Bà Trần Thị Thảo, vừa có chồng mất vì căn bệnh ung thư dạ dày, cho biết: “Giếng nước của nhiều hộ dân trong vùng luôn bốc mùi thuốc trừ sâu nồng nặc. Những nhà xung quanh đây đều có người chết vì ung thư, thậm chí có nhà 2-3 người”. Chỉ tay sang nhà bên cạnh, bà Thảo nói tiếp: “Đó là nhà ông Dương Hồng Long. Hố thuốc trừ sâu nằm ngay cạnh nhà ông ấy. Ông Long đang bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Trước đây, bố mẹ ông ấy cũng mất vì ung thư”.
Bi đát hơn là gia đình chị Nguyễn Thị Lý, chồng chị vừa mất vì ung thư để lại 2 con đều bị bại não. Trước đó, bố mẹ chồng của chị Lý cũng mất vì ung thư. “Chồng tôi đang khỏe mạnh, đi làm bình thường thì tự nhiên chảy máu ở miệng. Tưởng do lao lực nên đi lấy thuốc về uống nhưng mãi vẫn không thấy lành. Sau đó, tôi đưa chồng ra Hà Nội khám mới phát hiện ung thư. Được 1 năm thì anh ấy qua đời” - chị Lý buồn bã.
Một người dân khác là anh Dương Hồng Cảnh cho biết: “Cứ về đến đầu làng là đã nghe mùi thuốc sâu nồng nặc. Hầu hết các giếng nước trong thôn đều có mùi thuốc sâu, có khi bơm lên có màu trắng như sữa. Chúng tôi rất sợ khám bệnh bởi ai cũng lo phát hiện ung thư, thấy trong người không khỏe hay có triệu chứng gì là lại ăn không ngon ngủ không yên ”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Hợi, Chủ tịch UBND xã Việt Xuyên, cho biết vào năm 1965, khi Mỹ mở chiến tranh phá hoại miền Bắc, xã Việt Xuyên trở thành kho thuốc bảo vệ thực vật chứa các thành phần như DDT, 666. Trong một trận đánh, kho thuốc bị bom phá tan tành, một lượng lớn thuốc trừ sâu bị phá hủy, phát tán và ngấm xuống lòng đất. Trước đây, do ít hiểu biết, một số người dân ở xã Việt Xuyên và các xã lân cận đã xúc đất nơi kho thuốc trừ sâu về phục vụ nông nghiệp. Một số người còn múc nước ở đây về để gội đầu trị chấy.
Theo Trạm Y tế xã Việt Xuyên, trong 5 năm trở lại đây, làng Trung Trinh có khoảng 20 người chết và một số người cũng đang sống dở chết dở với căn bệnh quái ác này.
Nhiều khả năng do kho thuốc trừ sâu Theo một số nhà nghiên cứu, căn bệnh ung thư nhiều khả năng bắt nguồn từ kho thuốc trừ sâu này bởi hầu hết những người bị bệnh đều sinh sống gần đó. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên. Năm 2007, đoàn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã về kiểm tra, lấy mẫu nước, mẫu đất xét nghiệm và khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước và trồng rau màu trên vùng đất này. Từ đó đến nay, cơ quan chức năng chưa có biện pháp thiết thực giúp người dân vơi bớt nỗi lo” - ông Phạm Quang Hợi cho biết. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn