Con cua trong hộp

Thứ ba - 11/07/2017 08:02
Phương Tây ngày càng hướng đến việc phổ biến tư duy “think out of the box”, tức là tư duy khác biệt, sáng tạo, đột phá. Để có thể thoát ra khỏi “chiếc hộp” tức là những lối mòn trong tư duy, thì bắt buộc con người phải dám thử nghiệm, dám nghi ngờ.

Một người chơi của chương trình “Ai là triệu phú” đang trở thành tâm điểm của dư luận khi không biết El Nino là tên của một hiện tượng thời tiết, và canh cua thì phải nấu với rau đay (thay vì củ cải, mộc nhĩ hay là xúp lơ xanh). Những câu hỏi đơn giản đến mức, hơn 90% khán giả trường quay đưa ra đáp án đúng, và ngay cả người dẫn chương trình cũng không giấu được sự ngạc nhiên khi người chơi phải dùng đến giải pháp cứu trợ.

Thực ra, đã nhiều lần chương trình “Ai là triệu phú” phiên bản Việt Nam đưa ra những câu hỏi mà đáp án gây tranh cãi. Ví dụ như hồi tháng 3, với câu hỏi “Nhà Rông thể hiện nét đặc sắc trong kiến trúc của đồng bào dân tộc nào” – thì các đáp án Gia Rai, Cơ Tu, Ê Đê, Chăm có thể chọn 2 đáp án là Gia Rai và Cơ Tu. Ngoài ra thì người Ba Na cũng có nhà Rông. Vì thế, đáp án duy nhất của câu hỏi này là không đầy đủ.

Vậy thì, canh cua ngoài cách phổ biến là nấu với rau đay, tại sao không thể nấu với củ cải, mộc nhĩ, hay xúp lơ xanh? Bởi vì cả 3 loại rau củ kia đều lành tính, có thể luộc hoặc nấu canh, và hoàn toàn có thể có lựa chọn là cho cua vào.

Ở trên mạng, các bà nội trợ thường chia sẻ nhau những công thức nấu ăn, và cả những danh sách các loại thực phẩm không nên nấu chung với nhau. Thật thú vị, có riêng 1 bài viết “Cua hợp và kị với những loại nào”. Chiểu theo danh sách đó, thì bạn sẽ có món “Cua nấu với bí đao”, được đánh giá là “dưỡng tinh ích khí, ai cũng có thể ăn được”.

Thực tế, món cua nấu rau đay phổ biến ở phía Bắc. Ở phía Nam, nhiều nơi không nấu canh cua với rau (kiểu canh suông), mà nấu thành canh mặn. Bởi vậy, đem câu hỏi của “Ai là triệu phú” đặt ra cho người miền Nam, nhiều người cũng mỉm cười lắc đầu, hoặc dùng phương án loại suy để tìm đáp án đúng.

Vấn đề ở đây là, khi câu chuyện này ra tới số đông, nó ngay lập tức trở thành chủ đề cười cợt, chế giễu và đám tiếu. Hiếm khi nào dư luận đạt được sự đồng thuận lớn đến vậy về cùng 1 chủ đề hay 1 con người. Có cảm giác như tất cả bách khoa toàn thư chỉ còn gom trong công thức của món canh cua hay một đợt nước biển nóng lên vậy.

Tôi lại nhớ, khi con trai mình lên 3 tuổi. Một hôm bế nó ở quán cà phê, chỉ vào bể cá và dạy nó đấy là cá vàng. Nó ngơ ngác: “Đấy là cá đen chứ?”. Đúng vậy, bởi vì đó là những con cá vàng màu đen. Tôi giật mình nhận ra, mình chưa bao giờ thắc mắc vì sao người ta dùng tên “cá vàng” cho tất cả các con cá có bụng to, và 3 chỏm đuôi bơi ngúc ngoắc, mặc dù chúng có thể là màu hồng, màu đỏ, màu trắng, màu đen.

Lúc ấy, tôi đồng ý để con gọi cá vàng là “cá đen”, thậm chí còn thấy vui vì nó có chính kiến từ rất nhỏ. Nhưng bây giờ, 6 tuổi rưỡi và đã học lớp 1, con tôi bình thản gọi con cá vàng là cá vàng, bất kể nó màu gì, bất kể chính nó đã từng thể hiện quan điểm một cách rất cá tính cho một cách gọi khác.

Một đám đông đồng thuận, nhiều khi không phải bởi vì đó là một chân lý hiển nhiên, mà bởi “familiarity” – tính quen thuộc – một hình thái tâm lý điển hình trong ngành tâm lý học. Những thứ quen thuộc, thường nghe, thường thấy, sẽ được đa số thuận theo như là chân lý. Tuy nhiên, điều đó không bất biến, và không phải là công thức để tìm ra chân lý.

Phương Tây ngày càng hướng đến việc phổ biến tư duy “think out of the box”, tức là tư duy khác biệt, sáng tạo, đột phá. Để có thể thoát ra khỏi “chiếc hộp” tức là những lối mòn trong tư duy, thì bắt buộc con người phải dám thử nghiệm, dám nghi ngờ. Nhưng những hạt giống sáng tạo sẽ rất khó phát triển thành đại thụ, trên một nền tảng đầy định kiến và khắt khe đến cực đoan với bất cứ điều gì khác thường.

Cô gái không trả lời được câu hỏi về El Nino và canh cua của game show “Ai là triệu phú”, hóa ra là một kỹ sư rất giỏi, đang được trọng dụng tại một hãng ô tô ở Nhật Bản. Dĩ nhiên, thông tin về trình độ đó không khỏa lấp được việc cô có những lỗ hổng kiến thức khá cơ bản, mà chắc hẳn sau lần này, cô sẽ tìm cách bổ sung. Nhưng rất có thể, chính bởi luôn hướng tới những kiến thức ngoài khuôn khổ, nên một cô sinh viên vừa ra trường đã sớm được đánh giá cao và trọng dụng.

Câu hỏi đặt ra sau những câu chuyện như thế này, là bao nhiêu người sau khi cười cợt chán rồi, sẽ đi tra Google xem thực ra El Nino là hiện tượng thời tiết gì. Và ai đó có thể sẽ thử nấu canh cua với củ cải.

Còn cua nấu với xúp lơ xanh thì hóa ra là có công thức rồi, nó đây:

Phạm Gia Hiền
Theo Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây