Bài 2: Hành trình khám phá vụ án tham ô tài sản tại Công ty Cao su Hà Tĩnh

Thứ sáu - 09/06/2017 09:41
Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đã bị khởi tố, 3 bị can liên quan đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, phía sau vụ án là một hành trình dài thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ của cơ quan điều tra và cả cơ quan báo chí.

Trần Ngọc Sơn bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra

Như Đời sống & Tiêu dùng đã đưa tin, ngày 27/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, công an tỉnh Hà Tĩnh đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Ngọc Sơn - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh vì đã có hành vi cấu kết lập hồ sơ khống rút 5,2 tỷ đồng của Nhà nước.

Nguyễn Văn Hà lúc bị bắt
Ngô Đăng Khoa bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra

Liên quan đến vụ án này, trước đó Cơ quan Cảnh sát điều tra, công an tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Hà (SN 1971, trú tại tỉnh Hải Dương) - Giám đốc Công ty Đại Phát và Ngô Đăng Khoa (SN 1973) - nguyên Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) để phục vụ công tác điều tra.

 

Có thể nói đó là kết quả bước đầu của việc điều tra, làm rõ hành vi tham nhũng của nhóm đối tượng, được người dân hoan nghênh, đặc biệt là những người dân ở khu vực rừng phòng hộ Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh – những người đã vất vả đứng lên phản ánh, tố cáo sự việc đến các cơ quan chức năng.

 

Từ những lá đơn kêu cứu…

 

Cách đây đúng một năm về trước, tháng 9/2013, Ban biên tập Báo Đời sống & Tiêu dùng nhận được đơn của hàng chục hộ dân xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên phản ánh về vụ việc 51 hộ dân ở xã này bị mạo danh hồ sơ nhận tiền đề bù hỗ trợ trồng cây cao su với số tiền 2,52 tỷ đồng, nhưng họ không hề nhận được một đồng tiền nào như trong hồ sơ.

 

Theo phản ánh, năm 2010 Công ty Cao su Hà Tĩnh vào nhận đất trồng cao su với chủ trương thu đất của dân thanh toán tiền đền bù sòng phẳng. Song công ty này đã thanh toán khống cho các hộ gia đình, hộ nhiều nhất là 405 triệu, hộ ít nhất là 18 triệu. Từ những phản ánh này, nhóm phóng viên Đời sống & Tiêu dùng đã nhanh chóng vào cuộc điều tra và nhận định, nội dung phản ánh của người dân là có cơ sở.

 

Xác định những chứng cứ thu thập được từ sự vụ việc có dấu hiệu là một vụ án tham nhũng, Ban biên tập báo Đời sống & Tiêu dùng đã quyết định tiếp tục cử phóng viên điều tra, thu thập chứng cứ đồng thời hướng dẫn người người dân tố cáo sự việc lên Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về tham nhũng (C48, Bộ Công an) để vụ việc sớm được làm sáng tỏ.

 

Suốt trong một thời gian dài cơ quan điều tra vào cuộc, Báo Đời sống & Tiêu dùng luôn theo dõi, cung cấp những thông tin, chứng cứ quan trọng phục vụ công tác điều tra. Đến tháng 31/7/2014, Cơ quan điều tra Bộ công an đã quyết đinh khởi tố vụ án hình sự Tham ô tài sản, quy định tại điều 278- Bộ luật hình sự, xảy ra tại Công Ty TNHH MTV Cao su Hà TĨnh và phối hợp với phòng PC46 công an Hà Tĩnh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 người liên quan.

 

… đến “màn kịch” được hé lộ

 

Theo cơ quan điều tra, năm 2010, Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh triển khai dự án đầu tư trồng rừng cao su trên 1.000 ha tại địa phận các xã: Cẩm Mỹ, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên), nhưng diện tích đất này lại trùng với khu vực trước đó UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp cho Công ty chế biến gỗ xuất khẩu Đại Phát để lập dự án đầu tư phát triển nguyên liệu và chế biến gỗ.


Trước tình hình này, ông Trần Ngọc Sơn với tư cách là Giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh đã cùng trợ lý của mình là Nguyễn Thanh Bình thông qua Ngô Đăng Khoa, tiến hành thương lượng với ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty Đại Phát lập hồ sơ khống nhằm trục lợi.


Ngay sau đó, Công ty Cao su Hà Tĩnh đã thống nhất bồi thường, hỗ trợ cho Công ty Đại Phát 3,5 tỷ đồng; hỗ trợ BQL rừng phòng hộ Cẩm Xuyên 1,7 tỷ đồng.

 

Nhằm ém nhẹm vụ việc, ông Khoa yêu cầu số tiền 1,7 tỷ đồng chuyển cho BQL rừng phòng hộ Cẩm Xuyên phải thực hiện chuyển vào tài khoản của Công ty Đại Phát.

 

Đầu tháng 4/2010, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh chuyển vào tài khoản của Công ty Đại Phát 5,2 tỷ đồng, trong đó 3,5 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ cho Công ty Đại Phát, 1,7 tỷ đồng được rút chia cho ông Khoa 1,2 tỷ và ông Sơn 500 triệu đồng.

 

Số tiền nhận được, Công ty Đại Phát lập danh sách chi cho “chi phí đầu tư trên diện tích thu hồi các hộ dân giao khoán trồng rừng nguyên liệu”. Các giấy tờ liên quan thể hiện người dân đã nhận tiền dần được thiết lập, con số chi đền bù lên đến hàng tỷ đồng… Nhưng lạ thay, người dân không hề hay biết rằng mình được nhận đền bù chứ chưa nói đến việc họ cầm được một xu tiền đền bù hỗ trợ!

 

Trên thực tế, thời điểm đó công ty Đại Phát chưa đầu tư gì trên diện tích trồng rừng nguyên liệu tại địa phương này. Số diện tích đất này do người dân xã Cẩm Mỹ trực tiếp trồng rừng và bảo vệ rừng theo các dự án trồng rừng nguyên liệu và dự án trồng rừng 661 của nhà nước, thuộc BQL rừng phòng hộ Cẩm Xuyên quản, bảo vệ.

 

Vụ án đang được điều tra mở rộng, những kẻ cố tình làm khống hồ sơ để trục lợi trên công sức, mồi hôi, máu và nước mắt của người dân chắc chắn sẽ bị xử lý. Thế nhưng, hậu quả đau xót của vụ án vẫn còn hiện hữu khi một rừng thông thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn đã bị phá để trồng cây cao su. Nhưng do không hợp khí hậu và thổ nhưỡng nên giờ khu đất rừng ấy vẫn chỉ là những quả đồi trọc. Kết quả là, những gốc keo già trơ gốc, cây cao su thì chưa kịp lớn. Dự án thì được báo cáo là đã hoàn thành và kết thúc, tiền đã chi nhưng người dân vẫn không hề biết và không hề nhận được một xu!

 

Điều 278. Tội tham ô tài sản

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

 

        a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

        b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

        c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

 

        a) Có tổ chức;

        b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

        c) Phạm tội nhiều lần;

        d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

        đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

 

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

 

        a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

        b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

 

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

 

        a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

        b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

 

    Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Đời sống & Tiêu dùng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây