Công bố quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030

Thứ tư - 07/06/2017 13:57
Đây là 2 quy hoạch có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với định hướng phát triển KTXH của tỉnh. Với tinh thần khẩn trương theo tiến độ yêu cầu, Sở Xây dựng đã tập trung triển khai thực hiện các bước công việc như: Thành lập BQL dự án, lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu khảo sát và quy hoạch, chuyên gia tư vấn phản biện… Đến nay, các đồ án quy hoạch đã hoàn thành và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4226/QĐ-UBND và Quyết định số 3926/QĐ-UBND.


Tại Hội nghị công bố quy hoạch, ông Phạm Văn Tình - Phó Giám đốc Sở Xây dựng đã báo cáo toàn bộ 2 quy hoạch, theo đó, đánh giá hiện trạng phân bố dân cư và sử dụng đất; xác định những động lực chính, tính chất, quy mô phát triển các đô thị chức năng của vùng Hà Tĩnh trong xu thế hội nhập quốc tế; định hướng xây dựng không gian tổng thể trên cơ sở tạo dựng sự liên kết hợp lý, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, hạn chế tối đa các khó khăn, bất cập để phát triển bền vững cho các đô thị; định hướng hệ thống cơ sở hạ tầng vùng gắn với các giải pháp bảo vệ môi trường phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững toàn khu vực; đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và hoạch định các chính sách để làm công cụ quản lý và kiểm soát các không gian đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, dịch vụ du lịch; củng cố vị trí quan trọng về mặt an ninh quốc phòng của khu vực....

Tại hội nghị, 2 đơn vị tư vấn là Liên danh Công ty Tư vấn AREP VILLE (Pháp) và Viện Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng Hà Tĩnh đã báo cáo tóm tắt nội dung 2 đồ án quy hoạch.

Theo đó, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Tĩnh được xác định tầm nhìn

phát triển bền vững trong xu thế là trung tâm kinh tế biển, cửa khẩu thịnh vượng, là vùng có môi trường đầu tư và môi trường sống chất lượng cao; vùng có tiềm năng lớn về phát triển cảng nước sâu và công nghiệp nặng; vùng cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thuỷ, trao đổi thương mại với các nước ASEAN, đặc biệt là nước CHDCND Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan; vùng giàu tiềm năng phát triển du lịch, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, giàu bản sắc văn hoá với các di tích lịch sử…

Đại diện đơn vị tư vấn đã trình bày toàn bộ định hướng phát triển theo không gian vùng: Vùng 1 - Vùng đồng bằng ven biển dọc theo Quốc lộ 1 và đường bộ ven biển bao gồm các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc và thành phố Hà Tĩnh, trọng tâm của vùng là khu kinh tế Vũng Áng và mỏ sắt Thạch Khê; Vùng 2 - Vùng đồng bằng và một phần vùng núi phía Bắc dọc theo Quốc lộ 8, bao gồm các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh, trọng tâm của vùng này là khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và các đô thị Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Xuân An; Vùng 3 - Vùng miền núi phía Tây dọc theo Đường Hồ Chí Minh, bao gồm các huyện Vũ Quang, Hương Khê, trọng tâm của vùng này là khu sinh thái hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang, rừng quốc gia Vũ Quang và các đô thị Hương Khê, Vũ Quang.

Đến năm 2030, toàn vùng sẽ có 33 đô thị và được phân bố trong vùng, trong đó phát triển 14 đô thị hiện có, định hướng xây dựng mới 19 đô thị; hệ thống dịch vụ thương mại bố trí tại 03 khu vực: Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo; thành phố Hà Tĩnh; đô thị phía Nam huyện Kỳ Anh; hệ thống du lịch dự kiến đến năm 2030 khoảng 9.545ha; hệ thống công nghiệp dự kiến đến năm 2030 khoảng 34.500 ha; phát triển các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp dự kiến khoảng 485.000ha (trong đó nông nghiệp chiếm khoảng 48.000ha, lâm nghiệp khoảng 430.000ha và ngư nghiệp khoảng 7.000ha).

Đồ án điều chỉnh quy hoạch thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận, xác định tính chất của thành phố Hà Tĩnh là đô thị cấp vùng khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; hỗ trợ cho sự phát triển của vùng liên tỉnh; là động lực chính thúc đẩy quan hệ quốc tế, đặc biệt với nước bạn Lào, Đông Bắc Thái Lan và các nước ASEAN… Tổng diện tích đất lập quy hoạch là 30.916ha.

Trên cơ sở cụ thể hoá quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh và chiến lược phát triển vùng; điều chỉnh lại hướng phát triển không gian thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận phù hợp tiến trình phát triển đô thị trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội vùng và tỉnh Hà Tĩnh; xây dựng thành phố Hà Tĩnh trở thành thành đô thị loại II vào năm 2018 và định hướng phát triển đạt đô thị loại I, có cấu trúc đô thị phát triển bền vững, đạt hiệu quả trong sử dụng đất đai; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu phát triển trong tương lai; xây dựng thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận có tổng thể không gian hài hòa với môi trường tự nhiên. Khai thác hợp lý tiềm năng về phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nông, lâm nghiệp, du lịch; làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, làm cơ sở lập các dự án đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch.

Định hướng phát triển đô thị Hà Tĩnh lấy đô thị hiện hữu làm hạt nhân phát triển ra các hướng: Hướng Bắc phát triển qua cảng Hộ Độ gắn với khu dịch vụ du lịch sinh thái; hướng Nam phát triển về phía Nam đường tránh gắn với khu vực phát triển hỗn hợp, khai thác cảnh quan bên sông cầu Phủ, kết nối với hồ Kẻ Gỗ, Đại học Hà Tĩnh, cụm CN Cẩm Xuyên, cụm CNTT; hướng Tây đến đường tránh QL1 gắn với khu vực đầu mối giao thông cao tốc quốc gia; hướng Đông phát triển về phía sông Rào Cái kết nối khu vực mỏ sắt Thạch Khê…

Trong 2 đồ án quy hoạch, đơn vị tư vấn cũng chú trọng đến quy hoạch vùng, hệ thống giao thông và đặc biệt là các vấn đề liên quan đến môi trường.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh ghi nhận, đánh giá cao các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan trong thời gian qua đã tập trung cho việc xây dựng, lập đồ án quy hoạch đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Ông Đặng Quốc Khánh khẳng định, công tác quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Tĩnh có ý nghĩa hết sức quan trong trong việc hoạch định và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH. Trong quy hoạch này đã tạo được sự khác biệt, có sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng, giữa phát triển đô thị gắn với nông thôn mới.

Đối với việc điều chỉnh quy hoạch thành phố Hà Tĩnh là vấn đề rất cần thiết, đáp ứng với tốc độ phát triển nhanh của tỉnh cũng như của thành phố và trong đồ án này cũng đã đáp ứng được những yêu cầu đó. Hướng phát triển đô thị Hà Tĩnh lấy đô thị hiện hữu làm hạt nhân phát triển ra các hướng và điểm nhấn của thành phố là hệ thống hạ tầng giao thông, khu vui chơi, công viên đồng bộ song song với bảo vệ môi trường, cảnh quan, trồng nhiều cây xanh.


Ông Đặng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi các đồ án quy hoạch đến tận người dân; lựa chọn những điểm cần thiết để cắm mốc và quản lý mốc cắm; rà soát và quản lý quy hoạch chặt chẽ; bám vào quy hoạch để tạo sự đồng bộ, đặc biệt là việc cấp giấy phép xây dựng cần xem xét để có phương án tối ưu, phù hợp quy hoạch, đảm bảo cảnh quan…

Tại hội nghị, ông Trần Xuân Tiến - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Hiện nay việc phát triển đô thị ở địa phương đang bị lãng quên, hạ tầng chưa được chú trọng, còn phụ thuộc vào phát triển nông thôn mới. Chương trình phát triển đô thị gắn với đầu tư công nên mong các địa phương coi trọng vấn đề này; bám vào định hướng quy hoạch sẽ giải được bài toán về quy hoạch treo ở các địa phương”.

Một số hình ảnh tại hội nghị:




Theo Tuyết Mây Báo Xây dựng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây