Chưa họp phụ huynh, giấy báo thu tiền đã về

Thứ tư - 02/05/2018 03:47
Dù năm nào báo chí, phụ huynh vẫn phản ánh nhưng đến hẹn lại lên, chuyện các khoản tiền phải đóng vẫn là chủ đề nóng đầu mỗi năm học.

Đầu năm học, tình trạng các trường lạm thu, thu sai quy định vẫn không phải là quá cá biệt. Thậm chí, nhiều trường dù chưa họp phụ huynh đã ra thông báo danh sách các khoản phải nộp gửi học sinh mang về.

Phòng GD-ĐT TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) vừa chấn chỉnh các hiệu trưởng tạm thu tiền học sinh trái quy định.

Cụ thể, Trường Tiểu học Thạch Quý đã tạm thu 1 triệu đồng của gần hết 90 học sinh khối 1. Sau khi bị phản ánh, Hiệu trưởng là bà Trần Thị Loan cũng thừa nhận nhà trường tự tạm thu là sai quy trình.


Thông báo khoản thu đầu năm của một trường tiểu học ở TP.HCM. Với thu nhập của người dân việc đóng góp này được xem là nhẹ

Bà Loan lý giải cho việc tạm thu tiền là do năm nay học sinh khối 1 tăng thêm một lớp nên cần 40 bộ bàn nghế mới, nhà trường dùng số tiền tạm thu để đặt cọc mua bàn nghế cho học sinh ngồi học. Còn các năm trước, nhà trường có tạm thu là để mua quần áo, sách vở cho học sinh.

“Nhà trường biết tạm thu là sai quy trình, nhưng vì đầu năm học chưa có nguồn kinh phí nào khác nên vẫn phải thu để trả tiền bàn ghế. Còn chờ làm theo quy trình như văn bản 1702 (Hướng dẫn liên ngành về việc tổ chức vận động đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục và đào tạo do liên Sở Tài chính và Sở GD-ĐT Hà Tĩnh ban hành tháng 8/2012 - PV) thì còn lâu” - bà Loan cho biết.

Còn Trường Tiểu học Thạch Linh ra thông báo các khoản phải nộp cho khối 1 khi học sinh còn chưa nhập học. Cụ thể, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Linh- bà Trần Thị Thủy cho biết việc phụ huynh nộp 100.000 nghìn đồng cho hội trưởng hội phụ huynh, sau đó hội trưởng nộp lên cho tổ trưởng khối 1 để bồi dưỡng cho các cô giáo... không phải chủ trương của trường. Còn khoản thu 970.000 đồng vận động đóng góp sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất trường học thì tại thời điểm thông báo học sinh khối 1 chưa nhập học nhận lớp và cũng chưa có một cuộc họp phụ huynh nào của khối 1 để đồng ý các khoản thu đó.  

Cũng trong guồng quay đó, mới đây một cô giáo ở một trường tiểu học quận Đống Đa, Hà Nội soạn sẵn nội dung tờ giấy gửi về cho các phụ huynh trong lớp với nội dung nêu rõ để chuẩn bị tốt cho việc học tập, phụ huynh học sinh đóng tiền mua các loại sách vở, bộ đồ dùng học tập…, kèm theo các mức tiền chi tiết, thậm chí còn tính luôn số tiền tổng cộng mà phụ huynh phải nộp.

Cuối cùng kèm lời đề nghị phụ huynh cho tiền vào phong bì và nộp cho giáo viên chủ nhiệm vào một ngày cụ thể.

Trong khi đó, phụ huynh thì ngớ người, thậm chí có phần bức xúc khi trường chưa hề tổ chức một cuộc họp phụ huynh nào để thông qua, thống nhất.

Không chỉ về tài chính, các nội dung đưa ra đầu năm còn khiến phụ huynh đau đầu theo cách khác.

Những kiểu ép nộp tiền... tinh vi

Chị Nguyễn Thị Tâm có con đang học lớp 4 tuổi một trường mầm non ở huyện Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay trường có tổ chức học tiếng Anh, kỹ năng sống với thông báo tự nguyện, ai đăng ký thì học. Tinh thần tự nguyện, tuy nhiên trường lại sắp xếp các buổi học này xen kẽ vào giờ học chính, do đó nếu con không học những buổi đó sẽ bị xếp 1 chỗ ngồi cuối lớp nhìn các bạn học hoặc bị dồn vào 1 lớp khác. 

Tôi cũng như các phụ huynh những cháu này rất bức xúc vì tự dưng con mình bị phân biệt đối xử, trong khi bọn trẻ có biết gì đâu, bỗng thấy mấy đứa bị tách ra ngồi nhìn các bạn học như kiểu bị phạt, rất bất công. Trong khi đó giờ học chính thì bị cắt đoạn. 

Mỗi tháng tiền học tiếng Anh là 100 nghìn đồng, số tiền này không lớn nhưng cách bố trí lịch học như thách đố những gia đình không cho con học. Con 4 tuổi nên nhiều gia đình cũng chưa muốn cho con học tiếng Anh quá sớm. Nhiều phụ huynh đã phản ánh với hiệu trưởng nhưng không ăn thua”.



Cộng gộp tất cả các khoản, một năm học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (Đồng Tháp) đóng 16 triệu, nhưng tính ra mỗi tháng chỉ đóng hơn 1 triệu đồng

Theo chị Tâm, lẽ ra trường hoàn toàn có thể sắp xếp các buổi học thêm này vào cuối giờ để những phụ huynh không có nhu cầu cho con học có thể đón con về trước.

Anh Nguyễn Đức Nam hiện có hai con học lớp 1 và lớp 3 tại Trường Tiểu học L.T.V. (quận Gò Vấp, TP.HCM). Theo thông báo của cô giáo tại buổi họp phụ huynh lớp 3, mỗi tháng anh sẽ đóng hơn 1,7 triệu đồng. Trong đó, các khoản thu cụ thể như sau: vệ sinh 20.000 đồng; tiền ăn bán trú 500.000 đồng, tổ chức phục vụ bán trú 150.000 đồng; ăn sáng 240.000 đồng, tổ chức phục vụ ăn sáng 60.000 đồng; nước uống 12.000 đồng; tổ chức học hai buổi 150.000 đồng; ngoại ngữ tăng cường 60.000 đồng; tiếng Anh tích hợp 500.000 đồng; vi tính tự chọn 25.000 đồng; giáo dục kỹ năng sống 80.000 đồng/ tháng. Tổng cộng các khoản đóng góp trong một tháng của bé là 1.797.000 đồng được anh đóng ngay sau đó.

Ngoài số tiền trên anh Nam sẽ đóng thêm tiền quỹ hội phụ huynh 700.000 đồng/ kỳ để phụ trường mua sắm thêm các trang thiết bị học tập.

Theo anh Nam, trường "đẻ" ra quá nhiều khoản thu, như đã nộp tiền ăn sáng rồi lại còn tiền tổ chức phục vụ ăn sáng. Tuy nhiên, những khoảng thu chỉ lặt vặt vài chục nghìn đồng nên phụ huynh cũng tặc lưỡi cho qua.

Cần có cơ chế giám sát trong nhà trường

Phụ huynh Nguyễn Đức Nam cho rằng, tại TP.HCM việc kêu gọi phụ huynh học sinh hỗ trợ thêm về cơ sở vật chất dễ dàng hơn. “Nếu phụ huynh nào bức xúc có lẽ do các khoản thu “lạ” chứ không phải là các khoản chính đáng và dành cho con em họ. Tôi nghĩ, nếu nhà trường minh bạch và các khoản thu này dành cho cơ sở vật chất cho chính các em trong lớp, giảng dạy các chương trình bổ trợ hữu ích thì sẽ nhận được sự đồng thuận của mọi người. 

Không ai muốn bị thu thêm cả nhưng nếu thu để chi chính đáng cho con em thì chúng tôi sẽ ủng hộ. Nhà nước cần có cơ chế để các trường tổ chức các nguồn thu này và làm công tác kiểm tra, giám sát, sẽ ổn hơn là cứ chối bỏ trách nhiệm và giao cho hội phụ huynh học sinh” - anh Nam nói.

Về chuyện thu chi đầu năm, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cho biết, đầu năm học mới, trên địa bàn cũng lác đác có một số phản ánh.  

UBND tỉnh này đã có công văn quy định về việc thu tiền trong các trường học. Để tăng việc thực hiện đúng quy định, Sở này đưa ra hình thức kiểm tra chéo lẫn nhau giữa các trường.



Theo ông Hùng, trong khi địa bàn có tới 860 trường học nhưng Thanh tra Sở chỉ có 5 người, nên địa phương lập cơ chế giám sát bằng tổ chức kiểm tra chéo giữa các trường. 

“Nếu để xảy ra việc thu các khoản sai quy định, cả 2 trường kiểm tra và bị kiểm tra đều sẽ phải chịu trách nhiệm. Như vậy các trường sẽ phải ý thức trung thực và minh bạch hơn. Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các nhà trường phải công khai việc thu chi với phụ huynh” - ông Hùng nói.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, các nhà trường, Hiệu trưởng và giáo viên cũng cần giải thích rõ trong các cuộc họp để phụ huynh, học sinh hiểu có những khoản thu và có thể nộp theo từng tháng hoặc theo năm tùy theo thống nhất trong cuộc họp phụ huynh. 

“Các khoản thu chia ra mấy loại, một là các khoản bắt buộc như học phí, bảo hiểm y tế. Khoản thứ 2 là phụ huynh phải trách nhiệm mua sắm, trang bị cho từng em học sinh, hoặc phụ huynh sẽ tự đi mua những mẫu mã thống nhất hoặc nhờ nhà trường mua, thì những cái đó phải hiểu rằng đó không phải là khoản thu của nhà trường. Như Nam Định, ví dụ đồng phục, quy định nhà trường công bố mẫu mã, logo và phụ huynh tự đi mua. Còn nếu phụ huynh thống nhất thì gom lại cùng nhau mua”.  

Hiệu trưởng một trường ở Quận 1 TP.HCM, cho biết nguyên tắc giúp trường nhiều năm qua chưa khi nào nhận phản ánh của phụ huynh vì những khoản thu bất hợp lý là bố trí mỗi lớp học ổn định ở một phòng từ lúc vào đến lúc ra trường. “Như vậy hàng năm vào dịp tổng kết nhà trường sẽ cho phụ huynh, học sinh kiểm kê và xem xét nên đầu tư gì để tổng hợp và thông báo ngay từ đầu. Về các chương trình hỗ trợ giảng dạy cũng vậy nhà trường sẽ đưa một số nội dung và xin ý kiến của phụ huynh. Những chương trình thực sự có ích cho học sinh chắc chắn nhận được sự ủng hộ” - vị này nói.

Vị hiệu trưởng bộc bạch: “Tôi không bao che nhưng cũng thừa nhận nhà trường cũng có một chút lợi ích trong việc đóng góp chứ không phải làm không công. Tuy nhiên chúng tôi làm công khai và không làm cho phụ huynh có cảm giác bị lừa. Chúng tôi cũng không quy cho cả trường mà việc thu thêm theo từng lớp. Mỗi lớp một khác và sẽ có những thống nhất riêng và có cách thu khác nhau”.

Theo vị này, nói đi cũng cần nói lại, khi ở các trường thu nhập của giáo viên quá thấp mà lại không có cơ chế gì cho dạy thêm chính đáng như học Anh văn, kỹ năng, vui chơi nên muốn mua hay đóng góp gì cũng chỉ nhìn vào phụ huynh.

Theo Thanh Hùng – Tuệ Minh Vietnamnet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây