Bài 2: Dự án thép nghìn tỷ ‘hoang hóa’ như thế nào?

Thứ ba - 06/06/2017 15:46
Theo cam kết của Cty CP Gang thép Hà Tĩnh (Cty), nhà máy thép Vạn Lợi sẽ sản xuất ra sản phẩm đầu tiên vào tháng 10/2008. Thế nhưng, sau mốc thời gian đó 5 năm, đến nay, toàn bộ nhà máy vẫn chỉ là đại công trường sắt gỉ phơi sương nắng.
Niềm tự hào thành nỗi thất vọng

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Cty đã bắt tay vào khởi động dự án xây dựng nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi tại KKT Vũng Áng. Dự án được khởi công vào ngày 16/6/2007.

Theo lộ trình cam kết của nhà đầu tư với tỉnh, thì sau 14 tháng kể từ ngày khởi công, nhà máy sẽ sản xuất thử ra gang thỏi thương phẩm vào tháng 8/2008. Và đến tháng 1/2009, sẽ sản xuất ra phôi thép thương phẩm.

Khung cảnh rêu hoang từ những hạng mục dở dang tại Nhà máy thép Vạn Lợi được đầu tư trên 1000 tỷ bỏ không gần 3 năm nay.

Dự án được đầu tư hoành tráng đã thu hút được sự quan tâm, đặc biệt là người dân các xã nghèo ở Kỳ Anh rất mong chờ việc nhà máy đưa vào hoạt động sẽ giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.

Thời điểm đó, việc dự án được khởi công rồi rầm rập xây dựng khiến cho người dân Hà Tĩnh nói chung và Kỳ Anh nói riêng đỗi rất tự hào vì Hà Tĩnh sắp có nhà máy luyện thép công suất giai đoạn hai lên tới 500.000 tấn/năm.

Thế nhưng, tiến độ cam kết đã dần dần không thực hiện được. Và cho đến cuối năm 2010 thì dự án chính thức bị đình trệ. Theo ông Hoàng Văn Dũng, GĐ Cty thì việc dự án bị đình trệ là tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là thiếu vốn trầm trọng.

Và kể từ sau thời điểm đó, đến nay đã gần 3 năm, dự án vẫn “bất động đậy”, cảnh tượng ngày càng buồn thảm hơn.

Những ai từng đến KKT Vũng Áng trong những năm vừa qua đều không khỏi xót xa khi nhìn thấy cảnh tượng hoang phế của nhà máy thép công suất lớn, từng là niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh này.

Những lần gia hạn, “dọa” rút giấy phép đầu tư của UBND tỉnh nhưng rốt cục dự án vẫn nằm im.

Toàn bộ dự án im lìm, những hạng mục công trình dang dở dần hoen úa một màu xám xịt. Hàng trăm thiết bị máy móc có trị giá hàng chục đến hàng trăm tỷ nằm lăn lóc, “thi gan cùng tuế nguyệt” trong 3 năm.

Theo như kỳ vọng và cam kết của nhà đầu tư thì đến thời điểm này dự án đã vào hoạt động được 3 năm, cả nhà máy đã là một đại công trường sôi động với hàng trăm con người lao động.

Thế nhưng, giờ chỉ có duy nhất người bảo vệ đang canh giữ những thiết bị đắt tiền là đang “có việc”. Còn lại thì đã tản mác đi đâu chẳng rõ.

Từ chỗ là niềm tự hào, giờ đây ai vào KKT Vũng Áng đều không muốn nhìn thấy cảnh tượng hoang hóa của nhà máy. Nó đã trở thành nỗi thất vọng từ lâu vì chưa kịp hoàn thành đã “chết yểu”.

Vay ngân hàng hơn 700 tỷ

Sau những khó khăn của dự án dẫn tới nhà máy thép Vạn Lợi bị dừng lại, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng các cơ quan liên quan đã rất nhiều lần tổ chức các cuộc họp với chủ đầu tư, các ngân hàng để tìm cách tháo gỡ.

Tuy nhiên, họp vẫn họp, thông báo vẫn ban hành nhưng dự án vẫn nằm im lìm.

Hàng đống thiết bị tiền tỷ phơi sương phơi nắng mấy năm nay.

Gần như trong tất cả các văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh đều có câu: Chủ đầu tư, các cổ đông thiếu quyết tâm trong việc tìm giải pháp khắc phục khó khăn nên dự án bị đình trệ, quá chậm so với tiến độ.

“Điều đó đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của dự án, môi trường đầu tư, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động, uy tín của các ngân hàng cho vay vốn và đời sống của người lao động”.

Thậm chí, trong nhiều văn bản ban hành và mới đây nhất là thông báo kết luận cuộc họp ngày 15/6, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhiều lần gia hạn thời gian cho chủ đầu tư tìm phương án để tái khởi động trở lại, nếu không tỉnh sẽ yêu cầu các cơ quan có chức năng hoàn thiện thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi nợ, thành lập hội đồng thanh lý...

Tuy nhiên, những động thái trên đây của địa phương không được chủ đầu tư thực hiện hoặc không thể thực hiện. Nguyên nhân được đưa ra vẫn là vốn.

Nói về vấn đề trên, ông Hoàng Văn Dũng, GĐ Cty CP Gang thép Hà Tĩnh cho biết: Dự án chắc chắc phải tiếp tục triển khai, vấn đề là đang chờ các cổ đông mới họ vào đầu tư, tuy nhiên bao giờ triển khai trỏ lại thì đang còn phải chờ.

“Câu chuyện bây giờ là phải làm tiếp dự án, chứ thu hồi giấy phép đầu tư thì giải quyết được việc gì? Việc xử lý tiếp mới phức tạp chứ thu hồi thì quá đơn giản”, ông Dũng khẳng định.

Với số tiền hơn 700 tỷ tiền vay ngân hàng, ông Dũng khẳng định sẽ không là vấn đề khi nhà máy đi vào hoạt động. Và hiện Cty đang tập tập trung để tiếp tục triển khai, chờ sự đầu tư từ các cổ đông mới.

Được biết, trong số hơn 700 tỷ tiền vay ngân hàng thì có hơn 600 tỷ đồng vay tại Ngân hàng phát triển VN – Chi nhánh Hà Tĩnh, số còn lại là Ngân hàng BIĐV và Vietcombank.

Theo Duy Tuấn - Trần Văn (VNN)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây