Công nhân vệ sinh đối mặt nhiều hiểm nguy

Thứ bảy - 10/06/2017 15:26
Nhiều người làm nghề thu gom tác tại các cơ sở, hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường, hàng ngày họ tiếp xúc, lao động trong môi trường ẩn chứa các loại bệnh tật, thậm chí là bị phơi nhiễm các bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS. Thế nhưng, hầu hết họ không được trang bị bảo hộ lao động, không được tập huấn các kiến thức về an toàn vệ sinh lao động…

Hiểm nguy rình rập!

Không khó bắt gặp hình ảnh những người công vệ sinh môi trường đang tận tụy quét rác trên các cung đường bất kể vào buổi sáng, trưa hay đêm tối. Tại phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An (Bình Dương), chúng tôi theo chân xe rác của một hợp tác xã dịch vụ môi trường đang thu gom rác thải gia đình của hộ dân trong khu phố. Trong lúc nghỉ giải lao uống nước, anh Nguyễn Văn Hoàng - một trong 3 người của tổ thu gom (1 lái xe, 2 nhân viên thu gom: một người đi dưới đường tung, ném những túi rác lên để người ở trên thùng xe mở ra và “phân loại” rác), cho biết mỗi ngày tổ của anh làm việc hơn 10 tiếng liền, theo địa bàn được phân công.

Nhìn đôi tay trần, không khẩu trang sau khi tiếp xúc đủ loại túi rác thải từ các gia đình mà họ cầm chai nước ngửa cổ tu ừng ực khiến chúng tôi không khỏi ái ngại. Khi được hỏi tại sao không đeo khẩu trang và găng tay khi làm việc anh Hoàng nói đeo vào vướng víu và khó mở các túi ni lon rác để phân loại rác. “Nghề này cực lắm, lúc mới vào làm đến bữa cơm tôi còn không nuốt được nữa vì cảm giác mùi hôi thối. Nhưng riết rồi cũng phải quen, giờ tôi cảm thấy đỡ nhiều nhưng sợ nhất là khi phân loại rác, kim tiêm hay các vật nhọn có thể đâm vào người” anh Hoàng, nói.

Theo tìm hiểu, những người lao động làm “nghề” thu gom rác tại các hợp tác xã  dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn thị xã Dĩ An chủ yếu là những người nhập cư, trình độ học vấn thấp và không có chỗ ở ổn định. Đa phần, họ tìm đến với công việc này vì dễ xin việc, thu nhập chính ngoài lương cứng  (khoảng từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng) còn có từ việc chịu khó phân loại rác còn tái chế được như chai, lọ, can nhựa… bán cho cơ sở thu mua phế liệu. Hầu hết các những người làm trong các tổ thu gom rác dân lập khi làm việc thường không trang bị bảo hộ, đeo khẩu trang phòng các bệnh liên quan đến đường hô hấp hoặc đeo găng tay để phòng tránh bệnh truyền nhiễm thông qua việc bị đứt tay do mảnh thủy tinh và kim tiêm gây ra mối hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình thu gom rác.

Công nhân vệ sinh đối mặt nhiều rủi ro

Ngoài ra, tai nạn giao thông cũng là hiểm họa lớn với công nhân vệ sinh môi trường. Do điều kiện phải làm việc ngoài đường xá nên chỉ một sự lơ đễnh, thiếu quan sát của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có thể sẽ gây tai nạn cho công nhân vệ sinh.

Thiệt thòi đủ bề

Theo báo cáo của công ty TNHH MTV Cấp thoát nước – Môi trường Bình Dương, tổng khối lượng chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 5.128 tấn/ngày (tăng gấp 5,8 lần so với năm 2010), trong đó: chất thải rắn công nghiệp không nguy hại 4.808 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp nguy hại 320 tấn/ngày. Hiện, tỉ lệ chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được thu gom, xử lý và tái chế khoảng 90% và tỉ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý và tiêu hủy khoảng 90%. Đội ngũ công nhân vệ sinh thuộc các đơn vị dân lập đảm nhiệm thu gom khối lượng khá lớn lượng rác thải trên địa bàn.

Người thu gom rác dân lập làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm rủi ro liên quan đến sức khỏe của bản thân nhưng chủ sử dụng lao động dường như không quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động cho họ cũng như việc khám sức khỏe định kì và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Những người làm công việc thu gom rác ở các hợp tác xã dịch vụ công ích có thể được ký hợp đồng lao động nhưng không được tham gia đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ xã hội như bảo hiểm xã hội, y tế và không được khám chữa bệnh định kỳ… Chính vì vậy, khi xảy ra tai nạn hoặc bệnh tật thì chỉ trong chờ vào “lòng hảo tâm” của người sử dụng lao động. Ngoài ra, do nhận thức còn hạn chế cũng như hoàn cảnh, cuộc sống mưu sinh của họ nên nhiều chủ sử dụng lao động đã bỏ qua “công đoạn” trên để giảm chi phí, lách luật…

Nhiều lao động làm việc ở các đơn vị thu gom rác dân lập cho biết họ đang chịu đủ mọi thiệt thiệt thòi. Ngoài đồng lương và “phụ cấp” từ việc phân loại phế thải từ rác thải sinh hoạt họ không còn có thêm bất cứ nguồn thu nào. “Cùng là người thu gom rác nhưng những người làm trong các công ty của Nhà nước thì ngoài lương họ còn có phụ cấp độc hại, có bảo hiểm, có trang bị bảo hộ lao động, có ngày nghỉ, ngày phép…  Còn chúng tôi làm gì có phụ cấp độc hại, làm gì được nghỉ ngày chủ nhật hay ngày lễ”, một lao động so sánh.

Theo TS Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường lao động TP.HCM, những người làm nghề thu gom rác sẽ đối mặt với nhiều loại bệnh nguy hiểm liên quan đến hô hấp và tiêu hóa. Bên cạnh đó, một số còn đối mặt với các bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác nếu tiếp xúc với những vật dụng lây bệnh như kim tiêm, ống chích... Do đó, để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh tật thì những người thu gom rác ở các đơn vị rác dân lập phải tự bảo vệ lấy sức khỏe của bản thân bằng việc đeo khẩu trang, bao tay trong khi làm việc. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động. Đừng để đến khi “mất bò mới lo làm chuồng” thì quá trễ vì việc điều trị rất tốn kém và phức tạp.

----------------------------

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.

Theo Thanh Gia Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây