Đạo đức báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số

Thứ bảy - 10/06/2017 13:25
Mạng xã hội đang trở thành nơi cung cấp thông tin, đề tài phong phú cho nhà báo. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, người làm báo rất dễ tạo ra “hiểm họa đạo đức” báo chí.
Khoa báo chí và Truyền thông, ĐHKHXH&NV – ĐHQG Hà Nội vừa tổ chức hội thảo khoa học “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số”. Chúng tôi xin được trích lại ý kiến về vấn đề đạo đức báo chí trong thời đại kỷ nguyên số của nhà báo Đỗ Văn Dũng và Phan Văn Tú.


Nhà báo Đỗ Văn Dũng, Phó tổng biên tập báo Tuổi trẻ: Mất niềm tin với bạn đọc, báo chí sẽ mất tương lai.

Rất nhiều bạn đọc giờ thường lấy tin từ các chia sẻ trên Facebook của bạn bè hơn là trực tiếp vào các trang chủ của các tờ báo. Người đọc không để ý xem tin bài đó là của báo nào – họ chỉ chú ý đến nội dung được cia sẻ, giới thiệu trên Facebook.

Các anh chị làm báo mạng cũng đã biết, thực tế chỉ có 30-40% bạn đọc trực tiếp vào trang chủ của báo để đọc tin. Phần lớn còn lại đến từ các nguồn giới thiệu, tìm kiếm. Đáng ngại là tỷ lệ này có vẻ ngày càng giảm xuống.

Một báo cáo nội bộ của New York times hồi đầu năm 2014 cho thấy, lượng bạn đọc vào trang chủ của họ đã giảm hơn ½ trong vòng hai năm qua. Tại Việt Nam, nhiều tờ báo cũng không thoát khỏi xu hướng này.

Nếu không tỉnh táo, người làm báo rất dễ tạo ra bài viết được coi là “hiểm họa đạo đức” báo chí (Ảnh minh hoạ)

Đến nỗi, ngày 12/5 vừa qua, New York Times cùng 8 cơ quan báo chí trên thế giới “liều mình” đưa sản phẩm cho Facebook xuất bản trực tiếp. Các tờ báo này xuất bản toàn văn tin, bài trên Facebook chứ không chỉ dẫn link giới thiệu như trước đây.

Trước thực tế báo chí và sự thay đổi xu hướng đọc của bạn đọc như vậy, nhiều người bày tỏ sự hoang mang thực sự cho tương lai báo chí. Và thực tế phải thừa nhận nguy cơ chúng ta bị công chúng bỏ rơi là một nguy cơ có thật và khá rõ ràng.

Có thể sẽ có ý kiến không đồng tình với nhận định này, nhưng tôi chắc rằng những người làm nghề ở đây đều đang chứng kiến thực tế báo chí đang dần mất đi những độc giả trung thành.

Trong đó, xu hướng là điều không thể ngăn cản. Nhưng việc báo chí không tạo được niềm tin trong công chúng mới là nguyên nhân chính. Và đó chính là nguy cơ lớn khiến báo chí dần dần mất bạn đọc, rơi vào khủng hoảng.

Vậy nên chúng ta cần thống nhất rằng, công việc của nhà báo trước mắt không phải là đi ngược lại xư hướng mà bằng mọi giá phải tạo được niềm tin đối với công chúng.

Và để tạo niềm tin với công chúng, không còn cách nào khác là phải lấy sự thật và lợi ích của bạn đọc để chinh phục niềm tin của họ. Dĩ nhiên, để làm được điều đó, đội ngũ làm báo phải chấp nhận dấn thân, thậm chí chấp nhận hiểm nguy. Đây là điều không phải lúc nào, không phải ai, không phải bất cứ cơ quan báo chí nào cũng làm được.

ThS Phan Văn Tú, Giảng viên Khoa Báo chí – Truyền thông, ĐHKHXHNV TP.HCM: Chạy theo đề tài “hot” trên mạng xã hội để “câu khách”.

Truyền thông xã hội vốn là mô thức truyền thông liên cá nhân nhằm chia sẻ ý tưởng, sự kiện, chủ thể thông tin là các cá nhân – thậm chí là các nguồn ẩn danh, hoàn toàn không chịu trách nhiệm trước cộng đồng – nhưng nó đồng thời cũng là truyền thông đại chúng nhờ bản chất toàn cầu của internet.

Thông tin trên môi trường truyền thông xã hội đa phần có tính cá nhân, không được kiểm chứng bằng các thủ pháp báo chí chuyên nghiệp, không chịu trách nhiệm về giá trị thông tin, độ tin cậy của thông tin, mà phổ biến là các dạng tin tức xã hội (social news) xuất phát từ các thành viên trong cộng đồng mạng.
Đa phần tập trung vào các đề tài đời thường, các quan sát, thể hiện cảm xúc, bình luận có tính cá nhân; được thể hiện không quy chuẩn, tự nhiên, hồn nhiên và thậm chí, phá cách, lệch chuẩn.

Thực tiễn báo chí những năm gần đây cho thấy, khi thông tin trên mạng xã hội được sự quan tâm của một lượng lớn công chúng, nhiều tòa soạn cũng sa đà vào chuyện chạy theo các đề tài này.

Và cái vòng quay “báo chí chính thống – mạng xã hội đôi lúc làm lệch cán cân truyền thông về phía những vấn đề, đề tài vụn vặt khiến công chúng ít quan tâm đến những vấn đề xã hội quan trọng hơn.

Một phát biểu “nổi loạn” của một nhà văn nữ về nam giới và những cuộc tranh cãi sau đó cũng thành những tuyến bài cho nhiều trang báo mạng kéo dài nhiều tuần lễ. Một clip nữ sinh đánh nhau cũng được khai thác thiếu định hướng với tần suất cao của một số tờ báo mạng.

Áp lực thông tin từ mạng xã hội khiến một số không ít tờ báo tập trung đưa tin về người nổi tiếng, về giải trí, bạo lực, tai nạn, sự cố, về những chuyện sinh hoạt cá nhân…

Công bằng mà nói, trong một số trường hợp, truyền thông xã hội có ưu thế trong việc phát hiện kịp thời và đưa tin nhanh nhạy. Nhưng trước một sự kiện, một vấn đề, truyền thông xã hội khó hội đủ các yêu cầu chuyên nghiệp để cung cấp cho công chúng những giá trị của tin tức.

Nhà báo Đỗ Văn Dũng; Phan Văn Tú.
Theo Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây