Mùa giải 2013 đã kết thúc, với kết quả trên BXH phản ánh tương đối đúng tiềm lực và cả độ “máu me” của những đội bóng. Nhưng, song hành với một loạt kỷ lục mới đầy ấn tượng kiểu như thống kê về số khán giả, tấm màn nhung V.League còn đọng lại những gì để nhớ?
1. Theo thống kê chưa chính thức của một cơ quan ngôn luận thuộc LĐBĐVN, V.League 2013 đã lập nên kỷ lục mới về số lượng khán giả. Sau 20 vòng đấu đã có xấp xỉ 1,2 triệu lượt khán giả bỏ thời gian, tiền bạc và công sức đến sân. Trong đó, có rất nhiều sân đấu BTC phải nhắc đến “nguy cơ vỡ sân” như sân Vinh, Hàng Đẫy, Gò Đậu... Thậm chí, đã có “vỡ” thật khi khán đài sân Vinh từng sập vì quá tải. Trung bình mỗi trận đấu tại V.League mùa này đón tiếp khoảng gần 1,2 vạn khán giả. Con số kỷ lục trong lịch sử giải đấu và bảo đảm người Thái chỉ có nước nhìn mà phát thèm!
Điều ấy nói lên điều gì? Rằng khán giả đã trở lại và trong rất nhiều thời điểm, một số trận đấu của V.League trở nên “hot” thật sự, với nhu cầu vào sân cao kinh khủng, đến mức vượt quá sức chứa của SVĐ. Hãy nhìn cảnh gần 2 vạn CĐV SLNA phải ngồi ngoài do không có vé hoặc không tìm được chỗ giữ xe bởi xấp xỉ 3 vạn CĐV trước đó đã phủ kín ken đầy sân Gò Đậu trong trận B.BD tiếp SLNA. Những thông tin như thế, thường chỉ xuất hiện trên báo ở những giải đấu hàng đầu, với những CLB hàng đầu, nơi có được một tấm vé đã là quá hạnh phúc và tự hào.
Chức vô địch cho HN.T&T
V.League 2013 đã hạ màn với kết quả đội vô địch là cái tên xứng đáng nhất. HN T&T đăng quang với những thông số không thể thuyết phục hơn. Họ sở hữu hàng công mạnh nhất giải với 46 bàn thắng chỉ sau 20 trận. Thậm chí tỷ lệ 2,3 bàn mỗi trận của họ cũng là “đỉnh” nhất trong số những nhà vô địch của lịch sử.
Nói tóm lại, V.League 2013 là cột mốc quan trọng, nơi ghi dấu ấn của một loạt kỷ lục không hề dễ phá vỡ. Không gọi đó là thành công thì còn biết gọi là gì?!!!
2. V.League 2013 cũng là một cột mốc, nơi ghi nhận sự tiến bộ của BTC giải. Chắc chắn thế, dù phải hiểu theo cách hơi AQ một cách chính xác hơn là sự tiến bộ sẽ... có thể đến sau mùa giải này.
Những câu chuyện bi hài liên tục và đều đặn xuất hiện từ đầu đến cuối giải. BTC lúc nóng lúc lạnh, kéo theo một loạt hiệu ứng dây chuyền. Không chỉ một đội tuyên bố bỏ giải. Những cầu thủ dọa kiện đội bóng lên cấp trên. Ông bầu dọa kiện BCT. Thậm chí, đã có những quan chức cấp cao tuyên bố sẽ “nghỉ chơi”.
Sự cố trọng tài nhận tiền là một quả bom thực sự. Nó lập tức tạo ra hiệu ứng dây chuyền lan rộng, với những câu cửa miệng đùa nhau kiểu “coi chừng nghỉ khỏe làm tường trình”. Dã man hơn, với một loạt phát ngôn mà sự nghiêm túc, chân thành đầy mơ hồ tạo ra những luồng thông tin đối nhau chan chát giữa các thành viên của cả VPF lẫn VFF đã khiến lòng tin của người hâm mộ đặt vào những người có trách nhiệm với bóng đá nước nhà trở nên phai nhạt hơn bao giờ hết.
Đùng một cái bị nhận quyết định ngừng việc để phục vụ điều tra, PCT AFF kiêm Phó ban trọng tài AFF Dương Vũ Lâm đã lên tiếng “thề” sẽ không thèm làm mảng này ở Việt Nam nữa, nơi ông đường đường là Chủ tịch HĐTT Việt Nam vậy mà bị trảm thẳng cẳng không cần bằng chứng, theo cách nóng vội và nhiệt tình quá mức đến khó hiểu của những người trong cuộc. Để rồi đến lúc này, khi VPF, VFF và cả cơ quan điều tra vẫn chưa cho ra được một quyết định cụ thể nào, hoặc manh mối, bằng chứng xác đáng nào, thì ông sếp lớn của liên đoàn bóng đá khu vực vẫn là kẻ ăn không để chờ “được xử”! Cái tội danh, lẽ dĩ nhiên vẫn lơ lửng trên đầu.
3. Ông bà mình có câu “tiền hung hậu cát”. Nhưng có vẻ V.League 2013 với một loạt sự kiện đã phá vỡ quy luật ấy, và cải biến nó thành “tiền hung hậu... nát”. Chứ gì nữa, ngay trận đầu tiên của giải có mặt 2 đội mạnh bậc nhất mùa trước là XTSG và SHB.ĐN đã tạo ra bất ngờ rúng động với kết quả đậm vượt ngoài mọi logic. Nghi án “tin nhắn” lập tức được Ban đạo đức đưa ra, ống nhắm lập tức được “giương lên”, và rồi cũng nhanh chóng “xìu xuống”.
Cái khởi đầu đầy tính lịch sử ấy (lần đầu tiên Ban đạo đức được thành lập, ra mắt và cất tiếng nói) dường như là điềm báo cho số mệnh... truân chuyên của giải đấu. Ban đạo đức đã nói và không ai nghe. Thế là, đúng phong cách quân tử họ im cả giải, để rồi chỉ phát pháo lần nữa vào cuối mùa sau trận đấu cũng liên quan XTSG. Kết quả, XTSG bỏ giải, V.League trở thành giải đấu giao hữu tập huấn do không có đội xuống hạng, SLNA mất hàng tỷ đồng vì bị tước mất cơ hội tranh vô địch còn người hiểu chuyện chỉ cười nhạt.
“Con hư tại mẹ”, câu này cấm có sai.
V.League 2013 đã kết thúc nát bét. Nhưng, chẳng ai dám chắc là cái “nát” ấy đã là đỉnh điểm chưa.
Đại hội Liên đoàn lại sắp đến. Từ nay đến đó là khoảng thời gian không dài không ngắn, đủ để tạo ra những “bất ngờ” như kiểu ông Lâm, ông Tấn bị trục xuất khỏi ghế mà cả văn phòng không một lời giải thích. Đấy, ai biết được cũng là nghệ thuật ứng xử của những người mà theo giới mạng xã hội bây giờ sẽ được gọi tên là “thanh niên nghiêm túc”. Cấm đùa đâu!
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn