Đám ma thế kỷ 21: Từ viếng vọng trên xe tới tang lễ "xanh"

Thứ tư - 02/05/2018 23:56
Người dân khắp các quốc gia châu Á dần thay đổi những nghi thức tang lễ để phù hợp với cuộc sống và xã hội hiện đại, nhưng vẫn thể hiện được sự thương tiếc với người thân đã mất.
Buổi chiều thứ bảy trên boong một con tàu nhỏ ở Vịnh Tokyo, 13 hành khách ngồi im lặng khi con tàu tiến ra giữa vịnh. Bài hát Mother đầy đau khổ của John Lennon sáng tác năm 1970 tràn ngập không gian. Phía trên cao, những chiếc máy bay phát ra tiếng động ầm ầm trên bầu trời xanh thẳm.

Phía dưới, hàng trăm cánh hoa màu rực rỡ nổi trên mặt nước, đánh dấu nơi một túi giấy chứa phần còn lại của một thành viên trong gia đình các hành khách được ném vào vịnh.

Toshiko Mori, 79 tuổi, đến nơi này vào ngày hôm đó cùng gia đình để rải tro cốt của ông bà mình. Trong hơn ba thập kỷ, bà và chồng đã chăm lo chu đáo phần mộ gia đình. Nhưng sau khi chính quyền địa phương đề nghị họ dừng việc này để có thể sắp xếp lại nghĩa trang, bà đã phải tìm một nơi khác.

Gia đình gặp rất nhiều khó khăn để tìm thấy một mảnh đất phù hợp ở nghĩa trang khác, và họ đã quyết định không chi 1 triệu yen (8.983 USD) để có mảnh đất mới này. Việc rải tro cốt trên biển dường như giải quyết tất cả các vấn đề của họ.

Vịnh Tokyo là nơi an nghỉ cuối cùng dành cho những thân nhân đã ra đi từ rất lâu của Mori, và việc rải tro giúp bà, cũng như con gái bà sau này, tiết kiệm được nhiều thời gian so với việc chăm sóc mộ phần. "Khi tôi chết, tôi muốn nó cũng sẽ rải tro cốt của tôi xuống biển", bà Mori nói.

Tung cánh hoa vĩnh biệt người thân trong một đám tang ngoài cảng Manazuru, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.

Xu thế mới

Nhà Mori là một trong ba gia đình trên chuyến tàu do Blue Ocean Ceremony tổ chức. Mỗi năm, công ty chuyên chở 300 chuyến để khách hàng phân tán tro cốt của những người thân yêu trên biển. Phí rải tro cho một người có giá từ 50.000 yen (hơn 450 USD). "Nhiều người đã quan tâm đến việc phân tán tro cốt ở Nhật Bản trong thập kỷ qua", Kazuki Gonmori, giám đốc House Boat Club, quản lý các chuyến đi, nói thêm.

Blue Ocean là một trong số những công ty cung cấp các lựa chọn thay thế cho các nghi thức tang lễ truyền thống của Nhật Bản. Đại đa số người Nhật được hỏa táng sau khi chết, và tro cốt thường được đặt trong hũ tại nghĩa trang gia đình. Các thành viên trong gia đình sẽ chăm sóc mộ phần đó. Chà sạch đá và đặt hoa trên mộ là những nghi thức thiết yếu của lễ báo hiếu vào cuối mùa hè của Nhật Bản.

Thế nhưng, ở đất nước mặt trời mọc, nhiều người trong xã hội già nua, nơi mà "cái chết cô đơn" đã trở thành mối quan tâm quốc gia, đang đi đến kết luận rằng những nghi lễ phức tạp như vậy không còn thực tế trong một xã hội đang bị thu hẹp.

"Người Nhật quá nhạy cảm với áp lực từ cộng đồng, và các đám tang đã trở nên quá phức tạp", Wakako Sasaki, tác giả của một cuốn sách về lịch sử tôn giáo, nói. "Đồng thời, có nhiều lựa chọn cho tang lễ ngày nay".

Điều tương tự cũng xảy ra tại nhiều quốc gia châu Á, các gia đình đang thay đổi cách mai táng và tri ân những người thân yêu đã qua đời của họ do thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu học. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, khoảng 60% dân số cao tuổi trên thế giới sống ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2050, hơn một phần mười dân số Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan sẽ ở độ tuổi từ 80 trở lên.

Khi số dân này già đi, các truyền thống tang lễ có từ hàng thế kỷ bị xóa mờ do thiếu không gian nghĩa trang, chi phí mai táng tăng và số lượng thành viên trong các gia đình ít đi.

Trung Quốc đang chuyển từ chôn cất truyền thống sang hỏa táng và những hợp đồng cho thuê chỗ đặt tro cốt trong các ngôi mộ ở nghĩa trang thường hết hạn trong 20 năm. Chôn cất trên biển và các loại đám tang "xanh" khác cũng đang trở nên phổ biến ở Trung Quốc.

Tại Singapore, nơi dân số già và chủ đề tang lễ vẫn còn nhạy cảm, công ty dịch vụ phúc lợi Nam Hong cung cấp các dịch vụ tang lễ miễn phí cho người cao tuổi không họ hàng thân thích hoặc không có khả năng chi trả phí tổn.

Trong khi đó tại Philippines, nơi phần lớn người dân theo đạo Thiên Chúa, hỏa táng ngày càng trở nên phổ biến, một phần bởi thủ tục này ít tốn kém hơn việc chôn cất. Và ở Hàn Quốc, nơi những nghĩa trang chật chội buộc nhiều người phải lựa chọn hỏa táng, chính phủ đang xúc tiến chôn cất "tự nhiên" như một phương án thay thế.

Khu đặt tro cốt với tượng Phật phát sáng. Ảnh: Getty.

Năm 2016, Nhật Bản có khoảng 1,3 triệu ca tử vong - con số lớn nhất kể từ Thế chiến II. Đất nước đang đối phó với thách thức nhân khẩu học này theo những cách sáng tạo, từ dịch vụ viếng vọng từ trong ôtô cho đến các khu đặt tro cốt có tượng Phật được chiếu sáng bằng đèn LED kích hoạt bằng thẻ điện tử.

Lễ tang truyền thống có thể tốn từ 1 triệu đến 2 triệu yen (khoảng 9.000-18.000 USD), nhưng chi phí này lại đang giảm nhờ vào những dịch vụ tang lễ tối giản của các nhà cung cấp như Aeon, nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản và các công ty khởi nghiệp trên Internet. Theo ước tính của Kamakura Shinsho, một công ty nghiên cứu về tang lễ, đám tang truyền thống chiếm 59% trên tổng số đám tang ở Nhật Bản năm 2015, nhưng năm ngoái con số này đã giảm xuống còn 52,8%.

Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Người tiêu dùng Nhật Bản, chi phí lễ tang trung bình giảm xuống còn 1,96 triệu yen (hơn 18.000 USD) năm 2016, so với 2,31 triệu yen (gần 21.000 USD) năm 2007.

Dịch vụ tang lễ đầy đủ ở Nhật Bản gồm thức canh người chết cả đêm, mai táng và hỏa táng, đang dần trở nên hiếm hơn. Các gia đình có xu hướng tổ chức đám tang nhỏ hơn và ngắn hơn. Điều này phản ánh thực tế người cao tuổi Nhật Bản thường sống lâu hơn nhiều bạn bè và thành viên gia đình họ.

"Tổ chức tang lễ truyền thống là quá mệt nhọc đối với người Nhật hiện đại", Phát ngôn viên của Kamakura Shinsho cho biết.

Tang lễ 'xanh' ở Hong Kong

James Wong Wing-kwan, một công chức 67 tuổi đã nghỉ hưu ở Hong Kong, đã phân tán tro cốt của mẹ mình tại một vườn tưởng niệm ở quận Diamond Hill của thành phố vài năm trước.

"Mẹ tôi luôn thích làm vườn, tôi nghĩ bà hẳn sẽ rất hạnh phúc khi được bao quanh bởi hoa và cỏ", Wong cho biết đã chi khoảng 30.000 HKD (3.835 USD) để tổ chức một đám tang theo phong cách Thiên Chúa giáo.

Lễ tang này đơn giản hơn so với lễ tang lớn cho cha ông cách đây 20 năm. Đám tang ngày ấy kéo dài nhiều ngày và tro cốt của cha Wong đã được đặt trong một nhà để tro riêng biệt. Gia đình đã chi 160.000 HKD (hơn 20.000 USD) cho nơi đặt tro cốt đó.

Một khu đặt tro cốt ở Hong Kong. Ảnh: New York Times.

"Tôi nghĩ rằng mục đích của việc chôn cất theo truyền thống kiểu Trung Quốc là để trình diễn cho những người còn sống xem", Wong nói. "Nó chẳng liên quan gì đến người chết". Ông cho biết thêm nhiều người có quan niệm rằng cách thân nhân được chôn cất cho thấy uy tín của gia đình. "Tôi đã nói với vợ rằng mình muốn có một đám tang trên biển sau khi chết," ông nói.

Ở Hong Kong, kinh doanh cũng như truyền thống trong tang lễ và chôn cất đã thay đổi trong vài thế hệ gần đây. Trong một thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới, sự chú ý tập trung vào chi phí gia tăng và sự khan hiếm không gian để chôn người chết hoặc đặt tro cốt.

Chan Chi-chun, một chuyên gia về âm nhạc tang lễ cho biết phong cách đám tang đã thay đổi, được đơn giản hoá và "thời gian thực hiện nghi thức đang ngày càng ngắn". Trước đó, Chan nói, người chết thường được đưa từ bệnh viện đến nhà tang lễ để hỏa thiêu hoặc mai táng. Một số gia đình hiện nay bỏ qua nhà tang lễ vì chi phí cao và gửi người chết trực tiếp đến lò hoả thiêu.

Ng Yiu-tong, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh tang lễ ở Hong Kong, nói với Nikkei Asian Review rằng giá cho một tang lễ tiêu chuẩn, không bao gồm nơi đặt tro cốt hoặc đất mộ phần, đã tăng từ khoảng 20.000 KHD đến 25.000 HKD một thập kỷ trước lên mức 55.000 HKD hiện nay (khoảng hơn 2.500-7.000 USD).

"Việc tổ chức tang lễ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn nhiều, chi phí thuê phòng tại nhà tang lễ là tốn kém nhất", Ng cho biết.

Theo cơ quan Thực phẩm và Vệ sinh Môi trường, người dân ở Hong Kong ngày càng già đi, số ca tử vong sẽ tăng đều trong những thập kỷ tới. Chính quyền dự báo tỷ lệ dân số 70 tuổi trở lên sẽ tăng từ 10,6% năm 2016 lên 28,4% vào năm 2066.

Giống như ở Nhật Bản, đa số người chết ở Hong Kong được hỏa táng. Do thiếu số lượng nơi để tro cốt và danh sách chờ đợi có thể lên đến nhiều năm, và chính quyền đang làm việc để tăng nguồn cung nhà để tro hỏa táng. Để giải quyết vấn đề này, Hong Kong xúc tiến những "lễ tang xanh". Tro có thể được rải trong vườn tưởng niệm được chỉ định trong nghĩa trang hoặc trên biển.

Tuy nhiên, đây lại là thách thức đối với các truyền thống văn hoá thể hiện đạo hiếu. Để đáp lại vấn đề đó, Hong Kong đã thiết lập một website để gia đình và bạn bè có thể tạo ra các trang web với hình ảnh, video, tiểu sử và "sổ tang" để khách truy cập viết lời tri ân và gửi "lễ".

Nghĩa trang quốc gia Hàn Quốc. Ảnh: Getty.

Betsy Ma, quản lý một công ty dịch vụ tang lễ ở Hong Kong có tên Sage Funeral Services, cho biết chỉ 10% khách hàng của cô chọn tang lễ "xanh" cho thân nhân khi công ty bắt đầu kinh doanh vào năm 2011. Con số này hiện nay là 60% đến 70%. Gói đắt nhất mà công ty cung cấp có giá 9.800 HKD (hơn 1.200 USD), trong khi tang lễ truyền thống có thể tốn tới 55.800 HKD (hơn 7.000 USD).

Thích ứng với thay đổi

Người Nhật ở tỉnh Nagano giờ đây có thể tới đám tang bày tỏ lòng thành kính với bạn bè và người thân đã khuất mà không phải rời những tiện nghi của chiếc ôtô. Những người lớn tuổi hoặc tàn tật đến đám tang có thể đăng ký tên trên một thiết bị cảm ứng và hạ cửa sổ xe để thực hiện những cử chỉ, nghi lễ tiễn đưa. Hình ảnh này sẽ được chuyển tới một màn hình bên trong khu vực tổ chức tang lễ để những người chủ trì đám tang chứng kiến. 

Nhà tang lễ cho biết ý tưởng này giúp người cao niên và người tàn tật dễ dàng hơn trong cử hành nghĩa tử.

Dịch vụ viếng vọng từ trong xe ra đời ở Nhật Bản. Ảnh: AFP.

Một số người tỏ ra quan ngại về việc xa cách truyền thống trong tang lễ. "Đám tang là một lễ nghi quan trọng để chấp nhận cái chết của người thân yêu của họ", thầy tế Joji Inoue tại đền Shodaiji ở Tokyo nói. "Nếu bạn chỉ hỏa táng cơ thể rồi thôi thì đồng nghĩa với việc không có những thương tiếc."

Tuy nhiên những mối quan tâm thực tế có thể vượt qua các lập luận về việc duy trì truyền thống. Giống như nhiều người Nhật Bản cao tuổi, Hisao Suzuki, em trai 76 tuổi của Mori, không muốn để lại gánh nặng chăm sóc mộ mình cho gia đình. Ông đã quyết định tro cốt của mình sẽ được rải trên biển.

Việc rải tro của Suzuki sẽ giúp cháu gái ông không phải thực hiện nhiệm vụ chăm sóc ngôi mộ đá của gia đình ở vùng ngoại ô Tokyo hoặc trả phí hội viên cho ngôi đền.

"Nó sẽ phải xử lý tất cả tro cốt của chúng tôi, nhưng sẽ không phải lo lắng về các mộ phần của chúng tôi", ông nói. "Nó được tự quản lý cuộc sống của chính mình".

Theo Hoa Hạ (Zing)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây