Điền kinh - môn thể thao thành công nhất
Sự kiện quốc tế lớn nhất trong năm 2017 của Thể thao Việt Nam là SEA Games 29 tại Malaysia. Đoàn thể thao nước nhà giành tới gần 60 huy chương Vàng và bảo vệ được mục tiêu Top 3. Dấu ấn chuyên môn nổi bật chính là thành công của điền kinh - môn thể thao cơ bản nhất trong hệ thống thi đấu Olympic, cùng với bơi lội được xem là thước đo chuẩn cho mỗi nền thể thao quốc gia.
Trong số 59 HCV - 49 HCB - 60 HCĐ của đoàn Thể thao Việt Nam có được tại đại hội, điền kinh dẫn đầu khi đóng góp đến 17 HCV, 11 HCB, 6 HCĐ. Và không chỉ là đội tuyển thể thao giàu thành tích nhất, điền kinh Việt Nam lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu khu vực Đông Nam Á kể từ khi thể thao nước nhà bắt đầu trở lại đấu trường khu vực khi bỏ xa đối thủ số 1 là Thái Lan tới 8 HCV, thậm chí chiếm 1/3 số HCV điền kinh của SEA Games 29.
Thành công của điền kinh cùng sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ xuất sắc như: Tú Chinh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh... chứng tỏ sự đúng đắn trong chiến lược phát triển dựa trên nền tàng các môn thể thao cơ bản của Việt Nam.
Lê Văn Công - Gương mặt xuất sắc nhất
Bằng ý chí và nghị lực phi thường, nhà vô địch Paralympic Lê Văn Công tiếp tục tỏa sáng để trở thành gương mặt thể thao số 1 trong năm 2017. Tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á - ASEAN Para Games tại Malaysia, Lê Văn Công đã bảo vệ thành công chức vô địch cử tạ ở hạng cân sở trường 49kg với kỷ lục mới. Chưa dừng lại ở đó, tại giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới diễn ra tai Mexico vào tháng 11 vừa qua, chàng lực sĩ khuyết tật người Hà Tĩnh xuất sắc giành HCV ở mức 183,5kg để phá kỷ lục thế giới của chính mình đã từng lập tại Paralympic 2016. Dù chỉ là VĐV khuyết tật, nhưng bằng kỳ tích vừa rồi, Lê Văn Công đã trở thành gương mặt xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam khi sở hữu đủ các danh hiệu vô địch: Đông Nam Á, châu Á, thế giới và Olympic cùng kỷ lục thế giới.
U22 - Thất bại cay đắng nhất
Đến với SEA Games 29, đội tuyển U22 Việt Nam được dẫn dắt bởi ông thầy nội đầy cá tính Nguyễn Hữu Thắng cùng những gương mặt trẻ tài năng bậc nhất trong khoảng hơn 1 thập kỷ trở lại đây như: Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đức Chinh... và sự kỳ vọng cũng là có thật khi U22 Việt Nam mở màn thắng dễ Campuchia, Timor Leste, Philippines, rồi hòa Indonesia để chỉ cần có 1 điểm trước Thái Lan là vòng bán kết.
Nhưng rồi ở trận cầu quyết định ấy, U22 Việt Nam thua thảm tới 3 bàn không gỡ. Giấc mộng SEA Games lại lần nữa vỡ vụn, rồi kéo theo cả những hệ lụy cho nền bóng đá - Hữu Thắng ra đi, ông thầy ngoại thứ 10 người Hàn Quốc, Park Hang Seo đến cùng những đòi hỏi phải "chấn hưng" từ công tác quản lý điều hành.
U20 - Sân chơi quan trọng nhất
Với việc giành quyền vào bán kết giải vô địch U19 châu Á năm 2016 tại Bahrain, bóng đá Việt Nam đã lập nên kỳ tích mới khi lần đầu giành quyền tham dự vòng chung kết FIFA U20 World Cup tổ chức tại Hàn Quốc năm 2018.
Thành công của đội tuyển U20 đã chỉ ra thực tế là nếu muốn phát triển, chiếm lĩnh những đỉnh cao mới thay vì chạy theo thành tích trước mắt, bóng đá Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào công tác đào tạo trẻ. Và trong năm 2017, khi mà từ VFF, đến các đội bóng tập trung cho công tác này cùng sự ra đời của nhiều trung tâm đào tạo, huấn luyện mới, bóng đá Việt Nam đã vượt qua vòng loại để giành nhiều suất tham dự vòng chung kết châu Á 2018 của các đội U23, U19, U16...
Trần Văn Thảo - Bất ngờ lớn nhất
Bất ngờ bởi đây là cái tên khá xa lạ với người hâm mộ nước nhà và quyền Anh những tưởng vẫn chỉ là môn thể thao mang tính nghiệp dư. Vậy nên Trần Văn Thảo và chiếc đai vô địch chuyên nghiệp hạng ruồi của tổ chức WBC (Hội đồng quyền Anh thế giới) châu Á xứng đáng được xem là bất ngờ lớn nhất.
Trận đấu tranh đai vô địch hạng ruồi WBC châu Á diễn ra tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 11, Trần Văn Thảo thượng đài với George Lumoly. Cả hai tay đấm cùng 25 tuổi nhưng võ sĩ người Indonesia có nhiều kinh nghiệm thi đấu chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, tay đấm đầu tiên của quyền Anh Việt Nam bước lên sàn đấu chuyên nghiệp rất tự tin, buộc đối thủ hai lần gục xuống sàn và khép lại trận đấu sau chừng 45 giây.