Chỉ 1% học sinh rớt tốt nghiệp: Thi vậy có lãng phí?

Chủ nhật - 25/06/2017 16:29
Sáng ngày 19.6, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2014 trên cả nước lên đến 99% cho thấy sự tiến bộ trong ngành giáo dục cũng như tiến tới chuẩn bị cho một kỳ thi chung cả nước.

Trao đổi với Một Thế Giới, ông Trinh cho rằng khi áp dụng một kỳ thi đổi mới, Bộ đã hy vọng vào một chất lượng tuyển sinh tốt, đề thi phù hợp với năng lực của học sinh cả nước. Riêng có những câu hỏi dành riêng cho các học sinh khá, giỏi để phân loại học sinh cũng đã được các học sinh vượt qua được. 
"Qua đó, có thể khẳng định rằng kỳ thi tốt nghiệp đã thành công đúng như mong đợi và sự đổi mới này chính là nằm trong lộ trình kiểm tra đánh giá để tiến tới một kỳ thi chung. Kỳ thi này sẽ cung cấp dữ liệu để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cũng là cơ sở đáng tin cậy để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Kỳ thi như vậy sẽ có sự đổi mới về hình thức tổ chức, lực lượng tham gia, thao tác kỹ thuật... Bộ GD-ĐT đang chủ động xây dựng phương án để xin ý kiến đóng góp của các cơ sở giáo dục, các chuyên gia", ông Trinh nói.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT.
Chia sẻ về việc chỉ có 1% thí sinh trượt tốt nghiệp để phải tạo ra một kỳ thi thì liệu có lãng phí hay không? Ông Mai Văn Trinh cho rằng trên thế giới, đất nước nào cũng coi trọng kỳ thi tốt nghiệp, kỳ thi này đã thực hiện được mục tiêu chung của giáo dục ở bậc phổ thông. Nếu đất nước càng tiên tiến thì việc đánh giá lại năng lực học sinh để đáp ứng nhu cầu xã hội thì lại càng cần thiết.  
Kỳ thi tốt nghiệp chính là mốc đánh dấu một bước ngoặt của sự trưởng thành, ôn luyện lại những kiến thức suốt những năm đi học, theo đó, mỗi người sẽ có những sự lựa chọn khác nhau sau mỗi kỳ thi. Có người học lên cao hơn, có người chuyển sang học nghề, nhưng kỳ thi tốt nghiệp chính là kết quả đánh giá toàn bộ năng lực học sinh trong những năm tháng đi học ở trường phổ thông.
Với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ GD-ĐT đã khuyến khích giáo viên, tạo động lực cho học sinh hiểu được yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phát huy tối đa kiến thức. Thi cử, kiểm tra, đánh giá chỉ là một khâu trong toàn bộ chương trình. Khi chúng ta thay đổi chương trình thì có điều kiện để tính đến đổi mới toàn bộ thi cử phù hợp với mục tiêu, nội dung, cách thức dạy - học.
Bên cạnh đó, các trường ĐH, CĐ đã cho phép các trường được chủ động tuyển sinh hoặc tuyển sinh học sinh theo cách mà nhà trường tự đề ra, đó cũng là một phần để hướng đến một kỳ thi quốc gia chung mà Bộ đã và đang có lộ trình thực hiện.
Ông Trinh cũng khẳng định rằng, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT không phải Việt Nam mà rất nhiều nước cũng đang làm, kể cả những nước có nền giáo dục tiên tiến. Cần phải thi tốt nghiệp để người học hệ thống hóa kiến thức; tăng ý thức học tập của học sinh cũng như trách nhiệm của giáo viên trong dạy học để cả thầy và trò đều phải rèn luyện, bỏ công sức lao động để thu được một kết quả nhất định - kiến thức phổ thông. 
Đặc biệt, khi các trường ĐH được giao quyền tự chủ trong tuyển sinh, chính kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ là một tiêu chí quan trọng để các trường ĐH, CĐ căn cứ vào đó xét tuyển sinh viên vào trường.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn phản ánh đúng học lực của các em học sinh trong suốt quá trình học tập.
Bộ cũng xem xét các đề thi tốt nghiệp luôn phải đáp ứng được sức học cũng như kiến thức cơ bản nhất của học sinh phổ thông, giúp các em đạt điều kiện có chứng chỉ tốt nghiệp, đồng thời có tính phân loại cao để phục vụ việc tuyển chọn vào ĐH, CĐ.
Đồng tình, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định sẽ có một kỳ thi chung để các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả của kỳ thi này để làm căn cứ tuyển sinh. Các trường có thể dựa toàn bộ hoặc từng phần, trường có thể có cách kiểm tra, đánh giá thêm để phù hợp yêu cầu tuyển sinh, yêu cầu đào tạo của mình. Kỳ thi chung bước đầu hình thành bởi một số trường ĐH, CĐ năm nay đã dùng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp để tuyển sinh. 
"Bên cạnh việc phát huy kinh nghiệm sẵn có, chúng ta sẽ đồng thời học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng phương án, xin ý kiến rộng rãi trong và ngoài ngành, sau đó trình Chính phủ phê duyệt, đạt yêu cầu sẽ triển khai", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ.
Theo Dạ Thảo (motthegioi.vn)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây