Đền Nen - Di tích và lễ hội

Thứ tư - 05/07/2017 01:54
Đền Nen tại làng Chi Phan, xã Bạng Châu, phủ Hà Hoa xưa, nay là xóm Phúc, xã Thạch Tiến (Thạch Hà) là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật có giá trị đặc sắc.

Đền khởi dựng thời nhà Lê, được tu tạo quy mô lớn vào năm Giáp Thìn đời vua Lê Dụ Tông (1724) và sau một số lần trùng tu, tôn tạo, lần gần đây nhất vào năm 1921 thời vua Khải Định nhà Nguyễn, đền mới có diện mạo hoàn chỉnh trên một không gian rộng với các công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đạt đến đỉnh cao của kỹ mỹ thuật, với cách bố trí đăng đối hài hòa trên một trục thần đạo, phong cách trang trí sinh động qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân xưa.

Đền Nen

Theo bài vị và văn cúng trước đây tại đền và các tài liệu lịch sử cho biết, đền Nen thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Tả Đông Chinh, Hựu Dực Thánh, Tứ vị Thánh Nương (theo truyền thuyết là Thần biển Việt Nam), anh hùng dân tộc thời Trần “Quản quân mạnh lang” Hoàng Minh Tự, người có công lớn trong việc đánh thắng quân Nguyên Mông vào thế kỷ XIII…

Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, là người thông minh, hiếu học, đức trọng, tài cao, yêu nước, thương dân. Năm 1039, ông được vua cha cử vào trông coi việc tô thuế tại vùng Hoan Châu (tức Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay). Sách Việt điện u linh chép: “Ông giữ chức mấy năm, sợi tơ, sợi tóc của dân không hề xâm phạm, nổi tiếng liêm trực, nhân dân Hoan Châu mến mộ. Nhà vua càng quý mến ban cho tước hiệu: Uy Minh Thái tử, giao cho việc quản dân ở châu này”.

Năm 1041, ông được bổ làm tri châu Nghệ An với tước hiệu: Uy Minh Hầu. Đây là mốc son quan trọng khẳng định vai trò và tầm ảnh hưởng to lớn của Lý Nhật Quang đối với vùng đất Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ. Ông đã có công lớn trong việc mở mang, giữ yên bờ cõi. Uy của ông không những trong nước Đại Việt, mà nước Chiêm Thành cũng phải nể sợ, không dám xâm lấn một tấc đất của châu Hoan. Thậm chí khi Chiêm Thành có loạn cũng phải nhờ ông đưa quân sang giúp. Bởi thế có một câu đối ở đền đã ghi: “Lôi kinh nhân phục khấu/Tuyền trạch vật an bang”, nghĩa là: (Uy vũ như) sấm sét làm kinh hãi người mà thu phục giặc, (Ân đức như) suối nguồn đem ích lợi cho vật, khiến yên vui đất nước

Với uy tín to lớn như vậy, Lý Nhật Quang được triều Lý tin dùng, nhân dân yêu quý, sùng bái. Năm 1044, vua Lý Thái Tông đã phong cho Lý Nhật Quang từ tước Hầu lên tước Vương - Uy Minh Vương và ban cho ông quyền Tiết Việt (tức thay nhà vua, định đoạt mọi chuyện chính sự tại vùng đất xứ Nghệ này). Với trọng trách đứng đầu trấn Nghệ An, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã thể hiện tài kinh bang tế thế, dùng uy chế ngự, dùng ân để vỗ yên, dùng chính sách khoan giản và an lạc, tức là khoan dung, giản dị, gần gũi nhân dân, minh bạch các chế độ tô thuế, lấy việc dân no ấm, yên vui, hạnh phúc làm gốc của việc cai trị.

Để phát triển kinh tế, Ngài chiêu dụ dân lưu tán từ các nơi khác về khai khẩn đất hoang, lập nhiều làng ấp trù phú, tiếp nhận tù binh để lập nhiều làng mới ở vùng rừng núi, để họ được sinh sống bình thường, Ngài đã tiến hành hàng loạt các biện pháp khuyến nông như dạy cho dân trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, mở rộng chăn nuôi, phát triển ngành nghề thủ công, cho xây các công trình thủy lợi, khai thông luồng lạch, đào sông để phát triển đường thủy, mở nhiều đường bộ giao thương với các vùng.

Tương truyền, Ngài đã cho mở đường thượng đạo sang biên giới Việt - Lào… Ngài còn chú ý phát triển các ngành khai thác, rèn sắt, đóng thuyền… Lý Nhật Quang đã kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với quốc phòng bằng việc thời bình thì sản xuất nông cụ, thời chiến sản xuất vũ khí. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Lý Nhật Quang còn chăm lo sự nghiệp giáo dục văn hóa. Ngài cho mở nhiều trường học, xây dựng nhiều đền, chùa...

Về quân sự, Ngài xây dựng đội quân Nghiêm Thắng theo hướng Ngụ binh ư nông, lúc bình thường sản xuất làm ăn, lúc có chiến sự tham gia chiến đấu, bảo vệ bờ cõi, xây dựng đội quân mạnh canh giữ vùng biển rộng lớn, ngăn chặn ngoại xâm. Bên cạnh đội quân chủ lực, ông còn xây dựng các đội tân binh để bảo vệ trật tự, trị an làng xã. Dưới thời Lý Nhật Quang, triều đình không phải đưa quân vào đồn trú, mà lực lượng tại chỗ đủ sức đảm đương việc bảo vệ biên cương xứ Nghệ thành “Thành đồng vách sắt”.

Có thể nói, trong suốt 16 năm trị nhậm ở đây, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã có công rất lớn trong việc củng cố, xây dựng xứ Nghệ từ vùng đất phên dậu, biên viễn được xếp vào diện “Trại” thành một “Trọng trấn” then chốt, một pháo đài kiên cố cả về quân sự, kinh tế và chỗ dựa lòng người không chỉ đối với nhà Lý hiện tại, mà cả các triều Trần, Lê, Nguyễn về sau.

Năm 1057, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang quy hóa và hiển Thánh ngay dưới chân núi Quả Sơn, huyện Đô Lương. Nhân dân xứ Nghệ vô cùng thương tiếc, khóc than như khóc cha mẹ mình. Sau khi mất, nhân dân trong vùng lập nhiều đền thờ ông, không những ở Quả Sơn, mà cả vùng Nghệ Tĩnh hiện nay, ước có trên 50 đền thờ.

Sử cũ còn ghi lại, sau khi quy hóa, Lý Nhật Quang đã hiển Thánh và luôn phù hộ cho việc đánh thắng nhiều kẻ thù nên các triều đại sau, mỗi khi xuất quân đánh giặc đều đến đền thờ thắp hương cầu Ngài phù hộ và sau khi thắng trận, lại về đền tạ lễ, báo công và phong sắc “Uy Minh Vương trác vĩ Thượng thượng thượng đẳng tôn thần vị tiền”. Người ta nói Lý Nhật Quang sống làm Tướng anh minh, chết làm Thần hiển linh là vậy. Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được các nhà sử học đề cao, được xếp một trong chín danh nhân của nước Đại Việt, theo thứ tự các vị thần được xếp đầu tiên.

Trải qua hàng trăm năm, với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đền Nen đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ trở thành phế tích. Thực hiện chủ trương bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hoá dân tộc, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà và ngành Văn hóa đã tăng cường công tác quản lý, lập dự án tu bổ tôn tạo đền Nen. Đền được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2005, xếp hạng quốc gia năm 2009.

Năm 2010-2012, đền Nen đã được đầu tư tu bổ tôn tạo với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng bao gồm các hạng mục chính như: thượng, trung và hạ điện, miếu công đồng, kiệu long đình, hậu bành, hệ thống cổng tam quan, cột nanh, nhà tướng, hỏa lô, nhà tiền tế, tắc môn, hồ sen và sân vườn. Hiện tại các hạng mục đã được tôn tạo khang trang, đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của nhân dân và du khách thập phương.

Tại đền Nen trước năm 1946 có rất nhiều lễ tế như: lế khai và bán khoán, ký gửi con nuôi (mồng 4 tháng Giêng), lễ Khai hạ (mồng 7 tháng Giêng), lễ Tổng binh (ngày 17 tháng Giêng), lễ Tổng hộ (ngày 20 tháng Giêng), lễ Giỗ Thánh, hay còn gọi lễ Thanh minh (ngày mồng 6 tháng 3), lễ Kỳ phúc lục ngoạt (ngày 12 tháng 6), lễ Cầu đảo (năm nào nắng hạn dài, nhân dân tổng Đông rước Thành hoàng về làm lễ cầu mưa). Với thời gian, do sự biến thiên của lịch sử và sự thờ ơ của con người nên đã gần 70 năm nay, tại đền Nen chưa tổ chức được một lễ hội nào cho đúng với vị thế của một ngôi đền thiêng.

Năm Quý Tỵ này, việc cấp ủy và chính quyền địa phương xã Thạch Tiến tổ chức ngày giỗ lần thứ 956 của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang làm ngày lễ trọng của đền Nen, thiết nghĩ cũng là một việc làm ý nghĩa, thỏa mãn nhu cầu đời sống văn hoá tâm linh của nhân dân, tạo ra nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của một vùng quê giàu di sản văn hóa.

Theo Nguyễn Trí Sơn (Báo Hà Tĩnh)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây