Câu chuyện bóng đá: Nước Sông Lam đến khi mô cho cạn...

Thứ hai - 05/06/2017 00:44
Kết thúc trận đấu, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã cùng các học trò chạy lại 2 đầu khán đài C-D để cảm ơn người hâm mộ. Hôm qua, Thống Nhất gặp bão, với hàng vạn khán giả với sắc áo vàng lam nhuộm rực cả các khán đài.
CĐV SLNA Ảnh: DƯ HẢI

1. Sài Gòn vào cuối tuần vốn yên bình. Nhưng rõ ràng Chủ nhật rồi không phải vậy. 12 giờ trưa, giữa cái nắng vàng rượm và có phần oi bức, các khu phố trung tâm khu vực quận 1 đã ngợp vang tiếng còi xe. Như ở Hàm Nghi, dòng xe vàng rực của các CĐV SLNA đã kéo dài suốt từ đầu đến cuối đường. Ước tính đã có vài ngàn người tham gia cuộc “đi bão” này. Ấy thế, một CĐV còn cho biết đây chỉ mới là màn dạo đầu. Còn một “tổ” rất đông đang mang bão từ Bình Dương về nhập bọn!

Trò chuyện với chúng tôi là một nhóm khoảng chục người đã đặt vé để bay từ Vinh vào xem SLNA thi đấu. Họ là những thanh niên trẻ, đang là sinh viên tại Vinh và cả những người đã đi làm. Có người bay từ Hà Nội vào, hoặc từ Long Hải lên. Tất cả đều có chung nguyện vọng phải có mặt bằng được để xem tận mắt đội bóng thân thương thi đấu. Mà, đấy chỉ là một trong rất nhiều nhóm nhỏ khác. Qua các diễn đàn và mạng xã hội, họ liên lạc với tổng sở của Hội CĐV và quy tụ về Sài Gòn để chuẩn bị cho màn tiếp sức cuồng nhiệt tại Thống Nhất.

Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Hà Nội, Vinh, Hải Phòng và thậm chí cả ở từ miền Tây lên... có hàng vạn người như thế, với những câu chuyện nhỏ lớn khác nhau nhưng cùng có điểm chung là cháy nhiệt vì sắc áo Sông Lam đã như trăm ngàn suối nhỏ cùng chung một đích đến là biển lớn tình yêu với Sông Lam.

2. Nói về tình yêu bóng đá của dân quê choa thì cả ngày không hết. Chính cái tình yêu bất tận, nồng nàn và cả đôi khi có phần hơi cục bộ ấy chính là bản sắc, là sức mạnh tạo nên thương hiệu của một trong những tên tuổi ngày xưa vẫn còn giữ lại bất chấp sự đào thải khắc nghiệt của bóng đá chuyên nghiệp đã khiến vô vàn tên tuổi lớn phải đi vào thì quá khứ. Thể Công, CAHN, CAHP, Nam Định, Huế, CSG, Hải Quan... tất cả đều đã chết tức tưởi, hoặc sống lay lắt ở những hạng dưới, quay quắt với nỗi nhớ về dĩ vãng oai hùng. Chỉ có Sông Lam vẫn tồn tại. Nhắc Sông Lam, người ta lập tức nói ngay đến đội bóng. Điều tưởng giản dị này thực ra là ước ao của biết bao CĐV lẫn người làm bóng đá khắp mọi miền đất nước.

Người quê choa yêu bóng đá đến cuồng dại. Ở cái xứ sở nắng nóng gió Lào vẫn còn rất nghèo ấy mọi đứa trẻ, từ trước khi ra đời đã sống trong cái cuồng bóng đá của bố mẹ, bắt đầu nhận thức đều có chung tình yêu bóng đá và nếu có thể đều muốn trở thành cầu thủ bóng đá. Đấy chính là ngọn lửa tạo nên truyền thống và cũng là cái nôi, là vốn quý tạo ra nguồn cầu thủ có thể nói là vô tận cho bóng đá sông Lam. Năm nào cũng phải ăn đong và đứng trước nỗi lo bị rút ruột, nhưng bóng đá xứ Nghệ vẫn tồn tại, kiêu hãnh cùng đời. Nên nhớ, ở Việt Nam chỉ duy nhất SLNA luôn có mặt trong suốt lịch sử V.League.

Giải chỉ còn vài vòng, cơ hội vô địch của SLNA vẫn còn và hết thảy những thanh niên quê choa cuồng nhiệt đều gạt hết nỗi bận tâm cơm áo gạo tiền, bằng được muốn mình sẽ chung tay góp phần đốt lên ngọn đuốc khát vọng, sát cánh cùng đội bóng. Họ không phải chưa từng bị phản bội, từng không ít lần thểu não và đau đớn khi tình yêu ngập lồng ngực cho đi chỉ nhận lại bởi những kết quả gian dối. Nhưng như câu hát quê choa rằng “giận thì giận mà thương thì càng thương”, cái yêu thương nồng nàn ấy chưa bao giờ biến mất mà chỉ càng lớn thêm theo cùng năm tháng, bền bỉ cùng thời gian.

Yêu là thế, cuồng nhiệt đến thế, hỏi sao quân ông Thắng “mạch” không đá như lên đồng! Bầu Hiển đã đổ rất nhiều tiền và gặt hái nhiều danh vọng. Nhưng chắc chắn, đến tận bây giờ và có lẽ là cả quãng đường dài nữa, ông vẫn phải nhìn SLNA nghèo đói ấy bằng ánh mắt thèm muốn. Có ai được như Sông Lam, nơi tất cả sân đấu của V.League đều là sân nhà?!!!

Theo  Tiểu Bảo (Báo Thể Thao TP.HCM)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây