Thời gian qua, nhiều độc giả gửi ý kiến về Báo Đời sống & Tiêu dùng, phản ánh một số vấn đề xung quanh "Nhà thuốc gia truyền Nguyễn Thị Nhường" hoạt động nhiều năm, chuyên chữa bệnh thần kinh, nhức mỏi, thuốc bổ cho người bệnh. Cơ sở tự chế biến thuốc bán cho người bệnh, thuốc không có thông tin cụ thể...
Ngô rang - nguyên liệu chính để làm thuốc!
Nói về "Nhà thuốc gia truyền Nguyễn Thị Nhường", người dân địa phương cho biết họ ít đến khám và mua thuốc bởi ai cũng nghi ngờ khi biết quy trình chế biến thuốc. Do vậy, bệnh nhân chủ yếu từ các huyện xa và tỉnh khác như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị đến.
Các "nhân viên y tế" của nhà thuốc gia truyền đang nhào nặn thuốc sau khi trộn ngô và mật mía
Trong vai người nhà bệnh nhân đi bốc thuốc, nhóm phóng viên đã nhiều ngày theo dõi, tìm hiểu và ghi lại toàn bộ quá trình khám bệnh, chế biến thuốc của "Nhà thuốc" này. Theo quan sát, "nhà thuốc" của cơ sở gia truyền này được xây bao quanh kín mít. Bên trong có nhiều bao tải đựng hạt ngô đã được rang cháy rồi xay mịn thành bột. Khoảng sân trước nhà là nơi để mật mía, bên trong có nhiều nguyên liệu thuốc bắc.
Hàng ngày, vào mỗi buổi chiều, chủ "Nhà thuốc" cùng các "nhân viên y tế" từ nhỏ đến già (chủ yếu là người trong gia đình bà Nhường - PV) cùng tham gia việc chế biến thuốc. Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, sau khi được rang đến gần cháy, hạt ngô được xay mịn. Chờ khi mật mía được đun sôi, ngô xay được cho vào cùng với một số hương vị được cho là thuốc bắc rồi khuấy đều lên cho đến khi các thứ hỗn hợp trên đặc quánh, dẻo và có màu nâu đen và đổ ra nền đất lát gạch cho nguội.
Tiếp theo đó, những người trong gia đình bà Nhường tập trung vắt thành viên nhỏ, lăn qua một thứ bột trắng dùng để chống dính giữa các viên thuốc rồi cho vào hộp nhựa trắng đã chuẩn bị sẵn. Và như vậy, một lô thuốc đông y mang thương hiệu "Nhà thuốc gia truyền Nguyễn Thị Nhường" ra đời...
Thuốc được đóng hộp và chở đi tiêu thụ
Trả lời thắc mắc về phần nguyên liệu làm thuốc "kỳ cục" với phóng viên, bà Nhường cho biết “thuốc bắc đó nhà tôi có người nhà bên Trung Quốc nên mới mua được chứ ở Việt Nam mình lấy đâu có nhiều thế này. Mật mía này chúng tôi mua về để chế biến thuốc gia truyền đó, còn ngô thì không phải thuốc mà là thức ăn dành cho lợn!".
Không chỉ bán thuốc sau khi khám bệnh, trong nhiều lần nói chuyện với bệnh nhân, bà Nhường liên tục ca ngợi về sản phẩm thuốc của mình và bày tỏ mong muốn "mở rộng thị trường" ở các tỉnh khác. “Chú cứ về mở rộng thị trường đi, in tem nhãn theo địa chỉ mình ở rồi lấy về bán thử, thuốc nhà tôi làm rất tốt các nguyên liệu chính như thuốc bắc có người bên Trung Quốc mua gửi về, cách chế thuốc được anh em bên đó học hỏi chỉ dạy về sản xuất. Thuốc nhà tôi chủ yếu nhập ra Bắc và vào trong Nam thôi, chú in thay địa chỉ bán là được, tem thuốc này nhà tôi cũng tự in cả thôi” - bà Nhường nói với một vị khách đến từ Quảng Bình trong một lần người này đến mua thuốc mà nhóm phóng viên được chứng kiến.
Trao đổi với phóng viên, một người chuyên buôn thuốc từ nhà thuốc gia truyền Nguyễn Thị Nhường về Nghệ An cho biết, “không biết thuốc làm từ nguyên liệu gì nhưng lúc đầu tôi lấy về uống cũng thấy bớt đau sau đó tôi cũng buôn về ngoài đó bán cho dân khỏi mất công đi lại, tháng nào rảnh thì tôi vào lấy, không thì thanh toán tiền qua thẻ rồi nhận thuốc qua bưu phẩm hoặc xe ô tô”.
Những hộp thuốc gia truyền của bà Nguyễn Thị Nhường
Mỗi hộp thuốc được "Nhà thuốc gia truyền" này bán với giá từ 70-100 nghìn đồng. Trung bình mỗi ngày họ bán và thu về hơn 70 triệu đồng. Trong đó, có lần nhà thuốc bán ra một số lượng lớn cho một “đại lý” ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, họ phải chở bằng ô tô lúc nhá nhem tối.
"Người nơi khác đến không biết thì cứ ùn ùn đến mua nhưng dân địa phương chúng tôi đây thì không tin tưởng bởi chúng tôi biết thuốc được làm từ nguyên liệu gì. Chúng tôi không tin rằng, chỉ với một ít ngô, mật mía và nguyên liệu khác mà có thể làm thuốc bổ, chữa bệnh thần kinh và chứng nhức mỏi vì vậy mong muốn cơ quan chức năng sớm vào kiểm tra, nếu có sai phạm thì phải được xử lý, còn nếu có công dụng thật thì phải cấp phép, yêu cầu ghi rõ thành phần, hạn sử dụng... để bệnh nhân biết" - một người dân nói.
Theo nguồn tin của Đời sống & Tiêu dùng, sau khi tiếp nhận thông tin về hoạt động của cơ sở này, lực lượng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Hà Tĩnh và Công an huyện Đức Thọ đã vào cuộc kiểm tra, xác minh làm rõ.
Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn