Theo phong tục truyền thống của dân gian, ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày ông Táo về chầu trời để báo cáo tất cả các việc làm của gia chủ trong một năm qua cho Ngọc Hoàng. Xuất phát từ phong tục ấy, người dân Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng lại chuẩn bị mâm cơm cùng đồ lễ để tiễn ông Táo về trời.
Ngay từ sáng sớm, dạo một vòng quanh các sạp hàng mã được bày bán ở chợ Hà Tĩnh, phóng viên đã nhìn thấy rất nhiều món đồ phục vụ cho ngày tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời được bày bán. Từ mũ, hài, cá chép, tiền vàng, bộ đồ ông Công, ông Táo… đều được các chủ hàng treo lên cao, màu sắc bắt mắt cho khách hàng lựa chọn.
Hàng mã được trưng bày ở nhiều cửa hàng nhưng người mua rất thưa thớt
Tuy nhiên, trái với những năm trước, năm nay, lượng người mua hàng mã cúng ông Công, ông Táo giảm hẳn. Đi một vòng từ đầu dãy bán hàng mã đến cuối dãy, chúng tôi nhận thấy khách khá thưa thớt.
Theo lí giải của người bán hàng ở đây, năm nay tại địa phương một số hộ dân cũng bán hàng mã nhiều nên nhu cầu ra chợ mua hàng của người dân giảm hẳn. Nhiều khách ra chợ chỉ tập trung vào các món hàng trang trí Tết.
Bà Lan, chủ một cửa hàng bán đồ mã nhiều năm tại chợ Hà Tĩnh cho hay, năm nay lượng khách so với các năm giảm đi rấ nhiều. Từ sáng đến giờ, bà mới chỉ bán được 1 – 2 bộ. Người dân ngày càng văn minh, họ coi việc đốt vàng mã là mê tín nên cũng ít mua hơn. Ngoài ra, năm nay kinh tế khó khăn, rét mướt mất mùa cũng khiến người dân ít mua về cúng ông Công, ông Táo.
Gian hàng của bà Lan vắng khách so với những năm trước.
Theo bà Lan, giá bán một bộ ông Công, ông Táo cũng giao động từ 17.000 – 20.000/bộ, rất rẻ nhưng khách vẫn vắng. Bình thường những năm trước, thời điểm này, gian hàng của bà rất tấp nập, bán rất chạy hàng. Qua quan sát, gian hàng của bà Lan được trang trí, trưng bày rất đẹp mắt và đa dạng các loại đồ mã, đáp ứng đủ nhu cầu của người mua.
Cách đó không xa, gian hàng mã của anh Trung cũng trong tình cảnh tương tự. Theo chia sẻ của anh, năm trước, từ ngày 10 - 15 tháng Chạp, người dân đã bắt đầu mua hàng mã đốt biếu người âm, nhưng năm nay cận ngày rồi mà khách vẫn lác đác. Từ sáng sớm, cửa hàng của anh cũng chỉ mới bán được vài ba bộ. Lâu lâu mới có khách ghé hỏi.
Hàng mã được trưng bày đủ loại và kích cỡ, hợp giá tiền nhưng người bán vẫn nhàn rỗi vì vắng khách.
Tại một vài cửa hàng nhỏ, bán lẻ hàng mã, tình trạng vắng khách lại thể hiện rõ hơn. Qua trò chuyện với một chủ bán hàng mã, được biết, nếu năm trước, chừng này đã bán được nhiều thì nay từ sáng đến giờ bà chưa bán được bộ đồ mã nào. Cửa hàng nhỏ như này, khách ghé rất ít. Năm nay, do người dân tại nhiều địa phương có mở bán hàng mã nên khách tại chợ vắng hẳn đi.
Được biết, giá cả mỗi bộ đồ “ông Công, ông Táo” gồm 3 mũ, 3 bộ quần áo được làm với nhiều kích cỡ, giao động từ 20.000 – 40.000/bộ, nhưng người đến mua cũng không nhiều, đôi khi các chủ hàng còn phải bán bằng vốn cho khách.
Theo một số chủ hàng, tại chợ Hà Tĩnh, họ hầu như không lấy bán những loại đồ mã đẹp, được trang trí cầu kỳ, làm bằng giấy bóng thơm, bởi giá cả nhỉnh hơn nên khách không hỏi mua nhiều.
Lâu lâu mới có 1 – 2 khách mua tại gian hàng mã của bà Ba
Bà Ba, một người có thời gian buôn bán đồ mã lên đến hàng chục năm chia sẻ: Tôi bán đồ mã từ thời còn trẻ đến nay, đa phần đồ mã tại đây được lấy từ Hà Nội về bán. So với mọi năm, giá cả các mặt hàng vàng mã năm nay không tăng nhiều, rất hợp lý nhưng khách mua gần như giảm hẳn. Lác đác lắm chỉ có vài người mua.
Thời điểm chúng tôi có mặt tại gian hàng của bà Ba, có 2 – 3 khách đến hỏi mua hàng. Những món đồ khách lựa chọn đa phần là tiền vàng, bộ đồ ông Công, ông Táo…
Chỉ còn 2 ngày nữa là đến tết ông Công, ông Táo, những chủ hàng mã tại chợ Hà Tĩnh vẫn hy vọng ngày cận tết này khách mua sẽ đông hơn, bán buôn tấp nập hơn.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn