Không biết chính xác dân ca ví, giặm có từ bao giờ, chỉ biết rằng ví, giặm là hai thể hát dân ca không có nhạc đệm do người dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh sáng tạo trong quá trình sinh hoạt và lao động, mang đậm bản sắc địa phương về điệu hát, ca từ, giọng điệu, âm điệu. Dân ca ví, giặm Nghệ – Tĩnh được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt các làng, thôn, xóm, khu dân cư của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đa số người Nghệ – Tĩnh biết hát ví, giặm vì loại hình dân ca này chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa, cuộc sống của họ.
Ví có nhiều điệu như: ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví trèo non, ví mục đồng, ví chuỗi, ví ghẹo... Ví thuộc thể ngâm vĩnh, bằng phương pháp phổ thơ dân tộc ( lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể...). Khác với ví, giặm là thể hát nói, bằng thơ ngụ ngôn (thơ/vè 5 chữ). Giặm cũng có nhiều làn điệu như: giặm kể, giặm cửa quyền, giặm ru, giặm vè, giặm nối, giặm xẩm... Nếu ví là thể hát tự do thì giặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại. Thông thường một bài giặm có nhiều khổ, mỗi khổ có 5 câu ( câu 5 thường điệp lại câu 4), mỗi câu có 5 từ. Tuy vậy, cũng có những bài giặm/vè không phân khổ rõ ràng, mà cứ hát một lèo, có khi đến hàng chục hàng trăm câu, và mỗi câu cũng không nhất nhất 5 chữ mà có thể 4 hoặc 6, 7 chữ.
Ví, giặm là hai kiểu hát khác nhau nhưng đều có không gian diễn xướng gắn liền với lao động sản xuất, trong các làng nghề truyền thống, hoặc những lúc lao động như: cày cấy, gặt hái, đắp đập đào mương, chăn trâu, cắt cỏ, tung chài kéo lưới, hái củi, đốt than, quay tơ dệt vải, đan lát... Cũng có khi hát ví, giặm được thể hiện vào những dịp hội hè, Tết nhất, đình đám, hoặc những đêm trăng thanh gió mát bạn bè giao du thưởng ngoạn, thi thố tài năng ứng tác văn chương chữ nghĩa.
Bởi là lối hát ra đời từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người nông dân nên những lời hát ví giặm cũng rất gần gũi, mộc mạc. Đa số những câu hát ví, giặm có nội dung như: giao duyên giữa lứa đôi trai gái, hay kể về những nỗi niềm sâu kín, những uẩn khúc cuộc đời, những số kiếp long đong, thuật lại những sự việc xảy ra trong làng ngoài xã, kể về một sự tích, một giai thoại nào đó, hoặc muốn biểu dương người tốt việc tốt, hay phê phán những thói hư tật xấu... Thông qua những câu hát ví, giặm để giãi bày khuyên nhủ người đời về những điều hay lẽ phải, về thuần phong mỹ tục, về đạo lý, tôn sư trọng đạo, tứ đức tam tòng, lệ làng phép nước, về anh hùng nghĩa khí, ái quốc trung quân...
Một nét đặc biệt của ví, giặm hoàn toàn khác với những thể loại âm nhạc dân gian như: chèo, tuồng, quan họ... đó là khi biểu diễn các làn điệu ví, giặm người diễn viên không những phải hát hay những làn điệu, mà còn phải tự sáng tác lời. Chính bởi, lời hát được sáng tác nhanh để đối đáp, đòi hỏi diễn viên phải có năng khiếu văn chương, phải có tài ứng khẩu, cũng như uyên thâm về chữ nghĩa, sử học, triết học và tận tường về cuộc sống. Lời của ví, giặm được soạn ra từ trái tim người hát, cùng những làn điệu da diết chính là nét cuốn hút của ví, giặm.
Theo suốt chiều dài lịch sử, người dân Nghệ An, Hà Tĩnh luôn sử dụng, phổ biến, lưu truyền và phát huy rộng rãi các giá trị đặc sắc của ví, giặm. Ngày nay, hát ví, giặm phổ biến trong cuộc sống, phong trào văn hóa xã hội, lễ hội, các cuộc gặp gỡ vui chơi, liên hoan văn nghệ và còn được chuyển hóa thành các ca khúc, ca kịch trình diễn trên sân khấu
Dân ca ví, giặm không chỉ được lưu truyền, phổ biến bằng việc thành lập các CLB, những đội hát mà đang được các trường học đưa vào chương trình ngoại khóa nhằm phổ biến cho các em học sinh. Cô Phan Thị Thu Huyền, Bí thư đoàn trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP.Vinh cho biết: Nhà trường rất chú trọng đến việc cho các em học sinh tham gia hoạt động hát dân ca thông qua việc thành lập các CLB. Tại đây, các em học sinh được tập các ca khúc dân ca dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Bên cạnh đó, hàng năm nhà trường cũng tổ chức cho các học sinh những cuộc thi hát dân ca, sinh hoạt các tổ chuyên đề, nghiên cứu các ca khúc dân ca... Tuy nhiên, để giúp học sinh có thái độ tham gia nhiệt tình với những loại hình nghệ thuật dân gian này là công việc không hề đơn giản, đòi hỏi người giáo viên phải có sự dày công, cũng như có hình thức truyền đạt phù hợp. Theo cô Huyền, việc truyền dạy cho các em học sinh thêm hiểu và yêu các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và dân ca ví, giặm nói riêng nếu có sự cố gắng và đầu tư thích đáng sẽ đưa đến kết quả khả quan.
Với những nét đặc biệt của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, tháng 3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký hồ sơ “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh” trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chúng ta hy vọng trong thời gian tới, dân ca ví, giặm – loại hình dân ca chứa đựng tâm hồn, trí tuệ uyên bác, tinh hoa được chắt chiu từ giai điệu của âm nhạc, sự mềm mại của văn chương, vẻ đẹp của lao động sản xuất sẽ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.
Theo Website ĐCSVN
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn