“Việc trước mắt bây giờ chúng tôi sẽ phải làm việc với các trường ĐHSP Hà Nội và ĐH Luật để xem xét về trường hợp của em. Tuy nhiên, điều khó khăn là hiện tại các trường đã nhập học và học gần hết học kì I. Nếu em Huyền được theo học cũng sẽ rất vất vả khi theo kịp các bạn và phải cố gắng học bù rất nhiều”, ông Nghĩa cho hay.
Cũng theo ông Nghĩa, để Lãnh đạo Bộ có quyết định như thế nào, việc đầu tiên, Cục Khảo thí sẽ phải xác minh tất cả các vấn đề liên quan, chẳng hạn xác định từ địa phương việc không liên lạc được với em trong thời gian xét tuyển, rồi em có đoạt giải HS giỏi quốc gia hay không... Ngoài ra, gia đình cũng phải làm đơn trình bày sự việc của mình, chuẩn bị các giấy tờ như: giấy báo điểm; xác nhận của chính quyền địa phương; giấy khen, bằng khen, biên lai gửi hồ sơ qua bưu điện... để Bộ GD&ĐT xem xét cẩn thận.
Trao đổi với PV Dân trí, em Đặng Thị Huyền xác nhận, đúng là trong chiều 5/11, Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD&ĐT) có chủ động liên lạc với gia đình em. Em rất vui mừng và mong ước được xem xét nguyện vọng theo học một trường nào đó.
Xét hai trường đã đăng kí, em mong ước được vào ĐH luật Hà Nội hơn bởi đó là ước mơ cả đời của em nhằm sau này về đóng góp cho quê hương.
Được biết, ngoài việc đoạt giải quốc gia môn Địa lý, cả 12 năm phổ thông, Huyền đều đạt học sinh giỏi. “Nếu may mắn được vào một trường ĐH nào đó để học tập, cho dù thờii gian học ở trường đã khá lâu nhưng em sẽ nỗ lực hết mình để theo các bạn”, Huyền cho biết.
Như Dân trí đã đưa tin trước đó, sáng 5/11, thông qua báo chí, em Đặng Thị Huyền (học sinh Trường THPT dân tộc nội trú cấp 2- cấp 3 Yên Minh, Hà Giang) đã gửi bức thư đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc vì sao mình đoạt giải quốc gia môn Địa lý, kết quả thi THPT quốc gia thừa xét nguyện vọng khác vào Trường ĐHSP Hà Nội và ĐH Luật Hà Nội nhưng bất ngờ em bị trượt ĐH trong đợt xét tuyển vừa qua.
Nhân dịp được về Hà Nội dự lễ tuyên dương học sinh đạt thành tích xuất sắc vào ngày 4/11 vừa qua, Huyền đã trực tiếp gọi điện đến các trường mới biết nguyên nhân mình trượt là do em không nộp giấy báo điểm nên các trường đều cho rằng, đây là thí sinh ảo nên không gọi nhập học.
Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo Trường PTDT nội trú nơi em theo học xác nhận, gia đình Huyền ở cách trường gần 60km. Trong thời gian xét tuyển, nhà trường đã nhiều lần liên lạc với em nhưng em đã bỏ số điện thoại cũ đăng kí trước đó. Bản thân Huyền cũng xác nhận, số điện thoại của mình bị hỏng nên không ai liên lạc được. Mãi đến khi nhà trường thông qua xã, nhờ chính quyền xã xin được số điện thoại mới của em mới cập nhật được tình hình. Thông qua báo chí, nhà trường cũng rất mong muốn em Huyền được xem xét để theo học một trường ĐH nào đó bởi đây là một trong những học sinh xuất sắc của nhà trường.
Theo Mỹ Hà Dân trí
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn