Nhà báo Lê Quý Kỳ (mặc sơ -mi xanh đứng giữa) với nhà báo Nguyễn Thế Kỷ Phó Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương và các đồng nghiệp tại buổi gặp mặt, kỷ niệm 50 năm báo Nghệ An ra số đầu tiên. |
Một con người, một cây bút đầy bản lĩnh
Lê Quý Kỳ sinh ra trong một miền quê nghèo ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhưng cả cuộc đời lại gắn bó với xứ Nghệ. Là con em cách mạng, anh được gửi ra vùng hậu phương để học tập, rèn luyện. Sau khi học hết cấp 2 ở Quảng Bình, Lê Quý Kỳ ra học tiếp cấp 3 tại Trường Phan Đình Phùng, thị xã Hà Tĩnh. Tốt nghiệp khóa 2 khoa văn Đại học Sự phạm Vinh, anh được phân công về công tác tại Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy một năm, và từ năm 1962 đến năm 1999 anh gắn bó trọn đời với tờ báo Nghệ An, Nghệ Tĩnh.
Lúc còn sống, Lê Quý Kỳ có nhiều bạn bè ở Hà Tĩnh. Anh trân trọng sự thủy chung, ân tình của con người Hà Tĩnh. Bởi nơi đây anh đã có nhiều kỷ niệm đẹp của thời học sinh và đặc biệt là suốt 3 năm tròn anh gắn bó, lăn lộn với đại công trường thủy nông Kẻ Gỗ . Mảnh đất đầy “đá bạc, đồi núi lô nhô” này là ngườn cảm hứng vô tận giúp anh viết nên không chỉ hàng trăm tin, bài phản ánh không khí hừng hực cách mạng dời non, lấp biển của bà con xứ Nghệ, mà còn giúp anh tích lũy vốn sống để có tập tiểu thuyết mang tên Cơn Giông sau này.
Lê Quý Kỳ nổi tiếng là một cây bút với tinh thần bút chiến mạnh mẽ, đầy bản lĩnh và kinh nghiệm trên mặt trận chống tiêu cực, tham những, lãng phí. 12 năm cộng sự với nhau trong tờ Nghệ Tĩnh, tôi học được ở anh nhiều điều. Trước hết, anh là một con người kiên định, đầy nghị lực trong cuộc sống và nghề viết. Với Đảng, Lê Quý Kỳ luôn trân trọng và hết lòng bảo vệ. Năm 1992, anh được đứng vào hàng ngũ của Đảng đúng vào tuổi 50. Tại lễ tang của anh, mọi người không cầm được nước mắt khi đồng chí Bí thư chi bộ khối Tân Phúc nghẹn ngào, nức nở đọc đến chi tiết này trong bài điếu văn đầy xót thương, cảm động.
Có lẽ đức tính kiên định của một nhà báo, một Đảng viên Cách mạng đã thấm vào từng câu chữ, vào từng bài viết của anh. Khó liệt kê hết hàng trăm bài phóng sự điều tra công phu, nổi tiếng mà cây bút Lê Qúy Kỳ, Kỳ Văn (một bút danh anh thường dùng trong các bài viết chống tiêu cực) trên các tờ Nghệ Tĩnh, Nghệ An. Nhiều con người, vụ việc động trời đã bị anh phanh phui, lật tẩy; một số kẻ tham nhũng đã phải trả giá. Song cũng vì thế mà anh đã không ít lần hứng chịu thiệt thòi, thậm chí phải đối mặt với những sự rập rình trả thù từ phía bọn xấu.
Ở con người Lê Quý Kỳ sự yêu, ghét rất rõ ràng, rành mạch. Rành mạch đến cực đoan. Chỉ những người thân và bạn bè thật gắn bó với anh mới hiểu thấu được điều này. Bởi để bảo vệ chân lý, bảo vệ sự thật, anh không ngại va chạm và không sợ mất lòng, dù đó là ai.
Một phong cách làm việc cẩn trọng, khoa học
Có lẽ trong làng báo, làng văn không có nhiều người cẩn trọng, chỉn chu sưu tầm, lưu giữ tài liệu như Lê Quý Kỳ. Dù sơ tán, chuyển nhà bao lần, anh vẫn giữ được đầy đủ những cuốn sổ tay, sổ ghi chép từ ngày đầu vào nghề cho đến sau này. Anh có thói quen mỗi lần nghe đài, xem truyền hình có thông tin gì hay, số liệu gì mới cần cho viết lách, anh đều chép ngay vào cuốn lịch bàn. Những tờ lịch tưởng bỏ đi đó, sau hàng năm lại trở thành tập tài liệu quý, được anh đánh số, cất giữ cẩn thận để dùng vào cho các bài viết, các bài “bút chiến” văn học khi cần. Nhờ những cuốn sổ ghi chép đó mà Lê Quý Kỳ đỡ mất công lục lọi, truy tìm tài liệu, số liệu khi viết ở cái thời chưa có USB, máy vi tính. Tính hệ thống, xác thực khi đánh giá, nhìn nhận về một địa phương, đơn vị... vì thế cũng trung thực khách quan hơn trong các bài viết của anh.
Là một cây bút chống tiêu cực vào loại nhất nhì trong làng báo xứ Nghệ, với hàng trăm vụ việc đã từng qua, từng trải, song hầu như chưa có tin, bài nào của anh phải cải chính, xin lỗi, bởi động cơ xấu hoặc nghiệp vụ yếu. Có lẽ đây là bài học quý cho nhiều đồng nghiệp trẻ trong cách làm báo có phần “dễ dãi” ở một số tờ báo hiện nay. Như một “xạ thủ” trong chống tiêu cực, tham nhũng, Lê Quý Kỳ giỏi sử dụng cả “súng máy” lẫn “súng trường”. Anh thường nói với đồng nghiệp: “Tài liệu có trong tay 10 chỉ viết ra dăm, bảy. Để nghe ngóng xem đối phương phản ứng thế nào đã. Khi cần thiết mới dốc vào những keo cuối, buộc đối thủ không còn cách nào chống đỡ mới là thượng sách”. Anh săn đuổi vấn đề rất công phu, tư liệu dồi dào, thiết lập mối quan hệ sâu sắc với các ngành nội chính. Vì thế những vụ việc anh nêu ra, đối phương khó chối bỏ, kể cả từng chi tiết.
Sự say mê hét lòng vì nghề nghiệp, trách nhiệm cao trước người đọc đã làm nên một thương hiều Lê Quý Kỳ không chỉ ở lĩnh vực viết báo mà còn cả trên văn đàn. Cơn giông (tiểu thuyết, 1990) Tản mạn văn chương (phê bình văn học, 1996) Vĩ thanh (tập truyện ký, 2000) Đường biên văn học (phê bình văn học,2000) Văn học thời gian (phê bình văn học,2006) Nuôi con thời đánh Mỹ (truyện ký, 2006) Ngõ sau thành phố (truyện ký, 2007) là những tác phẩm khó phai mờ trong tâm trí những người đã biết, đã hiểu về anh, một nhà báo – nhà văn đã gần 50 năm găn bó vói nghiệp chướng cầm bút.
Cốt cách, tâm hồn của nhà báo – nhà văn Lê Quý Kỳ đã được tác giả, Đảng viên lão thành Trương Công Anh khái quát khá hàm súc qua câu đối ông phúng viếng người bạn của mình như sau:
“Đời làm báo đậm màu nghĩa khí,
Nghiệp viết văn rạng vẻ lương tâm”!
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn