Cuộc hành quyết 800 người vô tội bên cây cầu sắt

Thứ sáu - 09/06/2017 10:45
Trong một ngày, bọn “ác thú” không còn tính người, đã giết 800 đồng bào vô tội.
Kỳ 3: Cuộc hành quyết 800 người vô tội

Đối diện chùa Phi Lai, là ngôi chùa Tam Bửu, tổ đình của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đây là tự viện danh tiếng, di tích lịch sử cấp quốc gia tại làng Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang).

Nhưng, tại ngôi chùa này, đã diễn ra cuộc thảm sát kinh thiên động địa. Trong một ngày, bọn “ác thú” không còn tính người, đã giết 800 đồng bào vô tội.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tiệm dẫn tôi vào Nhà trưng bày chứng tích tội ác của bọn Pol Pot, lật giở từng tấm ảnh đen trắng chụp cảnh hoang tàn, đổ nát của chùa Tam Bửu 35 năm trước. Những xác chết chất chồng, khô quắt, nằm sấp, nằm ngửa, miệng há, mắt trợn quá thương tâm.
Chùa Tam Bửu 
Chùa Tam Bửu được nhân dân đóng góp, xây dựng lại khang trang. Những dấu vết của cuộc thảm sát tàn khốc giờ không còn ở ngôi chùa này nữa, nhưng ký ức của người dân Ba Chúc về những tháng ngày kinh hãi ở ngôi chùa này thì vẫn y nguyên.

Chùa Tam Bửu là ngôi chùa đầu tiên của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, xây dựng trước chùa Phi Lai 5 năm. Giáo chủ Ngô Lợi cùng tín đồ dựng ngôi chùa này vào năm 1882 làm nơi tu tập.

Lịch sử ngôi chùa ghi lại rằng, ông Ngô Lợi khai sáng đạo từ năm 1867 tại Ba Chúc. Trước khi dựng chùa, ông Lợi sống trong một am nhỏ dựng bằng cây lá.

Dựng chùa xong, ông Ngô Lợi cùng nhân dân lên núi Dài còn gọi là Ngọa Long Sơn đốn cây cam đàn, loại gỗ cực tốt, đục Long Đình (còn gọi là Long Vị), với kích thước cao 3m, một cạnh ngang 2m, một cạnh ngang 1,5m. Đây được coi là báu vật của tổ đình.
Xác người bên chùa Tam Bửu 
Long Đình thờ Đức Phật Vương, một nhân vật mà đến nay những người tiếp nối trông coi chùa vẫn chưa sáng tỏ. Ông Ngô Lợi mất đi, Long Đình được tín đồ gọi là Khánh Tổ, thờ Đức Bổn Sư, tức Ngô Lợi.

Ông Ngô Lợi là một sĩ phu yêu nước của phong trào Cần Vương. Ông bị thực dân Pháp truy sát từ Mỹ Tho về Ba Chúc. Ông tá túc ở đây, dựng chùa tu hành để che mắt giặc.

Tại Ba Chúc, ông vẫn lãnh đạo môn đồ tiến hành nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp, nên thực dân Pháp rất ghét, liên tục vây ráp, đốt phá chùa.

Ông Dương Văn Giàu, thủ nhang chùa Tam Bửu bần thần nhớ lại những ngày đưa vợ con trốn chui trốn lủi trên núi Dài, còn họ hàng, xóm làng bị bọn Pol Pot giết sạch. Ông cùng mọi người đứng trên quả núi, nhìn xuống chùa Tam Bửu, thấy lửa cháy ngùn ngụt, tiếng người la khóc, mà lực bất tòng tâm.
Xương cốt chất chồng trong nhà mồ Ba Chúc 
Theo ông Giàu, từ giữa năm 1977 đến đầu năm 1978, nhân dân Ba Chúc chẳng được một ngày yên bình. Trong vòng 8 tháng, bọn Pol Pot tấn công vào Ba Chúc tổng số 30 lần.

Bọn chúng cứ tấn công đột ngột, nã pháo, rồi lại rút về phía bên kia biên giới. Bộ đội cùng chính quyền đã tổ chức di dời dân vào sâu nội địa. Tuy nhiên, khi đó, dọc tuyến biên giới đều bị tấn công, nên công tác di dời có phần chậm chạp.

Bọn chúng tấn công rời rạc, không thọc sâu, nên người dân đi được một thời gian lại kéo về làng. Người dân đào hầm trong nhà, đào hang trong núi, hễ nghe thấy tiếng súng, tiếng pháo thì ẩn nấp, hết tiếng nổ lại ra ngoài hoạt động sản xuất.

Từ ngày 15/4/1978, mỗi ngày ông cùng dân làng đếm được từ 1.000 – 2.000 quả pháo do bọn Pol Pot nã vào Ba Chúc.
Du khách thắp hương tại nhà mồ 
Ngày 17/4/1978, bọn Pol Pot bắn pháo như mưa vào Ba Chúc. Hết loạt pháo, chúng chia làm 2 cánh quân đánh sâu vào Ba Chúc. Một cánh quân chiếm xã An Lập (phía đông Ba Chúc), một cánh quân đánh chiếm ấp An Bình dưới chân núi Dài.

Hai cánh quân này đã khóa chặt xã Ba Chúc. Gia đình nào nhanh chân thì chạy thoát được lên núi Dài, còn lại phần lớn mắc kẹt trong vòng vây của bọn khát máu.

Những gia đình không chạy kịp lên núi Dài, đã kéo cả vào chùa Tam Bửu mong sống sót trong sự bao dung của Đức Phật. Nhiều gia đình kéo cả nhà, thậm chí cả họ cùng trốn vào chùa, nên đã bị tuyệt tự.

Ông Giàu nhớ lại: “Tui vẫn nhớ rõ, hôm đó là ngày rằm tháng 3 âm lịch (17/4/1978), lúc tui đang đào củ nừng (một loài củ dại có trên núi Dài) cho cả nhà ăn chống đói, thì một tiếng nổ vang trời, tiếng người la hét vang lên.

Tui trèo lên cây nhòm về làng, thấy chùa Tam Bửu cháy ngùn ngụt. Biết người dân trú trong chùa, bọn Pol Pot đã bắn pháo vào hậu liêu chùa, làm chết 40 người, xác chồng chất lên nhau.

Lúc đó, trong chùa vẫn có hơn 800 người trú ngụ. Mọi người đưa 20 người bị thương ra ngoài, tìm cách đưa đi chữa trị, nhưng bọn Pol Pot bao vây kín mít, không còn đường thoát, nên lại quay về chùa.
Ông Dương Văn Giàu kể lại cuộc tàn sát 800 người dân ẩn náu trong chùa Tam Bửu 
Hôm sau, chúng khép kín vòng vây chùa, bắt 800 người, phân thành từng nhóm, dắt đi nơi khác thủ tiêu. Có 4 người già yếu, thương nặng không đi được, thì chúng bắn chết luôn trong chùa, rồi phóng hỏa đốt chùa”.

Ông Ba Lê, nhân chứng sống của vụ thảm sát man rợ dẫn tôi ra chỗ cầu sắt Vĩnh Thông. Đây là cây cầu do thực dân Pháp xây dựng, cách trung tâm xã Ba Chúc chưa đầy 1 km về phía biên giới.

Cạnh cây cầu sắt có tượng đài chiến thắng. Vào tháng 6/1949, lực lượng võ trang tỉnh Long Châu Hà đã tiêu diệt một tiểu đoàn lính Lê dương của Pháp. Cầu sắt Vĩnh Thông là biểu tượng hào hùng của người dân An Giang.

Thế nhưng, ngày định mệnh 18/4/1978, tại cánh đồng cạnh cây cầu này, bọn Pol Pot đã thực hiện cuộc hành quyết nhân dân ta vô cùng man rợ.
 
Xác chết chất chồng ở cánh đồng, cạnh cầu sắt Vĩnh Thông 
Chúng áp tải nhân dân từ chùa Tam Bửu ra cầu sắt Vĩnh Thông, bắt bà con lột hết nữ trang, rồi đẩy từng tốp 20-30 người đến gò đất gần cây cầu để giết hại.

Chúng đập chết đàn ông, người già bằng gậy gỗ mun, bắn chết bằng súng. Phụ nữ có chút nhan sắc bị chúng cưỡng hiếp tại cánh đồng, cạnh các xác chết. Cưỡng hiếp xong, thì cũng giết luôn bằng cây gậy xiên qua người.

Bọn “ác thú” không còn tính người này còn chơi trò giết hại trẻ em theo kiểu tàn khốc nhất. Chúng tung trẻ em lên cao, rồi giơ lưỡi lê hứng. Thậm chí, chúng còn cầm tay chân xé các em nhỏ đứt làm đôi. Không còn hành động man rợ nào mà chúng không đem ra làm trò tiêu khiển.

Trong cuộc hành quyết vô cùng thảm khốc với 800 đồng bào trốn trong chùa Tam Bửu, chỉ có 2 người thoát chết một cách kỳ diệu.
Cầu sắt Vĩnh Thông 
Ông Ba Lê chỉ cánh đồng cạnh cầu sắt Vĩnh Thông, nơi bọn Pol Pot giết hại 800 người 
Ông Nguyễn Văn Kỉnh bị bọn Pol Pot dẫn giải trong nhóm 30 người. Đến gò đất cạnh cầu sắt Vĩnh Thông, nhìn thấy xác chết chất chồng, ông hoảng hốt tột độ.

Bọn Pol Pot hành quyết bằng gậy gỗ mỏi tay quá, nên chuyển sang bắn. Khi súng nổ vang rền, cả nhóm ông đổ ập xuống. Ông sợ quá, ngã vật xuống đất, ngất xỉu, bị 6 xác chết đè lên, máu nhuộm đỏ ối. Ai còn ngắc ngoải, chúng nã thêm viên đạn nữa vào đầu. Ông nằm dưới đống xác, tưởng ông đã chết, bọn chúng không bắn nữa.

Đêm xuống, ông bàng hoàng tỉnh dậy. Mò mẫm trong đống xác, thấy con cháu, người thân chết la liệt.

Ông Kỉnh bò về núi Tượng, cách cầu sắt Vĩnh Thông khoảng 300m, trốn trong khe đá. Cả đêm hôm đó, đến rạng sáng hôm sau, ông nằm trên núi nghe tiếng gậy gỗ mun đập đầu dân làng và người thân “bịch bịch”. Toàn gia đình và dòng họ ông có 79 mạng người bị bọn Pol Pot giết hại trong ngày rằm tháng 3 đầy máu và nước mắt.

Người sống sót kỳ diệu thứ 2 trong cuộc hành quyết 800 người ở cầu sắt Vĩnh Thông là cô bé Nguyễn Thị Ngọc Sương, khi đó 11 tuổi. Bé Sương đã trở thành nhân chứng sống về tội ác diệt chủng kinh hoàng của bọn Pol Pot.

Còn tiếp…

Theo Dương Ngọc Phạm (VTC News)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây