Cứ sáng sớm, ông Lê Văn Được (76 tuổi, ngụ tại địa chỉ số 122, ngõ Hàng Cỏ, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại phải lụi hụi dậy gấp chiếc giường rồi đi “lánh nạn” bởi đủ thứ mùi khói bếp lò, hơi xả máy điều hòa, mùi bốc ra từ nhà vệ sinh ngay cạnh giường... Suốt bao nhiêu năm qua, ông lão độc thân sống nhờ ở căn bếp của các hộ dân trong ngõ nhỏ giữa trung tâm thành phố.
Sáng sớm, ông Được phải đi ra ngoài "lánh nạn" vì mùi khói từ bếp lò xông vào nơi ông ở nhờ rất khó chịu.
Bị bệnh viêm phế quản nên lúc nào ông cũng mang theo thuốc trong người.
Ngồi bên góc hồ, đôi tay run run, miệng liên tục ho thành cơn kéo dài vì căn bệnh viêm phế quản hành hạ hàng chục năm qua khiến ông Được luôn tỏ ra mệt mỏi. Thi thoảng, ông lại lôi trong túi ra hộp thuốc xịt vào miệng cho dễ thở.
Cụ ông này chia sẻ, hồi trai trẻ, ông làm lái xe cho một nhà máy của Bộ Lương thực Thực phẩm. Trong một lần lên huyện Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái), ông gặp và nên duyên cùng bà Nguyễn Thị Vân, người phụ nữ xinh đẹp kém ông 12 tuổi.
Nhiều năm qua, ông phải sống nhờ trong gian bếp này mỗi khi mưa gió.
Đồ dùng của ông không có vật dụng gì đáng giá ngoài vài bộ quần áo, cái ti vi đã sử dụng hàng chục năm nay.
Cưới nhau xong, ông đưa vợ về Hà Nội thuê trọ sinh sống và lần lượt sinh được 2 đứa con trai. Khi cậu con trai thứ 2 được 2 tuổi, ông lâm vào cảnh thường xuyên thất nghiệp, còn vợ buôn bán cũng nợ nần nhiều. Cuộc sống khó khăn khiến người vợ chán nản ôm con vào miền Nam không lời từ biệt.
Từ khi vợ ôm con bỏ đi, ông Được trở thành người cô độc. Hằng ngày, ông phải chống chọi với bệnh tật đeo bám.
Không tìm được tung tích của vợ con, ông Được có lúc rơi vào tuyệt vọng, nhiều khi nhớ con, ông chỉ biết ôm mặt khóc, không biết phải tìm các con ở đâu..
Ít năm sau, có người quen báo tin vợ ông đã lập gia đình với người đàn ông khác. Từ manh mối đó, ông lần tìm địa chỉ và ngược Sài Gòn quyết đưa các con về nuôi. Thế nhưng, người vợ xấu hổ quá không cho các con gặp ông. Phải đến lần thứ hai thuyết phục mãi, ông mới được gặp con một lúc. Cha con đoàn tụ nhưng ông chỉ biết đứng nhìn, ứa nước mắt. Lúc các con rời xa ông, chúng còn rất nhỏ, đến khi gặp lại, hai đứa trẻ phải rất lâu mới nhận ra cha, sà vào lòng cha.
Ngay cạnh nơi ông ngủ có 2 nhà vệ sinh của các hộ dân. Mỗi khi đến giờ nấu ăn, người dân đốt lò là ông phải chạy ra ngoài "lánh nạn", nền nhà lúc nào cũng ẩm ướt, đủ thứ mùi.
Cuộc gặp cha con diễn ra chóng vánh, ông một mình lủi thủi về lại Hà Nội với bao tâm trạng ngổn ngang. "Nhiều khi giận bà ấy vì chia cách tôi với các con nhưng rồi lại nghĩ tụi nhỏ theo mình thì khổ cả đời nên cũng đành thôi”, ông lão bật khóc.
Có con nhưng xa cách khi các con còn quá bé, nhiều khi ông không khỏi chạnh lòng, buồn tủi cho cuộc đời mình.
Sống cảnh một mình, không vợ con, không người thân thích, ngày qua ngày, ông Được âm thầm làm việc, tối lại về căn phòng thuê trọ chật hẹp. Đến lúc nghỉ hưu, không đủ tiền chi trả tiền thuê nhà, ông đành dọn đồ đến sống nhờ ở gian bếp tập thể của các hộ dân trong ngõ Hàng Cỏ.
Nơi ông lão tá túc, ở nhờ, nằm sát ngay cạnh hai nhà vệ sinh chung của khu nhà có gần 20 nhân khẩu. Lúc nào trong gian bếp nơi ông nằm ngủ cũng nồng nặc đủ thứ mùi khiến ông khó thở, nhiều lúc phải chạy ra ngoài.
“Mỗi sáng sớm, tôi phải đi ra ngoài cho mọi người lấy chỗ đi vệ sinh, tắm rửa. Nhiều bước chân qua lại nên nền nhà lúc nào cũng ướt sũng, nhà vệ sinh thì bốc mùi nồng nặc. Nhất là khi người dân nhóm bếp lò chuẩn bị cơm nước hay hơi xả của điều hòa xộc thẳng vào trong là tôi không tài nào thở nổi”, ông Được kể.
Ông chỉ có chiếc đài làm bạn để vơi bớt cô đơn.
Cả ngày, ông chỉ dám ở một hai tiếng trong nhà, thời gian còn lại, ông ra đầu ngõ, công viên quanh quẩn cho đến hết ngày. Những ngày nắng nóng, ông đem giường ra ngoài vỉa hè ngủ. Còn gian nhà ở nhờ chỉ để trú mỗi lúc mưa gió, rét mướt.
Nhờ lòng thương của mọi người, ông cũng cảm thấy ấm lòng, vơi bớt nỗi buồn.
Giờ đây, khi đã ở tuổi xế chiều, sức khỏe yếu dần, không thể làm được bất cứ việc gì. Hàng tháng, ông dựa vào số tiền lương hưu 2,8 triệu đồng chi tiêu tiết kiệm sống qua ngày. “Giờ tôi chỉ muốn chết nhanh thôi, chứ bệnh tật mà không có người thân thế này, cô đơn lắm. Còn nhớ, đứa con trai tôi có một lần nó ra Bắc rồi vào thăm nhưng nói được dăm câu thì nó bảo phải đi công tác luôn khiến tôi lại chạnh lòng”.
Cô Huệ - hàng xóm của ông Được, chia sẻ: “Ông ấy khổ cực lắm, bao năm qua sống ở đây một mình. Các hộ dân xung quanh ai cũng thương nên cho ở nhờ gian bếp chung. Nhiều khi thấy ông ấy già rồi cứ đi đây đó cho qua ngày nghĩ mà thương đứt ruột”
Theo mask online