Bất cập xung quanh việc sáp nhập các ban dự án nông nghiệp ở Hà Tĩnh: Bài 2: Nhìn lại 5 năm tách nhập
Thứ năm - 03/05/2018 11:26
Để có góc nhìn khách quan trên, xin được liên hệ lại câu chuyện tách nhập các cơ quan nông - lâm ở Hà Tĩnh, chuyện thật như đùa mà PV đã từng phản ánh trước đây.
Bài 2: Nhìn lại 5 năm tách nhập
Mặc dầu thời gian thực hiện đã hơn nhiệm kỳ (2012-2018), việc tách nhập các cơ quan nông - lâm của Hà Tĩnh đề ra tưởng rằng suôn sẻ, hiệu quả hơn bởi khi sáp nhập sẽ tinh gọn được bộ máy, năng suất lao động hiệu quả hơn. Ngược lại, sau 5 năm tách nhập, chẳng có gì sáng sủa, bộ máy lãnh đạo thì phình ra, lực lượng lao động ngày một “lụi” dần, nhiều đơn vị lâm nghiệp, nông nghiệp rối bời như gà mắc tóc, mọi chế độ chính sách của người lao động tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các giám đốc công ty phải “chạy bữa” níu kéo để tồn tại bởi nguy cơ giải thể một đơn vị anh hùng.
Để có góc nhìn khách quan trên, PV xin được liên hệ lại câu chuyện tách nhập các cơ quan nông lâm ở Hà Tĩnh chuyện thật như đùa mà PV là người đã từng phản ánh trước đây.
Công văn 44/TTg ngày 10/1/2012 về phương án sắp xếp, đổi mới DNNN thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015 của Thủ tướng Chính phủ gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ rõ: “Duy trì doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đối với 2 công ty lâm nghiệp - dịch vụ Hương Sơn và lâm nghiệp - dịch vụ Chúc A…”. Thế nhưng, tỉnh Hà Tĩnh lại làm khác…
Lâm nghiệp Hà Tĩnh đi đâu, về đâu?
Mặc dù các quyết định và thông tư của Chính phủ đều được ban hành đầu năm 2012 trên cơ sở từ các quyết định, thông tư trước đây để định hình cho sự nghiệp phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2012-2020, rất chặt chẽ, hợp lý. Thế nhưng, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh thời bấy giờ lại có những tham mưu cho tỉnh không phù hợp, thậm chí còn ngược lại với một số quy định hiện hành. Việc giải thể, sáp nhập một số đơn vị sự nghiệp trong ngành NN-PTNT nói chung, hệ thống ngành lâm nghiệp nói riêng, nguy cơ gây nên áp lực lớn với thực tế công việc hiện tại.
Nói về việc giải tán 2 Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) liên quan đến công tác phòng hộ là Ban QLRPH Thạch Hà và Ban QLRPH Cẩm Xuyên là một ví dụ. Đây là 2 lâm trường truyền thống đã góp phần làm nên những kỳ tích xây dựng vốn rừng bền vững, đưa độ che phủ rừng Hà Tĩnh đạt trên 53%, nằm trong tốp cao nhất nước. Đặc biệt, 2 lâm trường này đã góp phần xây nên những “thành luỹ” vững chắc của rừng phòng hộ Kẻ Gỗ - lá phổi xanh của Hà Tĩnh cũng như miền Trung. Thế nhưng, cuối năm 2011, Sở NN-PTNT làm đề án tham mưu cho HĐND tỉnh Hà Tĩnh giải tán cả 2 lâm trường (nay là Ban QLRPH) với lý do tinh giản biên chế.
Trước khi giải tán, hai đơn vị này đều có bề dày truyền thống của ngành lâm nghiệp Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng; một nửa diện tích rừng và đất lâm nghiệp đang quản lý cũng như cán bộ, CNV của Ban QLRPH Cẩm Xuyên chuyển sang cho Ban QLRPH Nam Hà Tĩnh, còn một nửa sáp nhập với BQL Khu BTTN Kẻ Gỗ. Đối với Ban QLRPH Thạch Hà, một nửa giao cho BQLRPH Ngàn Sâu (Hương Khê), còn một nửa giao cho BQL khu BTTN Kẻ Gỗ.
Khi biết được chủ trương tách nhập, nhiều cán bộ thâm niên trong ngành lâm nghiệp tâm sự: “Lâu nay, chúng tôi luôn làm tốt sứ mệnh của mình; cơ quan cũng như anh em đang ổn định, yên tâm công tác và tâm huyết hết sức mình cho sự nghiệp phát triển rừng. Nhưng bỗng nhiên, nay lại bị chia tách, tan đàn xẻ nghé, đảo lộn tất cả, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của anh em. Với cách làm trên của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, là người công nhân lâm nghiệp gắn bó cả đời mình cho sự nghiệp phát triển rừng, tôi cảm thấy đó là cách làm vội vàng, trong khi các chủ trương của Nhà nước đang tập trung phát triển bền vững cho ngành lâm nghiệp mà ở Hà Tĩnh lại giải tán cả 2 đơn vị trồng và quản lý rừng phòng hộ. Biết rằng, giải tán để sáp nhập tiếp tục phát triển nhưng chúng tôi đang hoạt động rất tốt nên việc giải tán này là không nên, chỉ làm nhụt chí hướng chứ chưa hẳn kích thích phát triển”.
“Vừa đá bóng vừa thổi còi”
Năm 2007, thực hiện Nghị định 119/NĐ-TTg của Chính phủ đưa Chi cục Kiểm lâm trực thuộc tỉnh về Sở NN-PTNT, cả hai Chi cục Kiểm lâm và Lâm nghiệp thuộc Sở đều hoạt động có hiệu quả, góp phần đắc lực trong việc bảo vệ, phát triển rừng Hà Tĩnh, được Bộ NN-PTNT đánh giá là một trong những địa phương làm tốt nhất về công tác phát triển rừng bền vững.
Thế nhưng, Nghị quyết 26, kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Hà Tĩnh ngày 14/12/2011 lại thống nhất ra chủ trương sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm. Theo đó, ngày 10/2/2012, Sở NN-PTNT tổ chức một Hội nghị do ông Đặng Ngọc Sơn – Giám đốc Sở NN-PTNT (nay là Phó chủ tịch UBND tỉnh), thời bấy giờ chủ trì bàn về công tác tổ chức của ngành Lâm nghiệp Hà Tĩnh, bao gồm các cán bộ lão thành của ngành, các đơn vị cơ sở chủ rừng, lãnh đạo Chi cục cùng các phòng ban và lãnh đạo Sở… Đa số đại biểu dự họp không đồng ý nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Kiểm lâm.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại Hà Tĩnh đang theo hướng sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm. Điều này đi ngược lại với lịch sử, ngược với các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn về hoạt động lâm nghiệp, bởi lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật, một ngành sản xuất vật chất độc lập, còn kiểm lâm đơn thuần chỉ là lực lượng chuyên trách của nhà nước có chức năng bảo vệ rừng như trong Điều 79, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 đã quy định, là công cụ của ngành lâm nghiệp và như vậy, kiểm lâm chỉ là một bộ phận của hoạt động lâm nghiệp.
Việc sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm, ngay từ tên gọi đã có những bất cập. Về tên gọi của một cơ quan đơn vị cần phải xác định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ có tính pháp lý được ngành đó quy định; nó phản ánh bản chất hoạt động của các lĩnh vực trong ngành và phù hợp với tổ chức, bộ máy chỉ đạo theo ngành dọc từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời, tên gọi phải đảm bảo yêu cầu hội nhập, hợp tác, cũng như tham gia các hoạt động quốc gia, quốc tế về lĩnh vực lâm nghiệp để kêu gọi, thu hút đầu tư của các tổ chức quốc tế và trong nước cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Mặt khác, kiểm lâm có một hoạt động đặc thù riêng có liên quan đến chức năng xử lý hành chính và tổ chức điều tra hình sự đối với các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Do đó, việc sáp nhập 2 Chi cục này thành Chi cục Kiểm lâm là không đúng bản chất cơ quan quản lý nhà nước của ngành Lâm nghiệp và không phù hợp vì nó không phản ánh, không thể hiện được tính bao trùm toàn diện các hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động lâm nghiệp như phát triển, khai thác, sử dụng rừng… Ngoài ra, theo cơ cấu thượng tầng, ở Trung ương có Tổng cục Lâm nghiệp thì kiểm lâm là một cục trong 9 Cục, Vụ, Viện của Tổng cục chứ không có... Tổng cục Kiểm lâm.
Chuyện tách tách, nhập nhập thời đó đang gây nhiều bàn tán ở Hà Tĩnh. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên nhập hai chi cục này lại mà cứ để nguyên như thế mà hoạt động. Có người nói vui rằng nếu có nhập thì phải hợp nhất Chi cục Kiểm lâm vào Chi cục Lâm nghiệp, lấy tên là Cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh cho... oách, và may ra còn hợp lý hơn, bởi lẽ, công việc chính hiện nay là phát triển và sử dụng rừng (thuộc chức năng của Lâm nghiệp).
Ngoài việc sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh còn tham mưu cho UBND tỉnh nhập Phòng Trồng trọt vào Chi cục BVTV; Phòng Chăn nuôi vào Chi cục Thú y và tách các Trạm thú y, Trạm BVTV, Trung tâm Chuyển giao khoa học công nghệ về huyện quản lý… Chủ trương tinh giản bộ máy hành chính, giảm biên chế để hoạt động có hiệu quả không có gì phải bàn, nhưng ngược lại, nếu không cân nhắc kỹ càng, thiếu lộ trình sẽ gây ảnh hưởng lớn cho sự nghiệp phát triển của ngành. Và sau 5 năm là những bất cập.
Về mặt pháp lý, việc nhập Lâm nghiệp sang Kiểm lâm cũng không phù hợp với Luật Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.