“Cầm đèn chạy trước ô tô”, Sở GDĐT Hà Tĩnh bị Chủ tịch tỉnh yêu cầu kiểm điểm

Thứ tư - 02/05/2018 01:30
Mặc dù chưa tổ chức đánh giá, tổng kết mô hình thí điểm, chưa báo cáo xin chủ trương của tỉnh, nhưng Sở GDĐT Hà Tĩnh đã ra văn bản thông báo triển khai đại trà mô hình VNEN ở cả hai cấp tiểu học và THCS. Hành vi “cầm đèn chạy trước ô tô” của Sở GDĐT Hà Tĩnh đã bị Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu kiểm điểm.



Lớp học VNEN tại lớp 2C, Trường Tiểu học Thạch Tân (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: Lê Văn Vỵ

Sở GDĐT phải kiểm điểm

Ngày 27.7, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản số 230 "Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT”. Theo đó, tại buổi làm việc ngày 18.7, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh sau khi đánh giá những thành tích, đóng góp của ngành GD&ĐT đã chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý của ngành GDĐT.

“Việc thực hiện mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN): Trong lúc Sở GDĐT chưa tổng kết, đánh giá đầy đủ mô hình thí điểm (từ năm học 2012 – 2013 đến nay) đã triển khai thí điểm tại 129 trường tiểu học và 32 trường THCS, chưa báo cáo xin chủ trương của tỉnh đã có văn bản chỉ đạo triển khai đại trà cấp tiểu học và THCS trong năm học 2016 - 2017 là chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và các quy định của Bộ GD – ĐT và thiếu thận trọng, chưa khoa học”.

Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GDĐT tổ chức kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai VNEN. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu dừng  triển khai đại trà VNEN ở tiểu học và THCS trong năm học 2016-2017; tuyệt đối không được nhân rộng khi chưa đánh giá được kết quả thí điểm và chưa được UBND tỉnh cho phép. Đồng thời yêu cầu Sở GDĐT tham mưu thành lập Hội đồng đánh giá kết quả VNEN để có cơ sở xem xét, quyết định việc áp dụng nhân rộng hay dừng trong năm học tới.

Giải quyết một số hệ lụy do chỉ đạo đại trà VNEN

Mặc dù việc triển khai đại trà VNEN đã bị “tuýt còi”, nhưng việc triển khai ồ ạt, vội vàng mô hình này kéo theo không ít hệ lụy, vướng mắc. Theo chỉ đạo của Sở GDĐT, để chuẩn bị dạy học VNEN đại trà, 100% trường tiểu học và THCS đã đặt SGK mới cho 100% HS, trong khi giá sách VNEN đắt hơn so với SGK truyền thống. Số tiền đăng ký mua sách lên tới hàng tỷ đồng. Vì vậy nếu không giải quyết được SGK tồn đọng sẽ lãng phí nghiêm trọng.

Nhiều trường đã triển khai tu sửa cơ sở vật chất để triển khai VNEN, lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần không biết lấy nguồn ở đâu để bù đắp..

Đặc biệt, những phụ huynh có con tiếp tục học VNEN bất an vì cho rằng chương trình “có vấn đề” mới bị dừng lại. Phụ huynh băn khoăn: Học chương trình đã dừng lại không biết thầy cô có nhiệt tình giảng dạy không? Rồi thi cử sẽ ra sao? Rồi có phải tiếp tục nạp các khoản tiền để tu sửa lớp học, trang trí lớp, làm tư liệu học tập theo mô hình VNEN nữa không?

Thậm chí, tại Hương Sơn, ngày 19.7, trong cuộc họp phụ huynh do nhà trường tổ chức thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, cô Phan Thị T. đã xin giáo viên chủ nhiệm cho con ở lại lớp 2, không lên lớp 3 để tránh học chương trình VNEN, nhưng được giáo viên chủ nhiệm trả lời là cô không có thẩm quyền. “Con học VNEN, đêm nào tôi cũng phải  kèm, hướng dẫn cháu học lại chương trình. Nếu không thì kém hơn lớp 1", cô T. kể.

Dự án GPE - VNEN bắt đầu triển khai vào năm 2012 và kết thúc vào năm 2016. Đúng vào thời điểm kết thúc dự án, một số địa phương như Hà Giang, Vũng Tàu quyết định tạm dừng triển khai, chứng tỏ chương trình “có vấn đề” chứ  không tuyệt hảo như Dự án quảng bá.

Bài học lớn nhất qua dự án VNEN là không thể đưa con trẻ ra làm thí nghiệm, khi chưa có kết luận đúng đắn từ những thực nghiệm khoa học nghiêm túc, khách quan và cẩn trọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Sở GD T tổ chức kiểm điểm vì đã lạm quyền trong việc triển khai VNEN
Theo Lê Văn Vỵ Lao động

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây