Ngày 27-3, Công an TP HCM cho biết đang tiếp tục đấu tranh với Lê Văn Bậm và N.T.N để làm rõ hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, dụ dỗ, xúi giục người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Công an đồng thời cũng làm rõ các hành vi hành hạ, ngược đãi cháu T.N.A.T (SN 2020, con của N.) của hai người này để xử lý nghiêm.
Choáng váng
Vào sáng 24-3, Công an TP HCM tiếp nhận tin báo từ anh T.M.T (SN 1993) về việc phát hiện các đoạn clip ghi lại cảnh con ruột là cháu T.N.A.T có dấu hiệu bị bạo hành và dụ dỗ, xúi giục sử dụng trái phép chất ma túy tại căn nhà ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn.
Anh T. cho biết do mâu thuẫn nên vợ anh dắt theo 2 con (cháu T.N.A.N và T.N.A.T) bỏ đi và chung sống như vợ chồng với Lê Văn Bậm. Đến cuối năm 2022, anh T. đến đón cháu T.N.A.N về với mình, cháu T.N.A.T tiếp tục sống cùng mẹ. Ngày 22-3, anh phát hiện clip nghi vấn cháu T.N.A.T bị N. và Bậm ép sử dụng ma túy nên trình báo công an; đồng thời đăng tải trên các trang mạng xã hội. Hình ảnh trong clip gây xôn xao trên mạng, Bậm và T. xóa tài khoản Facebook, đưa cháu T.N.A.T bỏ trốn qua nhiều địa bàn khác.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Ban Giám đốc Công an TP HCM đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai những biện pháp nghiệp vụ truy xét "nóng" dấu vết của 2 đối tượng tại nhiều địa điểm nghi vấn ở An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số quận, huyện khác trên địa bàn TP HCM. Đến chiều 26-3, công an tìm thấy Bậm và N. tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. Khám xét nơi ở của họ, 0,21g Methamphetamine cùng dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy được phát hiện.
Liên quan đến vụ việc, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM đã có văn bản gửi Công an TP HCM và Công an huyện Hóc Môn. Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, clip bé trai 3 tuổi nghi bị ép hút ma túy đá đang xôn xao trong dư luận. "Vụ việc có dấu hiệu của sự bạo hành trẻ em. Hơn thế, trong clip này, bé trai có dấu hiệu bị ép sử dụng ma túy. Đây là hành vi nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tính mạng và sự an toàn của trẻ em" - ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP HCM, nhấn mạnh.
Hình ảnh bé trai nghi bị ép sử dụng ma túy gây phẫn nộ dư luận mấy ngày qua
Công an làm việc với Lê Văn BậmẢnh: PHẠM DŨNG
Đau xót
Bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam, cho biết bà cảm thấy đau xót vì trong thời gian qua, rất nhiều vụ bạo hành liên quan đến trẻ em, hậu quả rất nặng nề thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Mặc dù hành vi bạo hành bị xã hội lên án rất gay gắt, pháp luật xử lý nghiêm nhưng trẻ em vẫn nằm trong nhóm bị đe dọa về tinh thần, sức khỏe rất cao. "Tôi không hiểu sao người ta có thể đánh đập, chửi bới và làm biết bao nhiêu chuyện với các cháu. Trẻ em cần được nâng niu, bảo vệ chứ nhiều vụ được phát hiện khiến người ta rất đau lòng" - bà Lê Thị Thu nói.
Trong vụ việc trên, theo bà, công an và các cơ quan chức năng cần làm rõ vụ việc nhằm bảo đảm tính công bằng, thuyết phục. Nếu các đối tượng khai nhận cho cháu hút ma túy đá phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Trẻ em bị đánh đập đã rất phẫn nộ, nếu trẻ em bị ép hút ma túy thì không còn gì để nói...
Về vụ việc này, ngay từ ngày 25-3, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã có chỉ đạo khẩn. Phó Chủ tịch UBND TP HCM giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp UBND huyện Hóc Môn và các đơn vị có liên quan khẩn trương xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, Công an TP HCM và các sở, ngành liên quan thực hiện các biện pháp can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp bé trai nêu trên theo quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn. Kết quả xử lý phải báo cáo lên UBND TP HCM.
Qua xét nghiệm, Bậm và N. dương tính với ma túy; riêng cháu T.N.A.T thì không. Công an TP HCM đã đưa cháu đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố với kết quả tình hình sức khỏe ổn định, chưa có dấu hiệu bất thường.
Rất nguy hại
Bác sĩ chuyên khoa 2, Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết nếu trẻ sử dụng ma túy hoặc các chất gây nghiện trước mắt sẽ gây ngộ độc với các biểu hiện như ngưng thở, co giật, tổn thương gan thận, rối loạn ý thức. Về lâu dài ảnh hưởng đến phát triển thần kinh, tâm thần vận động, tâm lý, rối loạn nhân cách...
Theo bác sĩ Tiến, tùy theo cơ địa mỗi trẻ và liều lượng sẽ gây ra các triệu chứng trước mắt và lâu dài. Có trẻ 3 lần, 5 lần nhưng cũng có trẻ chỉ sau 1 lần là đã gây nghiện.
Để xác định được mức độ ảnh hưởng của trẻ bởi các chất gây nghiện, bác sĩ Tiến cho rằng cần sự phối hợp giữa gia đình và y tế để đánh giá về thần kinh, tâm lý, cơ quan thực thể có tổn thương hay không. Với trẻ lớn hơn thì cần có thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, cộng đồng như nhà trường, đơn vị cai nghiện tại địa phương.
"Cần sự phối hợp của các đơn vị để giúp trẻ quay trở lại cuộc sống bình thường bằng can thiệp, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng… Nếu trẻ nhỏ nghiện thì cần điều trị triệu chứng hỗ trợ giúp trẻ cắt cơn nghiện chứ không giống như người lớn có thể dùng các biện pháp với các thuốc tương tự" - bác sĩ Tiến nói.
Hải Yến
PHẠM DŨNG - PHAN ANH
Theo Báo Người lao động