Bà Quýnh những ngày bị con đuổi, phải ở nhờ hàng xóm
Nước mắt mẹ già
Câu chuyện đau lòng của bà lão quá cố vẫn còn được ghi lại trong lá đơn kêu cứu cách đây hai năm bà gửi lên lãnh đạo huyện. Lá đơn ghi: “Tôi sinh ra và lớn lên, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái ngay trên mảnh đất tại thôn Xuân Dừa, nuôi dạy các con khôn lớn rồi dựng vợ gả chồng cho chúng. Thế nhưng đứa con tôi tên Võ Văn Thái lại bất hiếu ngang tàng, lén lút làm sổ đỏ mang tên mình, đập phá nhà thờ họ để lấy đất bán. Chính đứa con này đã đẩy tôi ra khỏi nhà, biến tôi thành vô gia cư phải sống nhờ vả hết nhà này sang nhà khác”.
Khi còn sống bà Quýnh già lão đã đau đớn vì bị con trai giở mọi trò hắt hủi. Ban đầu bà lão giấu kín chuyện không nói với ai vì nghĩ “con dại cái mang”, cho đến khi Thái làm được sổ đỏ sở hữu mảnh đất bán cho người khác và đập phá nhà thờ thì bà lão mới hoảng hốt làm đơn kêu cứu.
Từ lúc ấy người làng mới hiểu nỗi đau mà bà lão phải âm thầm chịu đựng: “Chiếc võng tôi thường dùng bị con dâu cắt dây cho gần đứt để khi tôi nằm bị ngã. Điện thắp sáng nó cắt không cho tôi dùng. Ảnh tôi treo trên tường, quần áo tôi mặc chúng lấy xuống vứt ra ngoài. Chúng cấm không cho tôi nấu ăn trong nhà. Cuối cùng chúng nói tôi đầu độc gia đình nó để lấy cớ đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi thật sự khổ tâm vì cách đối xử thất đức của thằng con trai mà tôi đã trót sinh ra nhưng nuôi dạy không thành”.
Theo đơn trình bày gửi tới các cơ quan chức năng, bà Quýnh vốn là người đứng tên sử dụng hợp pháp mảnh đất của cả gia đình gồm hai thửa đất rộng hơn 1.000 m2. Cách đây 27 năm, người con trai thứ của bà Quýnh là Võ Văn Thái đi bộ đội về lập gia đình, được mẹ cho ở cùng. Thời gian sau đó bà cắt một phần đất để cho dòng họ dựng nhà thờ, riêng bà làm túp lều tạm bên cạnh để tiện bề hương khói cho tổ tiên.
Từ đó cho đến khi xảy ra chuyện, bà vẫn sinh sống và bán hàng quán trên mảnh đất của mình. Chỉ đến khi vợ chồng con trai ngang nhiên đập phá nhà thờ, cắt đất bán và kiếm cớ gây sự đuổi mẹ đi, bà Quýnh mới tá hỏa phát hiện con mình đã được chính quyền cấp quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất bằng cách nào đó mà không hề thông qua ý kiến của bà.
Xảy ra chuyện, những người con khác của bà Quýnh còn “tố” trước đó em dâu mình lừa gọi điện cho anh chị nói rất ngọt: “Các bác gửi tiền về để vợ chồng em xây cho mẹ ngôi nhà cạnh nhà em để tiện phụng dưỡng mẹ khi tuổi già”. Ai ngờ sau khi lấy tiền xây nhà xong, vợ chồng người em lại tìm mọi cách gây sự khiến bà mẹ không thể sống nổi, buộc phải cất bước ra đi.
Vì mảnh đất này mà đứa con đã lập mưu đuổi mẹ khỏi nhà
Phẫn uất kỳ án không tình người
Khi còn sống, bà lão Quýnh đã nhiều lần gửi đơn tố cáo những cán bộ cấp xã, huyện địa phương này đã tiếp tay cho con trai bà “qua mặt” gia đình để lén làm sổ đỏ. Mặc kệ bà lão lưng còng ngày ngày lụi cụi đứng trước cổng ủy ban ngóng chờ sự giúp đỡ, chính quyền địa phương này đưa ra hàng chục trang văn bản liên tục bênh vực quyền sở hữu hợp pháp của người con trai trên mảnh đất do chính bà mẹ tạo lập.
Khẩn thiết van nài, kêu cứu, xin giúp đỡ đều không được, ngoài đứa con bất trị thì những người con khác của bà Quýnh đều đã sinh sống ở nơi xa. Ròng rã gần 3 năm trời bà cụ ngoài 80 tuổi còng lưng vác đơn lên khắp các cơ quan chức năng nhưng hoàn toàn cô độc, các cấp chính quyền từ xã đến huyện đều đứng về phía đứa con trai bất hiếu. Cực chẳng đã, bà Quýnh bước sang tuổi 84 đã phải “đâm đơn” kiện ông Chủ tịch huyện đã lấy đất của bà cấp cho con trai mình và yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên.
Việc một bà lão nông dân dám gửi đơn “tuyên chiến” với UBND huyện đã làm dư luận địa phương được phen xôn xao. Người dân vẫn gọi tắt vụ kiện của bà Quýnh là vụ án “nghịch tử”, gây phẫn nộ nhất là chính quyền lại đứng ra bênh vực đứa con bất hiếu xua đuổi mẹ ruột của mình bằng hàng loạt các văn bản, các đợt thanh tra kiểm tra. Cuối cùng thì đất của mẹ nhưng chính quyền lại vẫn cấp sổ đỏ cho con, nhờ “lá bùa hộ mệnh” này, đứa con đã tác oai tác quái đuổi mẹ ra khỏi nhà, cấm cửa không cho anh em được về nhang khói cho tổ tiên.
Bước sang tuổi 84, bà Quýnh kêu cứu mãi vô vọng đành ngậm ngùi khăn gói ra mộ chồng thắp nén nhang rồi ôm mặt khóc nức nở. Cùng đường, bà lão thất thểu rời quê vào tận Đắk Lắk sống tạm. Nỗi phiền muộn về đứa con tệ bạc khiến bà lão ngày một héo hon. Sợ không chờ được đến ngày về quê hầu kiện, bà đã viết di chúc trao lại toàn bộ đất đai tại Hà Tĩnh cho một người con trai được bà tin tưởng tên Võ Tá Đường, hiện là quân nhân ở Đà Nẵng.
Đơn kêu cứu của bà lão tội nghiệp trước khi chết
Trong di chúc, bà ghi rõ một thửa đất được dành để xây nhà thờ họ đúng như tâm nguyện của bà khi còn sống, người con trai tên Đường chỉ là người đứng tên để tránh xảy ra tranh chấp; thửa còn lại mới cho anh Đường được toàn quyền sử dụng. Bà lâm bệnh và qua đời vào tháng 5/2012, khi nước mắt còn đọng trên gò má răn reo, đôi mắt bà các con vuốt mãi mới chịu khép; có lẽ vì nỗi đau nghịch tử. Người con trai tiếp nhận di chúc của bà, đồng thời cũng “gánh” luôn vụ kiện chưa hẹn ngày xử.
Đầu tháng 7/2012, hơn hai tháng sau khi mẹ trút hơi thở cuối cùng, vụ án mà trước đó bà mẹ đứng tên nguyên đơn mới được đưa ra xét xử phiên sơ thẩm tại Tòa án nhân dân huyện Lộc Hà. Thay thế người mẹ tội nghiệp đã chết ở vị trí nguyên đơn, nay là người con trai Đường “chiến đấu” với người anh của mình. Anh này đã xin nghỉ phép về quê để tiếp tục cuộc chiến pháp lý còn dang dở từng làm cho mẹ anh phải sức tàn lực kiệt.
Tại phiên sơ thẩm, đối diện với người anh em ruột và bản di chúc của người mẹ quá cố, bị đơn Thái nghi ngờ tính xác thực của bản di chúc, “đòi” giám định chữ ký của mẹ và đề nghị dừng phiên tòa. Yêu cầu này đã được Tòa chấp nhận, nghĩa là vụ án hi hữu kéo dài đến hai đời này vẫn đang tiếp diễn.
Trong khuôn khổ bài báo này, Pháp luật & Thời đại không đề cập sâu đến khía cạnh pháp lý của vụ án vì nỗi đau đạo lý của vụ việc đã quá lớn; và trước tiên xét ở khía cạnh này, đứa con đuổi mẹ ra khỏi nhà ngày cuối đời đã “thua toàn diện” khi chà đạp lên đạo lý làm người, chà đạp lên phong tục tập quán của dân tộc.
Có pháp luật nào bảo vệ những đứa con bất hiếu?. Bà mẹ đã qua đời, nay thắng kiện hay thua kiện thì với người chết cũng chẳng có nghĩa lý gì. Điều quan trọng là người ta mong chờ vào sự công minh của pháp luật, sự chiến thắng của đạo lý để cuộc đời không còn những bà mẹ khác chết không nhắm được mắt vì những đứa con không tim. Người ta cũng có quyền đặt câu hỏi: Trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương này ở đâu trông vụ án băng hoại đạo đức, xôn xao dư luận này?.
Theo Pháp Luật VN