhìn từ trên cao sẽ thấy hình tượng đầu một con Hạc đẹp tuyệt do những con sông Mộc, sông Vĩnh tạo thành, đầu con Hạc đội Lam giang, mỏ chầu về Đồng Trụ Sơn. Đấy là nơi có đền thờ ông Hoàng Mười linh thiêng, "Mỏ Hạc Linh Từ" là tên chữ của đền, có nghĩa là ngôi đền linh thiêng toạ trên vùng đất có hình "con hạc" mà đền lại nằm ở vị trí phía "mỏ".
Theo các nguồn tư liệu hiện có, đền được xây dựng năm 1634, từ thời hậu Lê trên mảnh đất bằng phẳng với diện tích 10.615m². Trước đây đền có quy mô bề thế với các công trình kiến trúc như tam quan có voi quỳ, hổ phục, cửa tả cửa hữu với đôi cột nanh sừng sững, ba toà hạ điện, trung điện và thượng điện uy nghi. Toàn bộ kiến trúc của đền ông Hoàng Mười mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn, được chạm trổ công phu, các chi tiết long, lân, quy, phụng được chạm khắc sinh động, phản ánh được tư duy sáng tạo, sự tài hoa của nghệ nhân xứ Nghệ.
Đức Thánh Hoàng Mười được biết đến như một nhân vật quan trọng trong hệ thống thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. Trước đó, năm 2002, đền ông Hoàng Mười ở Hưng Nguyên được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Năm 2004, đền được tu bổ đảm bảo tính thẩm mĩ và hài hòa khu di tích.
Bà Đỗ Thị Nụ, Nguyên Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý DSVH, Sở VHTTDL Nghệ An cho biết: “Ở Xứ Nghệ hiện nay có hai ngôi đền mà nhiều người vẫn chưa phân biệt được đâu là đền thờ chính, đâu là phối thờ Ngài. Đó là Đền Củi (thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) và đền Hoàng Mười (thuộc xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Qua nghiên cứu một số tài liệu, sắc phong và khảo sát thực địa thì thấy rằng: Hai ngôi đền chỉ cách nhau 2km bởi dòng sông Lam, đứng ở đền này có thể nhìn thấy đền bên kia. Nếu đi theo đường bộ (quốc lộ 1A) thì 2 ngôi đền cách nhau khoảng gần 10 km. Đền Củi được dựng vào cuối thời Lê, cung cấm là nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu, cung thờ Hoàng Mười ở ngoài, bức Đại tự trước Hạ điện cũng đề rõ “Thánh Mẫu linh từ”. Gắn với nơi đây là truyền thuyết về nhân vật Lê Khôi -- vị tướng tài có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thế kỷ 15. Sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ tại xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và đưa ông vào phối thờ tại đền Củi”.
Bảo tồn di tích cần kết nối với du lịch tâm linh
Ngày ông Hoàng Mười giáng sinh 10/10 âm lịch được coi là ngày tiệc chính của đền. Vào ngày này, du khách thập phương nô nức đến chiêm bái cửa đền rất tấp nập, trải dải đến tận đôi bờ sông Lam. Đền Ông Hoàng Mười cũng là một trong những nơi diễn ra đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống quân xâm lược.
Theo ghi chép của GS.TS Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu Văn hóa, tương truyền Ông Hoàng Mười thường phù hộ cho việc học hành thi cử nên mỗi khi ông nhập đồng các con nhang thường dâng tiền và lễ vật xin ông ban lộc học hành và thi cử cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông.
Ngoài lễ hội chính, hằng năm còn có lễ hội khai điểm vào ngày rằm tháng 3. Lễ hội có các hoạt động hấp dẫn như rước sắc bằng thuyền từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền, hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người… Đây được xem như một hoạt động tâm linh không thể thiếu đối với người dân Nghệ - Tĩnh nói riêng mà còn là hoạt động tín ngưỡng được người dân cả nước hướng tới mỗi dịp lễ đến.
Bà Đỗ Thị Nụ, nhấn mạnh: “Với sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với quan Hoàng Mười và sự đặc sắc về cảnh quan môi trường cũng như giá trị lịch sử- văn hóa tiêu biểu, đền Hoàng Mười sẽ là điểm đến hấp dẫn, là điểm hẹn tâm linh của người dân đất Việt”
Nghiên cứu về vấn đề này, TS. Hoàng Thị Hồng Nga, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Du khách trong nước thường đến các địa điểm du lịch tâm linh như: Đền, chùa, đình, đài, lăng tẩm, tòa thánh, khu thờ tự, tưởng niệm và những vùng đất linh thiêng, kết hợp tiến hành các hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, triết giáo, cầu nguyện, cúng tế, chiêm bái, tri ân, báo hiếu, thiền, tham gia lễ hội... Nhằm mang lại những cảm nhận, giá trị trải nghiệm và giải thoát trong tâm hồn của con người, cân bằng và củng cố đức tin, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Trước nhu cầu ấy, chiến lược kết nối các điểm du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh giữa hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh cần tập trung chú ý hơn trong việc hoạch định, xây dựng các tuyến điểm du lịch tâm linh không chỉ trong nội bộ tỉnh mà nên theo hướng gắn kết trong một phạm trù của khái niệm văn hóa du lịch tâm linh xứ Nghệ, phục vụ hiệu quả hơn tính năng của ngành du lịch trong thực tại và tương lai.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn