Các dãy ki ốt của Trung tâm thương mại chợ Hội đang được nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện, đưa vào kinh doanh. |
Với mục tiêu đặt quyền lợi của người kinh doanh và người tiêu dùng lên hàng đầu, sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm thương mại chợ Hội sẽ là khu trung tâm thương mại quy mô lớn, cơ cấu hiện đại, không chỉ thay thế cho chợ cũ thị trấn Cẩm Xuyên đã xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm qua, mà còn là trung tâm chợ đầu mối tầm cỡ khu vực đảm bảo lưu thông đa dạng các mặt hàng đi và đến giữa Hà Tĩnh và các tỉnh, thành trên cả nước. Dự án xây dựng Trung tâm có tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng, trên diện tích 54.263 m2. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng chợ trung tâm trị giá 251 tỷ đồng; giai đoạn 2 đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn, trung tâm TMDV tổng hợp trị giá 150 tỷ đồng.
Trung tâm thương mại chợ Hội được xây dựng trên thiết kế hiện đại với hệ thống các khu chợ liên hoàn, theo mô hình chợ đầu mối (đạt tiêu chuẩn chợ loại I) sau khi hoàn thành sẽ là một trong những chợ đầu mối lớn nhất trong khu vực. Khu chợ chính được xây 2 tầng. Các gian hàng trong chợ được bố trí rộng rãi, thông thoáng, thuận tiện cho việc đi lại, kinh doanh và mua sắm. Ngoài ra, chợ còn đảm bảo được các yêu cầu khắt khe về phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh môi trường… Trong khuôn viên chợ còn được bố trí khu vực chợ phiên, có lò giết mổ, kho đông lạnh hiện đại theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Khu vực tầng 2 của chợ chính có điểm tổ chức các hội chợ triển lãm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; có khu vui chơi dành cho trẻ em.
Những ngày này, việc thi công chợ Hội đang vào giai đoạn nước rút để hoàn thành đúng tiến độ vào ngày 30/4/2013. Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Công ty CP Đầu tư - Phát triển Công thương miền Trung cho biết: “Để đưa Trung tâm thương mại chợ Hội vào hoạt động đúng ngày 30/4/2013 theo kế hoạch đã định, từ những tháng cuối năm 2012 đến nay, kể cả những ngày tết Quý Tỵ, Công ty đã tập trung cao độ để hoàn thiện nốt các hạng mục còn lại”.
Môi trường kinh doanh của chợ Hội cũ đã xuống cấp nghiêm trọng |
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, mặc dù đến thời điểm này, tổng giá trị giải ngân nguồn vốn cho xây dựng đã đạt 170 tỷ đồng, nhưng do dự án triển khai vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế kéo dài, thiếu hụt vốn đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công khiến nhà đầu tư cảm thấy… hụt hơi và rất khó triển khai tiếp nếu không có sự tiếp sức của các ngành chức năng, đặc biệt là các ngân hàng. “Sau 3 năm triển khai thi công với khối lượng hoàn thành trên 70% nhưng dự án chưa hề được vay một đồng vốn nào từ ngân hàng, mặc dù chúng tôi đã trầy trật gõ cửa hầu hết các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Nếu chúng tôi vay được khoảng 30 tỷ đồng thì dự án đã hoàn thành từ lâu” - ông Tuấn bày tỏ nỗi niềm.
Mặc dù vậy, nhưng để chuẩn bị cho việc kinh doanh tại Trung tâm thương mại chợ Hội dự kiến sẽ tổ chức vào dịp 30/4 năm nay, ngay từ những tháng cuối năm 2012, nhà đầu tư đã tổ chức đấu giá các gian hàng, ki ốt. Theo đó, căn cứ trên diện tích, vị trí lợi thế thương mại trong khu vực kinh doanh, giá khởi điểm áp dụng cho các ki ốt được tính như sau: Khu vực chợ chính được phân thành 4 loại, loại cao nhất 195.000 đồng/m2/tháng và loại thấp nhất 135.000đ/m2/tháng; khu vực chợ công nghiệp, loại cao nhất 155.000 đ/m2/tháng và loại thấp nhất 90.000 đ/m2/tháng.
Qua 2 phiên đấu giá, đến nay đã có hơn 300/700 hộ kinh doanh tại chợ cũ đăng ký mua ki ốt. Qua tìm hiểu tâm tư từ các hộ kinh doanh ở chợ thị trấn Cẩm Xuyên, chúng tôi được biết, mặc dù rất ít được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền cũng như Ban quản lý chợ Hội (cũ), nhưng phần lớn bà con rất háo hức chờ đợi để được chuyển sang kinh doanh ở chợ mới. Điều phân vân duy nhất của bà con tư thương là vấn đề giá thuê ki ốt, do lâu nay, việc thuê ki ốt tạm bợ (ở chợ cũ) giá khá thấp nên bà con chưa quen.
Bà Nguyễn Thị Mai - chủ hộ kinh doanh hàng tạp hóa trong chợ cũ cho biết: “Điều kiện bán hàng ở đây chật hẹp, mưa xuống ẩm ướt tứ bề, muốn mở rộng kinh doanh cũng bó tay. Vì vậy, khi nghe tin Trung tâm thương mại tổ chức đấu giá ki ốt, tôi và nhiều tiểu thương khác đã kịp thời nộp đơn đăng ký. Ban đầu cũng phân vân về giá thuê ốt hơi cao sẽ khó khăn hơn trong việc kinh doanh. Tuy nhiên, “đắt mà cắt nên miếng”, sang đó điều kiện kinh doanh sẽ khác xa bên này. Không chỉ rộng rãi, thoáng đãng, chúng tôi còn được yên tâm về điều kiện an toàn vệ sinh, phòng chống cháy nổ. Và như vậy hiệu quả kinh doanh sẽ cao hơn và bền vững hơn. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chuyển sang chỗ kinh doanh mới”.
Theo đề xuất của ông Tuấn, để Trung tâm chợ Hội hoàn thành đúng tiến độ và đi vào hoạt động có hiệu quả, nhà đầu tư rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương (huyện Cẩm Xuyên và Thị trấn Cẩm Xuyên). Trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, thu hút thương nhân vào kinh doanh tại chợ mới; đồng thời tổ chức quản lý tốt các hoạt động thương mại trong chợ để khi cần thiết có thể kiểm đếm, thống kê, giải phóng nhanh chóng, không phát sinh đăng ký gian hàng ảo hoặc khiếu kiện phức tạp.
Rác thải chất đống xung quanh khu vực chợ Hội cũ làm ô nhiểm môi trường nghiêm trọng |
Mặt khác, cần có biện pháp chỉ đạo Ban quản lý chợ Hội (cũ) chuẩn bị kế hoạch chuyển giao hoạt động kinh doanh sang chợ mới; không tổ chức xây dựng, sửa chữa, gia cố các hạng mục tại chợ cũ; kiên quyết dẹp bỏ tệ lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường khu vực xung quanh chợ để kinh doanh. Phối hợp với các ngành chức năng triển khai tốt công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và kiên quyết xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường (giết mổ gia súc, gia cầm, tập kết rác thải) của các hộ kinh doanh bên ngoài chợ... Góp phần tạo được một môi trường kinh doanh hiện đại, lành mạnh và hiệu quả; tạo được nét văn minh trong ý thức và hành động của hoạt động kinh doanh ngay từ những ngày đầu Trung tâm thương mại chợ Hội đi vào hoạt động.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn