Đại gia nghìn tỷ nào có vẻ ngoài dễ gần nhất Việt Nam?

Thứ tư - 07/06/2017 05:37
Những đại gia Việt này không chỉ sở hữu khối tài sản "khủng" nhất Việt Nam, mà với vẻ ngoài thân thiện của mình, họ dễ dàng gây được thiện cảm với người đối diện...

Tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup  dù là cái tên thuộc diện được tìm kiếm hàng đầu ở Việt Nam, nhưng hiếm khi người ta thấy ông xuất hiện rình rang ở chốn đông người.

Ông rất khiêm nhường và vô cùng kiệm lời. Mọi thông tin về ông, cho đến giờ, phần nhiều là từ sự bàn tán sau những công trình, dự án “khủng” mà Vingroup không ngừng dựng xây trong hơn 10 năm qua.

Người ta bảo ông giàu, ông chỉ mỉm cười. Có người nói ông đã... “chết”, ông cũng vẫn chỉ lặng lẽ nhấm nháp niềm hạnh phúc riêng của mình.

Với nụ cười thân thiện luôn nở trên môi, ông Phạm Nhật Vượng dễ dàng "ghi điểm" trong con mắt người đối diện.

Quê gốc của ông Phạm Nhật Vượng ở Can Lộc (Hà Tĩnh), nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.

Người đàn ông 47 tuổi này bắt đầu bước ngoặt lớn nhất cuộc đời mình vào năm 1987, khi thi đỗ Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội và được chọn sang Nga du học.

Tốt nghiệp đại học sau đó 5 năm, ông kết hôn rồi chuyển tới sống tại Kharkov (Ukraine).

Năm 1992, sau khi tốt nghiệp Kinh tế địa chất tại Moscow, ông Vượng cưới bà Hương, rồi cặp vợ chồng trẻ quyết định đến Kharkov, Ukraine sinh sống.

Tại đây, câu chuyện khởi nghiệp mỳ gói huyền thoại của Phạm Nhật Vượng bắt đầu.

 Tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng rất khiêm nhường và vô cùng kiệm lời.

Mỳ ăn liền thời đó là món thực phẩm hữu ích, sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Sau mỳ gói thương hiệu Mivina là bột canh và các sản phẩm gia vị, đồ ăn nhanh…

Chính những gói mỳ ăn liền và các sản phẩm gia vị, thức ăn nhanh đã mang lại cho Phạm Nhật Vượng khối tài sản lớn.

Từ 10.000 USD khởi nghiệp vào năm 1992, sau 22 năm, gia tài mà Phạm Nhật Vượng có được lên tới 1,6 tỷ USD – con số mà chỉ 1.092 người trên thế giới với tới được.

Hơn 10 năm trước, thoáng nghe thông tin có một đại gia Việt xây dựng Khu du lịch Vinpearl tại đảo Hòn Tre (Nha Trang), thậm chí có cả cáp treo vượt biển, rất ít người tin tưởng.

Nhiều người còn bảo, Phạm Nhật Vượng “điên”, là “ném tiền xuống biển”, “trứng chọi đá”... Nhưng khi Vinpearl Nha Trang lộng lẫy khánh thành, tất cả đều phải thừa nhận: ông chủ ấy quả có tầm nhìn tuyệt vời.

Vinpearl Nha Trang, cho đến giờ, vẫn là một điểm đến hấp dẫn bậc nhất của khách du lịch mỗi khi ghé thăm thành phố biển Nha Trang.

Sau Vinpearl Nha Trang, đã có hàng loạt dự án tầm cỡ mang dấu ấn Vingroup và tầm vóc Phạm Nhật Vượng.

Nhưng dù là Vincom Hà Nội hay Vincom TP.HCM, Times City, Royal City hay Vinhomes Riverside, Vinpearl Nha Trang và Vinpearl Luxury Đà Nẵng..., tất cả đều là sản phẩm hoành tráng, hoa lệ, vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.

Sắp tới sẽ còn có Vinpearl ở Bình Định, Phú Quốc, Quảng Ninh, Vincom Center tại Hạ Long, Tân Cảng; Vinhomes Tân Cảng, Nguyễn Chí Thanh...

Công trình nào gắn với thương hiệu bắt đầu từ chữ “Vin...” của Vingroup cũng đồng nghĩa với đẳng cấp và uy tín.

Điều quan trọng, tất cả các dự án đều được triển khai nhanh và hiệu quả một cách đáng kinh ngạc, dù được đặt ở vùng đất nào, cũng đều trở thành một điểm nhấn vô cùng đẹp đẽ ở vùng đất đó.

Giữa năm 2014, tỷ phú Phạm Nhật Vượng khuấy động thị trường BĐS phía Nam khi chính thức khởi công dự án 30.000 tỷ đồng, trong đó có tòa tháp 81 tầng, soán ngôi cao nhất Việt Nam.

Ngay sau đó, taị Hà Nội, vị tỷ phú này tiếp tục tạo cơn sốt cho thị trường với hàng trăm căn hộ Vinhomes Nguyễn Chí Thanh.

Điều mà không ít chủ đầu tư khác thèm muốn khi nhìn vào các dự án của tỷ phú đô la đầu tiên tại Việt Nam là tuy giá cao nhưng người mua vẫn xếp hàng, nhất là tiến độ cũng như hạ tầng luôn đảm bảo.

Người giàu nhất VN cũng lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ khi chính thức mua lại hệ thống siêu thị Ocean Mart.

Tháng 7/2014, Vingroup công bố chiến lược phát triển chuỗi hệ thống Bệnh viện Vinmec với 10 bệnh viện tại các địa phương.

Công trình nối tiếp công trình, suốt dọc dài đất nước. Tên tuổi Phạm Nhật Vượng và Vingroup cứ thế ngày càng nổi danh trên thương trường.

Vingroup đã gắn với hình ảnh doanh nghiệp xây dựng cần mẫn, ngày đêm kiến tạo những công trình to đẹp, góp phần quan trọng đổi thay bộ mặt đô thị Việt Nam, mang lại cho người Việt không gian sống hoàn toàn khác biệt, hiện đại và văn minh.

Nhiều người Việt đã có những cuối tuần thảnh thơi, tới Times City hay Royal City để thưởng ngoạn và tâm đắc: đây thực sự là một nơi đáng sống!.

Ước mơ để Việt Nam “ngẩng mặt với thế giới” của Phạm Nhật Vượng vì thế ngày càng tròn đầy hơn.

Vingroup giờ có thể sánh ngang các tên tuổi lớn trên thế giới trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, như Capital Land, Keppel Land...

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện đang nắm giữ 423.233.803 cổ phiếu, tương đương 30,16% cổ phần Vingroup (VIC) (tính đến hết ngày 31/12/2014).

Trong danh sách xếp hạng các tỷ phú năm 2015 được tạp chí Forbes công bố ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam, với khối tài sản 1,7 tỷ USD, tăng so với mức 1,6 tỷ USD của năm ngoái.

Với khối tài sản này trong tay, Phạm Nhật Vượng hiện là người giàu thứ 1.118 trên thế giới, so với vị trí 1.092 của năm ngoái.

Năm nay là năm thứ ba liên tiếp ông Vượng có tên trong danh sách này.

Bầu Đức: Bộc toạc dễ gần

Bầu Đức "ghi điểm" bởi vẻ dễ gần

Theo báo cáo tình hình quản trị 2015 của công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), tại thời điểm 21/12/2014, bầu Đức nắm giữ gần 343 triệu cổ phiếu HAG, tương ứng 43,39% vốn HAG.

Theo thị giá HAG ngày 22/1/2015, khối tài sản trên thị trường chứng khoán của bầu Đức đạt gần 7.650 tỷ đồng. Bầu Đức vẫn đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Cũng theo số liệu được CTCP Tập đoàn HAGL (mã chứng khoán HAG) công bố tại Báo cáo thường niên năm 2015 vừa công bố sáng ngày 16/4, trong năm vừa rồi, với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) vẫn đang nhận mức thù lao cao nhất tại HAGL.

Cụ thể, tổng lương, thưởng và thù lao mà bầu Đức nhận được trong năm 2014 là 5,58 tỷ đồng.

Là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam, nhưng nhìn bầu Đức, ta luôn thấy hình ảnh một đại gia luôn tất bật vì công việc. 

Trước giờ, bầu Đức luôn tỏ ra quyền uy với những phát ngôn mạnh bạo trên báo chí.

Nhưng có thấy những phút "sống hết mình" vì kinh doanh và vì đam mê bóng đá của bầu Đức, ta mới thấy được vì sao vị đại gia Việt này được dư luận xếp vào danh sách những đại gia thân thiện.

Nhất là sau sự cố "vỡ sân" Pleiku vừa qua, hình ảnh ông bầu này đã trở nên thân thiện, tình cảm và gần gũi hơn rất nhiều.

Từ sự việc này, có thể thấy bầu Đức thêm một lần nữa ghi điểm cao trong lòng người hâm mộ.

Sau khi khán giả được cho vào bên trong sân, lực lượng an ninh đã được huy động gấp để bảo đảm trật tự, với dây an ninh được căng ngang mặt tiền khán đài D, tránh tình trạng khán giả tràn xuống sân.

Mặc dù vậy vẫn xuất hiện tình trạng hàng trăm khán giả đứng ngồi tràn lan, hòa lẫn vào khu vực kỹ thuật lẫn nơi dành cho báo chí tác nghiệp.

Kết thúc giữa hiệp 1, Chủ tịch CLB HAGL – ông Đoàn Nguyên Đức đã xuống sân. Nhiều người lầm tưởng, ông bầu của đội bóng phố Núi xuống chỉ đạo BTC hoặc động viên các cầu thủ.

Nhưng khá bất ngờ, ông đi thẳng tới nơi các khán giả đang ngồi “bệt” xuống thảm cỏ, trong đó có các CĐV là các cụ già, để mời lên khán đài dự khán.

Hành động này của bầu Đức đã được các khán giả trên sân vỗ tay nồng nhiệt và khiến nhiều người cảm động.

Dương Ngọc Minh- "Người tình Mỹ Tâm": Đại gia phong cách "bụi"

Đại gia thủy sản Dương Ngọc Minh gây ấn tượng bởi phong cách "bụi".

Dương Ngọc Minh là một người có tài sản ngàn tỷ, là ông trùm thực sự của ngành thủy sản.

Tuy nhiên, ông khá kín tiếng và rất giản dị. Nếu tính theo giá thị trường số cổ phiếu này thì tài sản của vị đại gia này trên sàn chứng khoán tương đương 1.235 tỷ đồng.

Ông Minh sinh năm 1956. Theo công bố của VnExpress, năm 2013 ông là người giàu thứ 13 trên sàn chứng khoán.

Giàu có, nổi tiếng là thế nhưng người đàn ông sinh năm 1956 này cũng đã trải qua đủ cung bậc vui buồn, đắng cay của cuộc sống khi ông phải ngồi tù 6 năm vì vì tội gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng khi ông điều hành công ty Hùng Vương.

Không biết những thăng trầm trong cuộc đời có tác động thế nào đến cách sống của Dương Ngọc Minh, nhưng nếu gặp ông ngoài đời ít ai nghĩ ông là một đại gia bởi phong cách giản dị.

Quần jeans, áo pull, trong tay thường trực 2 cái điện thoại Nokia, một cái là 6010 và một cái là 2100, nhưng lại không dễ liên lạc được với ông, bởi hầu như ông chỉ mở điện thoại trong khoảng 2 tiếng đồng hồ vào buổi sáng và giờ nghỉ trưa, rồi tắt máy.

Những người hay ra vào quán cà phê bên trong khách sạn Rex trên đường Nguyễn Huệ có lẽ cũng khó nhận ra vị khách quen của quán này là ông chủ của một công ty có giá trị hàng ngàn tỷ.

"Vua cáp treo" Lê Việt Lam

"Vua cáp treo" Lê Viết Lam có sự lặng lẽ  thường thấy ở nhóm các doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu rồi mang tiền về Việt Nam đầu tư.

Đại gia Lê Viết Lam là ông chủ của tập đoàn Sun Group, đại gia này cũng được báo giới nhắc đến là một tỷ phú đang "dần lộ diện".

Nói đến Sun Group, dù là một tập đoàn khá non trẻ nhưng đã được biết đến ở Việt Nam. DN này thành lập năm 2007, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, BĐS và du lịch nghỉ dưỡng.

Sinh sau đẻ muộn nhưng Sungroup đã có vị thế rất đáng nể với các dự án Cáp treo Bà Nà; Novotel Da Nang Priemier - khách sạn cao nhất miền Trung với 37 tầng; khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort bán đảo Sơn Trà; Làng Pháp tại Bà Nà Hills; The Sun Villas...

Với 20 đơn vị thành viên, hơn 1.500 cán bộ nhân viên, Sun Group hiện diện ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, trong đó đang hoạt động mạnh nhất là ở Đà Nẵng với thương hiệu nổi tiếng Bà Nà Hills.

Với hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan - có độ cao 3.143 mét, Sun Group đã tự tạo nên bước đột phá mới cho chính mình.

Xuất phát từ Đông Âu, ngay sau khi về Việt Nam, Sun Group đã nổi như cồn với hàng loạt các dự án khủng.

Tất cả các dự án mà tập đoàn đều cho thấy ông chủ của nó đều muốn ghi dấu ấn nhất Việt Nam, thậm chí khu vực.

Tuy nhiên, ông chủ, doanh nhân trẻ tuổi Lê Viết Lam, người đứng sau tập đoàn này lại rất hiếm khi được nhắc tới như một phong cách thường thấy ở nhóm các doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu rồi mang tiền về Việt Nam đầu tư.

Có lẽ chính sự lặng lẽ, khiêm nhường thường hay thấy của nhóm doanh nhân cùng thời ông Phạm Nhật Vượng mà đại gia Lê Viết Lam cũng dễ tạo được ấn tượng tốt ngay cả với người chỉ biết ông qua những bức ảnh và thông tin trên báo chí.

Ông Lê Viết Lam (1969) đã có một thời gian dài hoạt động nổi bật ở thị trường Đông Âu, tại Ukraine cùng với ông Phạm Nhật Vượng - người Việt đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú đôla của Forbes.

Sau chương trình đạo tạo của Nhà nước tại Nga hồi đầu những năm 90, ông Lê Viết Lam đã cùng một số người bạn thành lập một nhà máy chế biến mì ăn liền thương hiệu Mivina.

Hai doanh nhân Lam - Vượng đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Ukraine.

Bên cạnh đó, ông Lam còn từng được nhắc đến với các chức vụ như Chủ tịch hội doanh nhân Việt Nam tại Ukraine.

Đặc biệt, ông là lãnh đạo Future Generation - một trong những tập đoàn lớn nhất của người Việt Nam ở nước ngoài.

Cũng như các doanh nhân "gốc Đông Âu" khác như Phạm Nhật Vượng, Đặng Khắc Vỹ, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Ngô Chí Dũng, Nguyễn Cảnh Sơn, ông Lê Viết Lam đã quyết định trở về đầu tư tại Việt Nam sau khi đã rất thành công ở xứ người.

Thay vì chọn Hà Nội, TP.HCM như các đồng nghiệp khác, đại gia xứ Thanh này đã chọn Đà Nẵng để chính thức mở rộng các hoạt động đầu tư tại quê nhà.

Quyết định bỏ hàng nghìn tỷ đồng khởi công xây dựng hệ thống cáp treo với hàng loạt các kỷ lục tầm vóc thế giới lên Nóc nhà Đông Dương - Fansipan cùng hàng loạt các dự án BĐS cho thấy sự chuyển hướng về quê mạnh mẽ của đại gia này.

Nhưng cáp treo không phải là lĩnh vực duy nhất của đại gia Lê Viết Lam. Trước khi đổ 4.400 tỷ vào dự án Cáp treo Mường Hoa - Fansipan, Lê Viết Lam là ông chủ của hàng loạt dự án bất động sản lớn như The French Village tọa lạc trên diện tích 6 ha tại Bà Nà Hill với tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD; The Sun Villas bao gồm 118 biệt thự có thiết kế hiện đại, sang trọng với tổng nguồn vốn 65 triệu USD; InterContinental Danang Resort - khu nghỉ dưỡng 197 phòng tại bãi Bắc bán đảo Sơn Trà; Novotel Danang Premier Han River, tòa nhà cao nhất miền Trung...

Đại gia Vũ Văn Tiền: Đẹp nhờ sự giản dị

Đại gia Vũ Văn Tiền đẹp nhờ sự giản dị.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không khá giả, sau mình là 5 người em, Vũ Văn Tiền từng chỉ mong muốn sẽ làm việc để gia đình đủ ăn, đủ tiêu.

Sau một thời gian học tập và làm việc, ông Tiền quyết định thành lập công ty Geleximco.

Vượt qua nhiều khó khăn thử thách, Tập đoàn Geleximco của ông Tiền trở thành doanh nghiệp lớn mạnh ở Việt Nam với những dự án hàng chục nghìn tỷ đồng.

Là người giàu có, nhưng doanh nhân Vũ Văn Tiền được giới doanh nhân đánh giá là có cuộc sống giản dị, không siêu xe, không những bữa tiệc đình đám.

Khác với những đại gia thích khoe siêu xe, hàng hiệu, ông Tiền chỉ sở hữu cho mình chiếc xe Toyota Yaris giá khoảng 700 triệu đồng.

"Nếu đi công tác xa thì anh ấy đi xe gầm cao Lexus 487, còn bình thường anh ấy đến trụ sở bằng chiếc xe Toyota Yaris", một doanh nhân tiết lộ.

Có lẽ nhờ sự giản dị sẵn có của mình, hình ảnh vị đại gia này thêm đẹp trong mắt công chúng.

Dù là người đạt đỉnh cao trong kinh doanh , nhưng trong câu chuyện về các doanh nhân Việt, ông Tiền vẫn hay nhắc đến những nhân vật như Trương Gia Bình, Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Võ Quốc Thắng.

Ông khâm phục những doanh nhân làm ăn bài bản, tiềm lực dồi dào và kể rằng những người như vậy sống rất giản dị. “Ví như Vượng, sống giản dị, nhưng rất trí tuệ và tâm huyết với công việc” ông Tiền chia sẻ.

Theo Đời sống & Pháp Luật


Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây