Trong lần trao đổi gần đây với Đại tá Hàn Thụy Vũ – là người đã nhiều năm đi tìm hài cốt liệt sỹ, hiện là Phó chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lí, Viện nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), ông cung cấp cho chúng tôi tư liệu, hình ảnh thực hư về chuyến tìm kiếm mộ của nhà văn Nam Cao bằng năng lực ngoại cảm của Phan Thị Bích Hằng.
Là người chứng kiến khả năng ngoại cảm của Phan Thị Bích Hằng từ năm 1993 khi cùng đi tìm hài cốt liệt sỹ ở Non Nước, Ninh Bình, Đại tá Hàn Thụy Vũ khẳng định Phan Thị Bích Hằng có khả năng và công rất lớn trong việc tìm mộ liệt sỹ trong những năm qua.
Theo ông, việc đưa thông tin về kết quả giám định của Viện pháp y quân đội về những mẫu hài cốt được tìm bằng ngoại cảm chỉ bằng 0 là “sự phỉ báng cực kỳ vô luân đối với vong linh liệt sỹ”.
Dẫn chứng về công lao tìm mộ của Phan Thị Bích Hằng, Đại tá Hàn Thụy Vũ đưa cho chúng tôi xem hình ảnh cũng như chi tiết hành trình tìm mộ nhà văn Nam Cao năm 1996 trong chương trình mang tên “Tìm lại Nam Cao” được Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam tổ chức với nhiều cơ quan tham gia.
Sau nhiều năm, mộ Nam Cao được chuyển tới nghĩa trang Gia Viễn - Ninh Bình và bị thất lạc trong hơn 48 ngôi mộ chưa rõ tên tuổi khác. Dẫn chứng về lời khẳng định này, Đại tá Hàn Thụy Vũ cung cấp cho chúng tôi bản viết tay của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.
Đại tá cho biết: “Ngày 23/11/1996 khi UIA (Liên hiệp Khoa học - Công nghệ thông tin ứng dụng ) tham gia chương trình tìm lại phần mộ liệt sỹ nhà văn Nam Cao. Tôi đề nghị mời Phan Thị Bích Hằng tham gia. Được sự đồng ý, tôi đến gặp cháu Hằng.
Tôi cung cấp cho cháu Hằng một ảnh chân dung liệt sỹ - nhà văn Nam Cao, ngày sinh ngày mất của liệt sỹ. Ngay trong đêm đó cháu Hằng khảo sát bước 1.
Trên đây là toàn văn bản đầu tiên Bích Hằng cung cấp cho UIA vào sáng ngày 24/11/1996. Văn bản này được niêm phong (có trao 1 bản cho anh Phạm Văn Thiêm, con trai nhà văn và chỉ được mở khi khảo sát bước 2 tại thực địa”.
Toàn văn bản viết tay của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng trong việc tìm mộ Nam Cao.
Cũng theo Đại tá, chương trình tìm mộ Nam Cao đã sử dụng 8 nhà ngoại cảm. Lúc đó, ông đề nghị các nhà ngoại cảm làm việc độc lập đêm ngày 23/11/1996 và sáng sớm hôm sau trước khi lên ô tô, ai muốn tham gia thì nộp lại phong bì chứa văn bản đưa cho con trai cả nhà văn.
Khi xuống dưới Ninh Bình, chúng tôi tiến hành cuộc họp trong đó có cả tỉnh ủy Ninh Bình và đông đảo người dân chứng kiến. Lúc đó, chúng tôi mới xé phong bì ra đọc, trong những văn bản nhận được, thông tin mà Bích Hằng cung cấp đạt tỷ lệ cao nhất, xác định được mộ (Nghĩa trang liệt sỹ Gia Viễn, Ninh Bình).
“Bích Hằng có nói đêm hôm ấy gặp ông Nam Cao, kể lại chuyện và vẽ bản đồ. Trong bản viết tay cháu Hằng ghi: "số mộ của ông trùng lặp với số tuổi đời khi ông hy sinh. Chỉ khác là số mộ có thêm số 0 ở giữa". Cứ theo đấy mà suy thì số mộ là 306...”, Đại tá kể lại.
Dựa vào những chỉ dẫn gần như chính xác tuyệt đối đó, mộ liệt sĩ nhà văn Nam Cao đã được tìm thấy. Đại tá khẳng định, không thể phủ nhận vai trò của Phan Thị Bích Hằng trong việc tìm hài cốt nhà văn Nam Cao.
“Những cống hiến, thành tích của Bích Hằng trong tìm mộ và hài cốt liệt sĩ là không thể phủ nhận sạch trơn. Các nhà ngoại cảm có sự đóng góp quan trọng cùng các nhà khoa học trong việc tìm mộ và hài cốt liệt sĩ của Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người”, Đại tá nhấn mạnh.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn