Cái chết ẩn ức của người anh trai tật nguyền sau khi thắng kiện em

Thứ sáu - 09/06/2017 04:14
Một đêm, người đàn ông bại liệt vào nhà tắm và không bao giờ trở ra nữa… Quãng đời 50 năm của ông ít có ngày sung sướng, thế mà những ngày cuối đời, sau bao lần kiện tụng, khi sắp có tiền dưỡng già thì nguyên đơn lại chết bất đắc kỳ tử không rõ lý do.

Những bí mật về cái chết của ông Nguyễn Hữu Đôn (SN 1963, ngụ phường 15, quận Gò Vấp, Tp.HCM) chưa biết khi nào mới sáng tỏ.

Sau khi thắng kiện vụ tranh chấp đất đai với chị em, nạn nhân đã chết bất đắc kỳ tử.

Gia cảnh thương cảm 7 đứa con thì 3 người bại liệt

Gia cảnh của gia đình này quả là đáng thương cảm. Trong sáu năm liên tiếp, bà mẹ sinh 3 người con trai thì cả ba đều bị bại liệt từ bé, trong đó có ông Đôn.

Cha ông Đôn làm nghề mổ heo, mẹ bán cá khô ở chợ Gò Vấp, tảo tần nuôi chín miệng ăn. Thời chế độ cũ, đất đai còn rẻ, cả hai chắt bóp mua được mảnh đất, dựng lên căn nhà che nắng che mưa. Thời gian sau, vợ chồng bà tậu thêm được mảnh đất ruộng gần đó làm “của để dành” cho con.

Sự đời không ai lường trước được. Năm 1988, sau một trận ốm nặng, người chồng qua đời, dồn gánh nặng nuôi cả bầy con lên vai người vợ lúc đó đã ngoài 55 tuổi.

Dù có lúc khổ đến cùng cực, bà vẫn cố giữ hai mảnh đất. Bà sợ cảnh “miệng ăn núi lở”, bán đất đi rồi sau này bà nằm xuống thì chỗ đâu cho con ở, tiền đâu cho 3 đứa con bại liệt sống nốt phần đời còn lại?

Người con trai cả vượt biên cuộc sống cũng không dư dả. Ba đứa út, một gái, hai trai lành lặn là niềm an ủi lớn cho bà. Lớn lên, cô chị gửi mình cho chúa, chọn con đường đi tu dòng kín.

Anh con trai kế út làm nghề mua bán cá cảnh tại nhà, thay mẹ trông 3 người anh tật nguyền những lúc bà phải bán buôn ngoài chợ. Rồi anh con trai kế út cũng lấy vợ, sinh hai đứa con.

Anh con út tài cao học rộng nhất nhà, lấy được mấy mảnh bằng đại học. Rồi anh cũng quyết định gửi mình cho Chúa, vào đại chủng viện, sau mấy năm cũng thành thầy sáu, phụ việc cha xứ ở quận Thủ Đức. Hiểu cảnh nhà, cha xứ cũng thường cho anh về thăm, giúp đỡ tiền bạc cho mẹ, nuôi các anh bại liệt.

Bất hòa vì người muốn bán nhà, người muốn để ở

Tháng 6/2009, bà mẹ bệnh nặng. Trước khi nhắm mắt xuôi tay tám ngày, bà mời luật sư và hai người làm chứng đến lập di chúc. Phần của bà gồm nửa căn nhà và mảnh đất, bà cho cả người con út. Bởi bà có niềm tin rằng con trai út đã gửi mình cho Chúa, không vợ không con thì suốt cuộc đời này chắc chắn nó sẽ lo lắng cho các anh tật nguyền một cách chu toàn.

Sự đời đâu như bà nghĩ. Một năm sau ngày mẹ mất, người em út kêu các anh chị giao mình đứng tên nhà đất, sau đó sẽ bán chia đều cho từng người. Tin lời em, họ dắt nhau ra Phòng công chứng số 5, ký tên vào bản thỏa thuận và cam đoan không bỏ sót người thừa kế nào.

Hơn năm sau, thấy ra giấy hồng rồi mà người em út mãi không chịu bán nhà chia tiền, ông Đôn nói chuyện phải quấy với em nhưng người em không nghe.

Nói trong nhà không được thì nhờ pháp luật phân xử. Tại phường, cả hai vẫn không có tiếng nói chung. Từ đó, sáu anh chị em chia thành hai phe: Một bên là ông Đôn, năm người còn lại cương quyết không bán. Giận cá chém thớt, mấy người em đến bữa không cho ông Đôn ăn. Thậm chí còn buộc ông Đôn phải gắn đồng hồ điện, nước riêng, tự xài tự trả.

Với người tàn tật như ông Đôn, nguồn sống chính chỉ là 180 ngàn đồng Nhà nước trợ cấp mỗi tháng mà phải tự lo cho mình thì sao sống nổi, nói gì đến chi phí thưa kiện.

Nhưng càng nghĩ càng ức, ông muối mặt tìm đến các văn phòng luật sư (VPLS) nhờ giúp đỡ miễn phí, nhưng tất cả đều từ chối vì “ông đã đồng ý ký tên cho nhà đất rồi, giờ còn đòi gì nữa”.

Buồn đời, ông tâm sự với người bạn chạy taxi. Vốn hay chở khách đến giao dịch tại các VPLS, người bạn nhớ ra VPLS Vì Người Nghèo ở 184 Hòa Hưng, phường 13, quận 10 (Tp.HCM) hay bảo vệ, bào chữa miễn phí cho người nghèo. Dẹp bỏ tự ái, ông quyết định tìm đến xem sao.

Cú “lội ngược dòng” ngoạn mục

Luật sư Trần Văn Hiếu là người đã tiếp nhận yêu cầu của ông Đôn. Nghe qua, luật sư Hiếu định từ chối vì thấy ông Đôn “thua trắng bụng” rồi. Nhưng nghĩ lại ông Đôn tàn tật, lại bị anh em bỏ rơi, nếu mình không đưa tay ra cho ông ấy bấu víu thì ông còn biết nương tựa vào ai? Thế là luật sư Hiếu nhận lời giúp miễn phí.

Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ, luật sư phát hiện ra điểm sai “tử huyệt”: Văn bản thỏa thuận phân chia di sản có bảy anh chị em nhưng lại bỏ lọt người anh cả ở nước ngoài, như vậy là vô hiệu. Mà khi đã vô hiệu thì giấy hồng đứng tên người em cũng không còn giá trị.

Xem kỹ nữa, luật sư Hiếu phát hoảng, thời hiệu khởi kiện cho vụ án này chỉ còn đến ngày 10/11/2010, tức chỉ tính bằng ngày.

Lập tức luật sư Hiếu thảo vội đơn, giấy ủy quyền… rồi tức tốc đến nộp ngay cho Tòa án nhân dân TP.HCM. Hôm đó đúng ngày 9/11/2010, còn một ngày nữa là hết quyền đi kiện.

Biên nhận xong thì phải đóng tạm ứng án phí. Lúc này người đàn ông tàn tật gãi đầu: “Luật sư thương tôi thì thương cho trót, đóng giúp tiền tạm ứng án phí cho, chứ 400 ngàn còn không có, tôi lấy đâu ra gần 4 triệu”.

Mủi lòng, luật sư Hiếu bỏ tiền đóng tạm ứng án phí. Để chia thừa kế thì cần định giá nhà đất, tốn hết 5 triệu đồng. Biết ông Đôn không có tiền, luật sư Hiếu lại đóng giúp.

Giá trị toàn bộ căn nhà hơn 6,8 tỷ đồng, mảnh đất ruộng hơn 54 triệu đồng. Sau này, tòa nói chỉ hết có bốn triệu, trả lại một triệu, thấy ông Đôn không có tiền tiêu, luật sư Hiếu biếu ông luôn.

Trong một lần anh em xích mích, người em lỡ tay đánh ông Đôn phải nhập viện, chỉ có mình luật sư Hiếu vào ra chăm sóc, đóng viện phí cho thân chủ.

Tiền tỷ sắp vào tay lại chết bất đắc kỳ tử

Tháng 8/2012, tòa xử sơ thẩm. Tòa cho rằng biên bản thỏa thuận phân chia di sản vô hiệu do kê khai sót người thừa kế, việc sang tên giấy đỏ cho người con út cũng vô hiệu theo.

Di chúc của người mẹ là hợp pháp, tuy nhiên, căn cứ theo Bộ luật Dân sự, con đã thành niên mà không có khả năng lao động thì được hưởng 2/3 suất thừa kế theo luật, không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

Ông Đôn vẫn được hơn 367 triệu đồng thừa kế từ mẹ. Người cha không để lại di chúc nên chia theo luật, ông Đôn được 1/8 trong số đó, tức hơn 429 triệu đồng.

Tổng cộng ông Đôn được chia hơn 797 triệu đồng và còn được nhận miếng đất.

Dù bản án đã thấu lý đạt tình, nhưng người em út vẫn kháng cáo. Ngay sau phiên sơ thẩm, linh cảm có chuyện chẳng lành, luật sư đã khuyên thân chủ ra ngoài thuê nhà ở.

Ông Đôn cũng muốn như vậy nhưng vì không có tiền thuê nhà nên cứ nấn ná. Bẵng đi thời gian, không thấy ông Đôn điện, luật sư điện thoại cho ông Đôn thì không liên lạc được. Sốt ruột, vị luật sư lên tòa phúc thẩm hỏi thư ký bao giờ xử thì mới hay vụ án đã đình chỉ do ông Đôn chết mà không có vợ con.

“Bàng hoàng, tôi đi tìm hiểu mới hay khoảng đầu năm 2013, một đêm ông Đôn vào nhà tắm và không bao giờ trở ra nữa… Quãng đời 50 năm của ông Đôn ít có ngày sung sướng, thế mà khi sắp có tiền dưỡng già thì lại chết bất đắc kỳ tử không rõ lý do…”, luật sư Hiếu buồn bã nói.

                                                                                                            Theo Pháp Luật Việt Nam

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây