Xã nông thôn mới mỏi mòn chờ nước sạch

Thứ sáu - 10/03/2023 08:59
Để có nước sinh hoạt, người dân đào giếng sâu từ 4-7m, giếng khoan từ 10-25m mới có nước. Tuy nhiên, nhiều giếng đào, giếng khoan bị nhiễm phèn không thể sử dụng được, người dân phải bỏ tiền xây dựng bể lọc hoặc mua máy lọc nước.
D2023031002
Công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt Khe Xai (xã Thạch Xuân) đang thi công dang dở.
 
Dù đã về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao từ năm 2021 nhưng chỉ tiêu nước sạch vẫn là trăn trở của người dân và chính quyền địa phương các xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà), Thạch Châu (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) và các vùng phụ cận. Hàng ngàn hộ dân nơi đây phải sử dụng nước giếng nhiễm phèn, nước mưa, trong khi các dự án cấp nước sạch đang thi công dang dở hoặc đã hoàn thành nhưng chưa có nước sạch.

Xã Thạch Xuân là địa bàn vùng bán sơn địa vốn khó khăn trong việc khai thác nguồn nước sinh hoạt. Để có nước sinh hoạt, người dân đào giếng sâu từ 4-7m, giếng khoan từ 10-25m mới có nước. Tuy nhiên, nhiều giếng đào, giếng khoan bị nhiễm phèn không thể sử dụng được, người dân phải bỏ tiền xây dựng bể lọc hoặc mua máy lọc nước. Gia đình bà Đoàn Thị Vân (74 tuổi, ở thôn 8, xã Thạch Xuân) sử dụng nước sinh hoạt từ giếng sâu 4-5m, thường bị nhiễm phèn. “Mấy năm nay, cách nhà khoảng 1-2km có xây dựng một nhà máy cấp nước sạch nhưng đến thời điểm này vẫn chưa xong. Người dân rất mong mỏi sớm có nước sạch để thay thế nguồn nước giếng bị nhiễm phèn, đảm bảo sức khỏe”, bà Vân cho biết.

Cách xã Thạch Xuân hơn 30km, người dân ở xã Thạch Châu cũng đang mỏi mòn chờ nguồn nước sạch sinh hoạt. Ông Nguyễn Tiến Kim (73 tuổi, ở thôn Đức Châu, xã Thạch Châu) cho biết, gia đình có 1 giếng đào sâu 4-5m và 1 giếng khoan sâu 11m nhưng nước bị nhiễm phèn phải xây bể và mua máy lọc nước.

Đầu tháng 10-2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống cấp nước sinh hoạt Khe Xai, công suất 6.000m3/ngày, vốn đầu tư 44 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2020-2022. Dự án nhằm mục tiêu đảm bảo cung cấp nước sạch liên tục và đạt chất lượng cho người dân các xã phía Tây Nam huyện Thạch Hà, góp phần thực hiện tiêu chí nước sạch trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, đến nay, dự án chậm tiến độ và đang thi công dang dở.

Ông Nguyễn Huy Hà, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân, cho biết, xã đã về đích xây dựng NTM từ năm 2018 và NTM nâng cao năm 2021. Toàn xã có khoảng 6.000 hộ dân với 7 thôn, trong đó một số thôn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan, giếng đào bị nhiễm phèn. Thời gian qua, việc công trình cấp nước sinh hoạt Khe Xai chậm tiến độ là do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là nội dung khối lượng phát sinh được tỉnh chấp thuận muộn; việc nhập vật tư nước ngoài về chậm… UBND xã và người dân đang mong mỏi từng ngày công trình hoàn thành để cấp nước sạch cho người dân. Còn tại xã Thạch Châu, ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã, cho biết, xã đã về đích xây dựng NTM từ năm 2013 và NTM nâng cao năm 2021. Dự án cấp nước sạch cho 8.000 hộ dân của xã đã hoàn thành từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa có nước. Xã và người dân đã nhiều lần phản ánh, đề nghị chính quyền cấp trên sớm bàn giao dự án để đưa vào đấu nối, khai thác sử dụng nhưng chưa có kết quả.

Ông Phạm Xuân Lương, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, dự án nước sạch cho một số xã ở huyện Lộc Hà được triển khai từ năm 2019, hoàn thành năm 2021 nhưng chưa đưa vào sử dụng do đang vướng các văn bản, thông tư, nghị định liên quan đến bàn giao tài sản, xác định đơn vị tiếp nhận để bàn giao đấu nối, quản lý, vận hành. Đơn vị đã làm văn bản kiến nghị đề xuất nhiều lần lên cấp trên để sớm bàn giao, phục vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân, nhưng vẫn phải chờ… chỉ đạo.
Nhà máy nước hơn 1.000 tỷ đồng chưa thể vận hành

Ngày 9-3, tại buổi kiểm tra dự án Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, đề nghị UBND TP Đà Nẵng sớm chỉ đạo đưa vào vận hành khai thác, tránh việc thiếu nước trong mùa cao điểm hè. Theo đó, dự án được khởi công ngày 25-3-2020, hoàn thành tháng 9-2022 với tổng vốn đầu tư hơn 1.170 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng từ đó đến nay chưa được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào vận hành. Không chỉ vậy, hiện chưa có phương án giá nước sạch tại nhà máy và công suất khai thác phù hợp làm cơ sở triển khai thực hiện.

XUÂN QUỲNH
DƯƠNG QUANG

Theo SGGP.ORG.VN
 Từ khóa: huyện Thạch Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây