Từ sự “tự ái” với nông dân Lào...
Tốt nghiệp cử nhân môi trường ĐH Đông Đô (Hà Nội) nhưng Phạm Phương Thảo lại chọn công việc nhân viên tổ chức sự kiện và lập nghiệp tại TP.HCM. Sự năng động, nhanh nhẹn đã giúp Thảo có được vị trí rất tốt với thu nhập ổn định. Cứ ngỡ đó sẽ là công việc gắn bó với Thảo lâu dài. Thế nhưng, cuộc sống lại đưa cô cử nhân trẻ tài năng đến với nông nghiệp. Và con đường ấy lại bắt nguồn từ sự “tự ái” với những người nông dân Lào.
Bước ngoặt đó chính là lần đi công tác của cô tại đất nước “triệu Voi” khi tham dự Hội chợ nông sản bán hàng hữu cơ. Tham quan các gian hàng bày bán, nghe người nông dân kể về rau sạch được sản xuất, Thảo đã thốt lên: “Tại sao nông dân Lào họ tự trồng được rau hữu cơ sạch bán, người tiêu dùng được đảm bảo sức khỏe trong khi người Việt chỉ luẩn quẩn trong vòng thực phẩm bẩn rồi hại nhau?”. Sự “tự ái” đó đã thôi thúc cô phải hiện thực hóa suy nghĩ mang rau hữu cơ sạch của mình đến mọi người.
“Tôi đang có công việc ổn định với thu nhập tốt. Nhưng tôi nghỉ việc để tập trung biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Rất may mắn, tôi có chồng ủng hộ!” - Thảo nói.
Phạm Phương Thảo bên vườn rau Organic của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nghĩ là làm, Thảo bắt tay vào thuê mặt bằng mở cửa hàng đầu tiên bán thực phẩm hữu cơ sạch. Để có được nguồn hàng bán, Thảo đi khắp các tỉnh trong nước đặt vấn đề mua, bán cho người dân. Song, những chuyến đi đó giúp Thảo nhận ra rằng, các mặt hàng nông sản sạch còn rất ít. Nếu tìm được các cửa hàng, siêu thị bán nông sản sạch thì giá lại cao ngất ngưởng, người dân khó có cơ hội tiếp cận. Thực tế đó đã khiến Thảo quyết định tự trồng để có các sản phẩm hữu cơ đáp ứng nhu cầu của người dân với giá cả phải chăng.
Thảo đi sang Lào, tìm đến các tổ chức phi chính phủ, gặp nông dân ở phiên chợ thực phẩm hữu cơ để học hỏi, nghe họ chia sẻ về kỹ thuật trồng rau củ theo phương pháp hữu cơ. Rồi cô tiếp tục bôn ba sang Malaysia tham quan các mô hình nông nghiệp Organic, tìm hiểu phương pháp đóng gói, bảo quản sản phẩm của nông dân nước bạn. Những chuyến đi Thượng Hải (Trung Quốc) tham dự hội nghị Organic quốc tế giúp Thảo có thêm nhiều kiến thức bổ ích về nông nghiệp hữu cơ.
Những chuyến xuất ngoại đó đã giúp cô hiểu được nhu cầu của người dân các nước để sản xuất sản phẩm. Khi có được vốn kiến thức, Thảo quay về đi đến các địa phương tìm nơi thuê đất, gặp gỡ nông dân để “đàm phán” làm mô hình rau hữu cơ.
...Đến bà chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm Organic
Bỏ rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức, cuối cùng Thảo thuê được mảnh đất hoang gần 2 ha tại Long Thành (tỉnh Đồng Nai), 1.200 m2 tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) để trồng rau nhiệt đới và ôn đới như rau dền, mùng tơi, ớt chuông, xà lách, su hào, củ cải đỏ…
Thảo thuyết phục người nông dân cùng hợp tác trồng rau với mình. Bởi lẽ, lâu nay người nông dân quen với việc trồng rau củ quả, khi sâu bệnh, cỏ dại thì phun thuốc hóa học để diệt. Trong khi đó, mô hình trồng rau củ quả hữu cơ phải đảm bảo an toàn 4 không gồm: không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, không chất kích thích tăng trưởng và không chất bảo quản.
Khó khăn bắt đầu tìm đến Thảo khi cả vườn rau đầu tư bị bệnh. Thảo cho cắt cả vườn đem đi chôn, nhất quyết không phun thuốc hóa học. Người dân thấy bất bình, phản đối bao nhiêu thì Thảo xót, tiếc bấy nhiêu. Thế nhưng vì mục tiêu thực phẩm, sản phẩm hữu cơ sạch đã định hướng, Thảo chấp nhận thua lỗ.
Cặm cụi với mục tiêu rau sạch của mình, đến khi có được lứa đầu xuất bán, Thảo đem đi trưng bày ở cửa hàng. Người dân tới mua e dè không tin rau củ quả được sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ. Có người còn nghĩ oan rằng, rau củ quả này lấy ngoài chợ rồi đem vào cửa hàng trưng bày bán, dán nhãn mác lừa người mua.
Rau củ quả hữu cơ không giữ được lâu, bán không nhiều người mua vì không ai tin tưởng, Thảo nhiều lần chấp nhận lỗ. Cô và nhân viên của mình phải đem về ăn dần. Kiên trì và lạc quan tư vấn qua nhiều kênh truyền thông, sản phẩm hữu cơ đã được đông đảo người dân TP. HCM tin dùng. Đến nay, Thảo đã mở 3 cửa hàng tại địa bàn TP. HCM và mới đây đã mở cửa hàng, chi nhánh tại TP. Đà Nẵng với lượng khách hàng ngày càng đông hơn. Mạng lưới khách hàng thân thiết của cô lên đến con số hơn 200 người.
“Vui nhất với tôi đó là vào ngày 4/11/2015, hệ thống phát triển và phân phối thực phẩm hữu cơ của tôi đã được chứng nhận canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (EU) cho trang trại rau tại Long Thành, Đồng Nai. Chứng nhận hữu cơ này chính là tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm có yêu cầu cao nhất thế giới hiện nay, có giá trị không chỉ trong nước còn được công nhận tại Mỹ, EU và các nước khác trên thế giới” - Thảo vui mừng.
Thảo hy vọng càng nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm hữu cơ do Organica làm ra. Song song đó, Thảo sẽ mở rộng hơn việc kết nối với người nông dân, doanh nghiệp để cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ canh tác, bao tiêu đầu ra sản phẩm hữu cơ.
Theo Hà Thế An Khám phá
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn