Đại tá Nguyễn Quốc Phiệt kể lại hành trang công tác tại chiến dịch thượng Lào năm 1953 A2
Trở lại Thượng Lộc trong cảnh làng quê đang hồi sinh, thay da đổi thịt từng ngày trong phong trào xây dựng nông thôn mới, chúng tôi tìm về nhà Đại tá Nguyễn Quốc Phiệt - người đã từng nếm mật, nằm gai ở chiến trường Lào, rồi gắn bó lâu dài với sự nghiệp quân đội để nghe câu chuyện kể về ký ức của ông. Bên ấm nước chè xanh, đậm đà chất quê, Đại tá Nguyễn Quốc Phiệt với dáng người mảnh mai tiếp chúng tôi với những câu chuyện từ thời chiến. Nguyễn Quốc Phiệt, sinh năm 1930, ở xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, (Hà Tĩnh) một thời từng làm cho quân thù khiếp sợ mỗi khi nghe tên ông.
Gần 40 năm gắn bó trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, Đại tá Nguyễn Quốc Phiệt từng vượt qua bao gian khó, hiểm nguy và lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Hôm nay mỗi dịp lần giở những tấm huân, huy chương cao quý này, trái tim ông lại bồi hồi xúc động nhớ về những năm tháng chiến tranh với biết bao hy sinh, mất mát. Năm 1950, khi vừa tròn 20 tuổi chàng thanh niên Nguyễn Quốc Phiệt tình nguyện khoác ba lô lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.
Sau khoá huấn luyện tân binh, ông được điều động về Đại đội 216, Trung đoàn 81 thuộc Bộ Tư lệnh Thượng Lào. Hành quân vượt dãy Trường Sơn qua bao suối sâu, vực thẳm, hết nắng đốt lại đến mưa quây, song với sức trẻ, khát vọng cống hiến cho cách mạng, chiến sĩ Nguyễn Quốc Phiệt cùng đồng đội đã vượt qua tất cả. Trong chiến dịch thượng Lào năm 1953, ông vừa làm cố vấn quân tình nguyện vừa đảm đương nhiệm vụ trinh sát biệt phái cho Đại đoàn 304. Thời điểm đó, những địa danh như: Xiêng Khoảng, Sầm Nưa, Hưở Phăn, Mường Ngòi của nước bạn Lào đã in đậm dấu chân ông. Những cuộc dò thám người lính trinh sát luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và cả hiểm nguy rình rập. Vậy nhưng, bằng tinh thần quả cảm, nghiệp vụ tinh thông sắc bén, không ít lần ông đã đột nhập vào những vùng giặc chiếm đóng để nắm tình hình, lập kế hoạch kháng chiến.
Tuổi cao, nhưng Đại tá vẫn cần cù chăm vườn rau xanh của gia đình
Việt Nam và Lào - 2 dân tộc núi sông liền một dải. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chiến sĩ Nguyễn Quốc Phiệt cùng đồng đội luôn được các bộ tộc Lào anh em chở che, đùm bọc, sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, cung cấp nhiều thông tin có giá trị. Tình cảm gắn bó keo sơn, tinh thần đồng tâm, hợp lực phục vụ cách mạng của quân dân 2 nước Việt- Lào mãi luôn được ông nhắc nhớ, ghi sâu không bao giờ phai nhạt. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào, cuối năm 1956 chiến sĩ Nguyễn Quốc Phiệt trở về Việt Nam theo học các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ tại trường Quân chính quân khu 4, Trường Quân sự trung cao Bộ Quốc phòng.
Kể từ năm 1965 cho đến lúc về hưu năm 1989, Đại tá Nguyễn Quốc Phiệt từng là trưởng khoa Biên phòng - Trường sĩ quan công an nhân dân vũ trang rồi hiệu trưởng trường Nghiệp vụ Biên phòng 1. Dù ở cương vị nào ông luôn hết lòng, dốc sức, đem tài năng, tâm huyết phục vụ sự nghiệp quân đội và đào tạo nhiều thế hệ cán bộ sĩ quan, góp phần xây dựng lực lượng biên phòng ngày thêm lớn mạnh. Là người chiến sĩ nhiệm vụ đẹp biết bao/ Lời Bác đinh ninh vì nước quên mình giành chiến thắng vinh quang. Những năm tháng gắn bó trong quân đội, Đại tá Nguyễn Quốc Phiệt nhiều lần vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Bác động viên, khen ngợi. Những lời căn dặn của Bác trở thành hành trang, là nguồn động viên tinh thần vô cùng to lớn để ông phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Với quan điểm nghỉ hưu nhưng không thôi việc, rời quân ngũ trở về địa phương, Đại tá Nguyễn Quốc Phiệt tiếp tục tham gia nhiều hoạt động xã hội. Suốt 16 năm làm chủ tịch Hội CCB xã Thượng Lộc, ông đã có nhiều công lao đóng góp, khơi dậy các phong trào thi đua CCB gương mẫu trong phát triển kinh tế, xã hội và giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần hiếu học cho thế hệ trẻ. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới với uy tín và trách nhiệm của mình ông luôn vận động gia đình, người thân và các thế hệ CCB hiến nhiều diện tích đất vườn để làm đường bê tông góp phần tạo thuận lợi cho nhân dân trong lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống mới ngày thêm ấm no, giàu đẹp.
Nhiều huân huy chương, bằng khen của đại tá Nguyễn Quốc Phiệt được trao tặng
Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Hội CCB xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc cho biết: “Đại tá Phiệt là một người giàu nhiệt huyết, sau khi về hưu Đại tá vẩn tiếp tục đảm nhiệm ủy viên ban chấp hành hội cựu chiến binh huyện Can Lộc, đồng thời kiêm chức vụ chủ tịch hội cựu chiến binh xã Thượng Lộc. Như vậy từ năm 1990 -2016 Đại tá có thêm 16 cống hiến lòng nhiệt huyết với địa phương sau khi về hưu”. Nói về Đại tá Nguyễn Quốc Phiệt nhiều người dân địa phương tán phục vì ông giàu lòng nhiệt huyết với dân làng “dù tuổi đã cao, sức khoẻ ngày một giảm sút, nhưng thỉnh thoảng vào những lúc rảnh rỗi ông vẫn thường đi thăm hỏi, động viên nhân dân, gặp gỡ, chuyện trò với những ông già, bà lão trong thôn xóm. Giữ vững chuẩn mực, tác phong của người lính Cụ Hồ, tình cảm, tấm lòng của ông luôn được mọi người kính trọng, cảm phục”.
Ông Nguyễn Quang Lâm - Xã Thượng Lộc cho biết, với nhiều người khi tuổi về già là họ dành thời gian để nghỉ ngơi, sum vầy cùng con cháu, nhưng riêng ông Nguyễn Quốc Phiệt thì mỗi ngày trôi qua dường như công việc lại thêm bận rộn. Gần 90 tuổi đời, 69 năm tuổi Đảng, ông thấu hiểu hơn ai hết về giá trị của cuộc sống hoà bình mà bao thế hệ đã phải đánh đổi máu xương gây dựng. Bằng tình cảm, trách nhiệm với quê hương, ông đã tham gia góp ý, biên soạn Lịch sử Đảng bộ xã Thượng Lộc và có nhiều ý kiến đóng góp cởi mở, chân thành và nhiều chương trình hành động thiết thực, góp phần xây dựng Đảng bộ, chi bộ ngày càng trong sạch vững mạnh.
Kể về những hoạt động của Đại tá Phiệt sau khi về hưu, ông Võ Công Thành - Bí thư Chi bộ thôn Sơn Phú xã Thượng Lộc nói, “không chỉ hết lòng, dốc sức tham gia các hoạt động xã hội, Đại tá Nguyễn Quốc Phiệt còn là người cha, người ông mẫu mực cho con cháu học tập, noi theo. Truyền thống gia đình được ông gìn giữ, phát huy, nhắc nhở cháu con không ngừng ra sức học tập, rèn luyện, giữ vững nề nếp, kỷ cương trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay 2 người con trai của ông đang là cán bộ sĩ quan công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng. Đặc biệt cháu của ông, em Nguyễn Đình Đại từng là học sinh xuất sắc của trường THPT Chuyên Hà Tĩnh và là người vinh dự đoạt Huy chương Bạc OLympic tin học Châu Á - Thái Bình Dương. Suốt thời trai trẻ cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc, Đại tá Nguyễn Quốc Phiệt vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương kháng chiến và nhiều danh hiệu thi đua cao quý của Bộ Quốc phòng Việt Nam, Chính Phủ nước CHDCND Lào trao tặng. Sự ghi nhận, tôn vinh đó khẳng định công lao đóng góp to lớn của ông trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa 2 nước Việt - Lào anh em” – ông Thành cho biết thêm.
Những thành tích vẻ vang trong quân đội trở thành động lực để sau này khi trở về quê hương ông tiếp tục gương mẫu tham gia nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa thiết thực, góp phần tô thắm thêm truyền thống cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, luôn “Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội”. 59 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã và đang góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Với Đại tá Nguyễn Quốc Phiệt - người từng một thời tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở nước bạn Lào và đặc biệt là những năm tháng gắn bó trong lực lượng Bộ đội Biên phòng thì những giây phút hào hùng, vẻ vang của lịch sử mãi khắc sâu trong trái tim ông, thắp sáng lên niềm tự hào của trang đời người lính.
DOÃN ĐẠT
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn