Tiêu cực trong y tế lâu nay được biết đến với những hành vi như nâng giá bán thuốc, “lót tay” (đưa tiền cho y, bác sĩ để được khám, chữa bệnh sớm hơn, chu đáo, hiệu quả hơn)... Cũng như các ngành, nghề khác, việc đưa “phong bì” trong bệnh viện, phòng khám được nói nhiều, tranh luận nhiều nhưng không dễ để ngăn chặn hiệu quả, dù ngành Y đưa ra nhiều giải pháp, cả những tuyên bố mạnh mẽ kiểu “kiên quyết dẹp phong bì”, “nói không với lót tay”!
Suy cho cùng, căn nguyên tiêu cực đều có nguyên nhân xã hội để tồn tại và nảy sinh, nguyên nhân đó xuất phát cả phía người bệnh, thân nhân người bệnh. Với yêu cầu “sức khỏe là trên hết” khiến nhiều người có suy nghĩ, chưa trao được “phong bì” là chưa yên tâm, trong khi phía người chữa bệnh, chưa có quà thì chưa có động lực. Khi bác sĩ quen cái lệ ấy thì rốt cuộc, người nghèo chính là nạn nhân, mỗi lần đến bệnh viện phải gánh sức ép nặng nề về tài chính. Cái lệ ấy bằng các cách khác nhau vẫn tồn tại thì việc chống lại nó không thể bằng cách hô hào khẩu hiệu, những câu chữ giáo huấn về y đức treo ở hội trường, bảng tin chỉ có ý nghĩa “làm màu”!
Tuy nhiên, vấn nạn “phong bì” dù khá phổ biến thì cũng chỉ là một mảng nhỏ nếu so với những vụ việc nâng khống thiết bị y tế. Không phải là “phong bì” vài trăm nghìn hay vài triệu như cái cách mà vật thể nhỏ này vẫn đảm trách, những thiết bị y tế có giá nhiều tỉ, nhiều chục tỷ đồng, khi bị đẩy giá thì khoản chênh lệnh khổng lồ đó vượt quá hàng vạn lần sức chứa của chiếc phong bì. Khoản chênh lệch bị nâng khống, rốt cuộc nó đánh vào túi tiền của bệnh nhân mà khi thanh toán chi phí phải trả cho bệnh viện, người bệnh không hề biết mình đã bị chiếm đoạt. Họ chỉ nghĩ, tiêu cực nếu có thì ở cái “phong bì” chứ không phải ở cái hóa đơn thanh toán có đóng dấu đỏ của bệnh viện, phòng khám. Trong khi, giá thanh toán ở hóa đơn đó đã có thể bị đẩy lên nhiều lần, gấp cả trăm cái “phong bì” mà người bệnh bỏ ra. Đây là hành vi ăn chặn nghiêm trọng xét về tiền bạc và sự đớn đau, bi kịch nếu xét về đạo đức khi người bệnh bị chiếm đoạt khoản kinh phí lớn mà không hề biết. Nó giống như một căn bệnh nguy hiểm nhưng người bệnh lại không cảm thấy đau, không thấy có triệu chứng để đi khám. Thực là nguy hại.
Vụ nâng khống thiết bị phẫu thuật robot Rosa là một điển hình về tiêu cực trong ngành Y.
Kết quả điều tra của Cơ quan Công an xác định, từ năm 2017-2020, Bệnh viện Bạch Mai sử dụng hệ thống robot Rosa để phẫu thuật sọ não cho 2 ca miễn phí, 637 ca thu tiền dịch vụ. Tuy nhiên, người bệnh phải trả tiền điều trị tăng hơn 16,5 triệu đồng/ca. Ở đây, chúng ta đặt vấn đề: Người bệnh vốn coi sức khỏe là trên hết, trên tất cả bạc tiền thì với người bị sọ não, tức ở mức nguy kịch, thân nhân của họ còn đắn đo gì ngoài việc cần thiết bị phẫu thuật hiện đại gắn với bác sĩ, bệnh viện uy tín để giành lại sự sống cho bệnh nhân? Thế nên, con số 16,5 triệu đồng tiền chênh cho một ca phẫu thuật sọ não hay gấp nhiều lần con số ấy, với thân nhân người bệnh, họ buộc phải chấp nhận, miễn cứu được tính mạng người bệnh. Đây chính là hành vi tham nhũng trong trạng thái bĩ cực của người bệnh, vấn đề nghiêm trọng cả về khối lượng tiền bạc và y đức.
Bệnh viện Bạch Mai là pháp nhân riêng, tự chủ hoàn toàn theo quy định của Bộ Y tế. Khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện, ông Nguyễn Quốc Anh muốn phát triển khoa ngoại để thu hút bệnh nhân từ Bệnh viện Việt Đức và các bệnh viện khác nên thành lập một số khoa như Phẫu thuật thần kinh, Chấn thương chỉnh hình và cột sống. Công ty Công nghệ y tế BMS là công ty gia đình do Phạm Đức Tuấn làm Chủ tịch kiêm Giám đốc. Tháng 1-2017, đề án xã hội hóa được ký kết, Bệnh viện Bạch Mai trang bị 2 loại robot phẫu thuật, trong đó robot Rosa có giá 39 tỉ đồng, robot Mako có giá 44 tỷ đồng. Đáng chú ý, thời điểm trên, Công ty BMS vẫn chưa nhập robot Rosa.
Vì vậy, để hợp thức hóa, các đối tượng thuộc Công ty thẩm định giá VFS đã phát hành chứng thư trái với quy định của pháp luật. Đến tháng 2-2017, Công ty BMS mới nhập khẩu robot Rosa từ Pháp về Nội Bài, nguyên giá chỉ hơn 7,4 tỉ đồng (đã bao gồm thuế, phí). Sau khi thỏa thuận được với ông Quốc Anh về hình thức liên doanh, liên kết, Phạm Đức Tuấn đã liên hệ với Trần Lê Hoàng để thỏa thuận việc Hoàng sẽ cấp khống chứng thư thẩm định 2 loại robot trên theo giá Tuấn đưa ra (39 tỷ và 44 tỷ đồng). Kết luận điều tra cho thấy, từ ngày 27-2-2017 đến tháng 5-2020, Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot Rosa thực hiện phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu hơn 22,9 tỉ đồng.
Theo kết luận giám định, tiền phẫu thuật bằng robot Rosa là hơn 6,6 triệu đồng/ca nhưng bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS thu 36 triệu đồng/ca, trong đó hơn 23 triệu đồng/ca là để khấu hao robot phẫu thuật, hưởng chênh lệch tới hơn 16,5 triệu đồng/ca. Từ tháng 4-2018 đến tháng 5-2020, Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán cho Công ty BMS tổng số tiền hơn 16,7 tỷ đồng (cao hơn gấp đôi số tiền Công ty BMS nhập thiết bị). Cơ quan điều tra cũng làm rõ việc Phạm Đức Tuấn đã dùng tiền để “bôi trơn” các “cửa ải”.
Để làm rõ được hành vi phạm tội của các đối tượng, ngoài việc thu thập tài liệu, chứng cứ, tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn, thẩm định giá, cơ quan điều tra đã xác minh, làm việc với các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại 17 tỉnh, thành trên cả nước. Họ đều rất bức xúc khi biết mình là nạn nhân của các đối tượng bởi khi phẫu thuật, họ đều được giải thích sử dụng robot sẽ giảm đau, ít biến chứng, phục hồi nhanh hơn chứ không hề biết những thiết bị trên chưa được thẩm định về tác dụng và giá trị tài sản. Một robot Rosa được nhập khẩu mới từ Pháp có giá 7,4 tỷ đồng, đã gồm thuế nhưng quyết toán lên tới 39 tỷ đồng, cao gấp 5 lần. Con số nâng khống 5 lần đó rốt cuộc đánh vào túi tiền người bệnh vốn đã hao kiệt khi phải phẫu thuật sọ não.
Để nhập khẩu một thiết bị với số tiền lớn như vậy, lại ở lĩnh vực y tế phải trải qua rất nhiều quy trình, nhiều khâu kiểm định cả về chất lượng lẫn giá cả. Vậy mà, tất cả những khâu đó đều dễ dàng lọt qua khi lợi nhuận được “rải” và dù được trích lại dưới dạng “hoa hồng” hay quà biếu thì đều được rút từ khoản chênh gấp nhiều lần kia. Tất cả mọi khoản, người bệnh phải gánh đủ. Thiết bị nâng gấp 5 lần thì người bệnh bị nâng giá chữa trị lên 5 lần; nếu thiết bị nâng gấp 6 lần, 7 lần thì người bệnh tương ứng phải bỏ ra gấp tương ứng số lần.
Những bệnh viện, cơ sở y tế khác thì sao? Chừng nào khoảng trống này chưa bị lộ tẩy thì người bệnh vẫn phải gánh trên vai chi phí bị đội khống mà họ không hề biết mình bị chiếm đoạt khi thanh toán những hóa đơn khám, chữa bệnh.
Tiêu cực trong nâng khống giá thiết bị y tế do lỗi cơ chế hay con người? Cơ chế là điều kiện cần, cơ chế dù chặt chẽ đến đâu cũng phụ thuộc người thực hiện, thừa hành cơ chế đó. Cũng như quy trình nhập thiết bị y tế, dù hồ sơ, giấy tờ tỏ ra rất chặt chẽ, qua rất nhiều khâu nhưng đó chỉ là lý thuyết. Mọi khâu đều được “bôi trơn” bằng lợi nhuận rút từ tiền đội giá, cho nên xem ra càng thêm nhiều khâu tiền kiểm, hậu kiểm thì tiền đội giá càng tăng, gánh nặng lên vai người bệnh càng lớn.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã chất vấn điều này. Tham gia trả lời câu hỏi trong nội dung chất vấn - trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hoạt động vi phạm liên quan đến đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, các vụ vi phạm xảy ra tại các bệnh viện lớn đã được lực lượng Công an phát hiện, khởi tố, điều tra. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là “phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”. Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn các khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, có tác dụng cảnh tỉnh răn đe cả lĩnh vực. Điển hình là một số vụ như sai phạm tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Y tế Hà Tĩnh, Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La...
“Qua các vụ việc này, cũng có dư luận cho rằng, các vi phạm trong ngành Y tế là do lỗi cơ chế hoặc hệ thống nhưng chúng tôi khẳng định không phải do các lỗi này mà đều là do lợi dụng khó khăn, lách luật để vi phạm. Trước khi xử lý hình sự, chúng tôi đều yêu cầu cơ quan điều tra phải cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng cá nhân trong từng vụ việc đó. Phải chứng minh yếu tố tư lợi, tham ô, tham nhũng, trục lợi để xử lý các đối tượng này. Ví dụ việc mua sắm thiết bị y tế, đối tượng đã thông đồng với nhà thầu để nâng giá thiết bị, có ăn chia nhau, trích phần trăm... Đây là những yếu tố tư lợi, biểu hiện của tham ô, tham nhũng” - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.