Cậu học trò đam mê khoa học

Thứ tư - 02/05/2018 00:59
Dù chỉ mới học lớp 10 nhưng bằng niềm đam mê khoa học, Lê Đình Long – học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) đã chế tạo thành công chiếc máy bay điều khiển từ xa bằng những linh kiện điện tử đã hỏng.

Được tận mắt chứng kiến chiếc máy bay chao lượn trên bầu trời mà theo Long - chỉ có phần xốp, pin là mới, còn lại chủ yếu là những loại phế thải, chúng tôi mới thực sự khâm phục khả năng sáng tạo của em.

Long và chiếc máy bay mô hình em dày công nghiên cứu

Bố làm thợ sửa chữa điện tử nên từ nhỏ, Long đã sớm tiếp xúc và “mê mệt” những thiết bị điện tử đã hỏng. Với em, những đồ “vứt đi” đã trở thành những món đồ chơi quý. Tuy nhiên, không chỉ để chơi, Long còn say sưa tìm tòi, khám phá. Ngay từ khi học tiểu học, Long đã tự chế con vịt có thể bơi trên nước bằng những linh kiện hỏng. Tiếp đó, nhiều chiếc xe lội nước, ca-nô siêu tốc… lần lượt ra đời trước sự khâm phục của bạn bè và những người xung quanh.

Năm lớp 7, Long bắt đầu tìm hiểu về máy bay và hình thành ý tưởng tự làm máy bay. Long kể, ban đầu, em tìm hiểu các nguyên lý hoạt động của máy bay mà chủ yếu là lĩnh vực khí động lực học. Khi có ý tưởng làm máy bay mô hình, em tìm hiểu các sơ đồ mạch điện, hoạt động thu, phát sóng điện từ, lập trình; rồi tham gia các câu lạc bộ, kết bạn với những người chung sở thích. Vì gia đình chưa có điều kiện trang bị máy vi tính nên từ việc nghiên cứu đến giao lưu kết bạn của Long đều được thực hiện qua điện thoại di động của mẹ.

Đến khi hoàn thành kỳ thi chuyển cấp, thời gian nghỉ hè, Long mới có cơ hội bắt tay chế tạo máy bay mô hình. Cậu say sưa làm việc với những đồ nghề đơn giản như: tua-vít, keo dán, băng dính và đủ thứ linh kiện hỏng xin được như bộ phát wifi, pin lap top, bánh lăn từ máy in, bánh răng… Riêng việc nối các mạch điện, em phải nhờ một người quen thực hiện do không có dụng cụ, thiết bị cần thiết và thiếu kiến thức lập trình.

Long vẫn nhớ như in, sau nhiều lần thất bại, ngày 26/7/2015, chiếc máy bay mô hình đầu tiên có thể tự cất cánh lên bầu trời, tuy nhiên, do chỉ biết cách làm và điều khiển máy bay lên chứ chưa biết cách làm… quay lại, nên máy bay bay thẳng lên rồi mất luôn.

Việc chế tạo đã khó, học điều khiển còn khó hơn. Mất hơn 3 tháng học làm “phi công” qua các trò chơi lái máy bay, em mới tự tin điều khiển chiếc máy bay của mình. Để khoe với tôi, Long đưa máy bay ra đồng và thực hiện nhiều động tác khó như chao, lượn, cua, lộn vòng… Đến nay, Long đã làm ra 7 chiếc máy bay, nhưng hiện chỉ còn 2 chiếc hoạt động được. Máy bay mô hình hiện tại của em có chiều dài hơn 1m, sải cánh 65 cm. Theo Long, máy bay của em có thể bay cao khoảng 40m và xa tối đa 200m.

Bên cạnh niềm đam mê khoa học, kết quả học tập của Long cũng rất khá. Năm lớp 9, Long đạt giải học sinh giỏi môn Vật lý cấp thành phố. Em đang tiếp tục cố gắng học tập tốt hơn để theo đuổi đam mê của mình.

Theo Dương Chiến Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây