Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ tư - 19/12/2018 06:50
Quá trình xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu tại các địa phương cho thấy, mặc dù chặng đường còn nhiều gian nan, nhưng ở đâu đảng bộ, chính quyền và nhân dân đồng lòng, dân chủ, phát huy tốt nội lực, lợi thế đất đai và các tiềm năng sẵn có ở địa phương, phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu sẽ đạt mục tiêu đề ra và lan tỏa thành phong trào lớn.

Đường nông thôn mới ở thôn Phong Giang, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Bài 2 Lan tỏa thành phong trào lớn

 

Chủ động xây dựng mô hình

Đồng chí Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Thanh Hóa cho biết, khi tỉnh bắt tay vào xây dựng NTM, qua rà soát, các xã mới chỉ đạt bình quân 4,7 tiêu chí. Hơn nữa, tỉnh có 170 xã ở bảy huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn và đây là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai với những cách làm sáng tạo, cụ thể, cũng như sự đồng lòng của nhân dân, cho nên dự kiến hết năm 2018, Thanh Hóa có 260 xã đạt chuẩn NTM. Thậm chí, mặc dù T.Ư mới ban hành bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu nhưng tỉnh đã sớm triển khai thí điểm mô hình thôn, bản kiểu mẫu từ năm 2017 tại ba điểm là thôn 3, xã Xuân Giang (Thọ Xuân), thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến (Hà Trung) và thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân). Sau hơn một năm thực hiện, đến nay dáng dấp thôn kiểu mẫu đã cơ bản được hình thành. Chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện; giá trị truyền thống ở mỗi làng quê được giữ gìn và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; môi trường nông thôn có bước chuyển biến rõ nét; ý thức của người dân về việc vệ sinh, bảo vệ môi trường được nâng lên. Việc xây dựng thôn, bản kiểu mẫu đã tạo động lực cho người dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đưa các giống cây ăn quả mới, cây dược liệu, rau vào sản xuất, không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn làm đẹp cảnh quan môi trường. Điển hình như thôn Xuân Lập (Ngọc Phụng) có sáu hộ thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/vườn, cá biệt có hộ thu nhập 360 triệu đồng/vườn. Tại thôn 3 (Xuân Giang) có 10 hộ thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/vườn. So với lúc bắt đầu triển khai, thu nhập bình quân của các thôn đều tăng, không còn hộ nghèo. Trong đó, thôn Xuân Lập thu nhập đạt hơn 39 triệu đồng/người/năm; thôn 3 thu nhập đạt hơn 41 triệu đồng/người/năm và thôn Bái Sơn thu nhập đạt 41 triệu đồng/người/năm. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 có 60 xã đạt NTM nâng cao và 15 xã đạt NTM kiểu mẫu.

Tại Hà Tĩnh, xuất phát từ thực tiễn là vùng quê “chảo lửa”, “túi mưa”, thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, những năm đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỉnh chủ yếu tập trung vào các chỉ tiêu quy định trong bộ tiêu chí, vì thế, các xã sau khi đạt chuẩn NTM chưa thật sự rõ về chiều sâu và tính bền vững chưa cao. Tỉnh chỉ đạo mạnh dạn thí điểm xây dựng năm khu dân cư NTM kiểu mẫu và 240 vườn mẫu đại diện cho ba vùng sinh thái. Sau một thời gian thực hiện, kết quả bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét, tạo điều kiện để UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí về NTM kiểu mẫu. Để khuyến khích chủ trương này, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu. Giai đoạn đầu năm 2014 đến 2016, đối với xã phấn đấu đạt chuẩn trong năm và năm kế tiếp, hỗ trợ 300 triệu đồng/khu dân cư NTM kiểu mẫu; 20 triệu đồng/vườn mẫu (mỗi xã 10 vườn), phần vốn hỗ trợ chủ yếu cho các nội dung như: Quy hoạch, làm hàng rào xanh, hỗ trợ giống cây, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Hiện nay, tỉnh đã ban hành chính sách thưởng theo kết quả đầu ra, mỗi khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn thưởng 300 triệu đồng, mỗi vườn mẫu đạt chuẩn thưởng năm triệu đồng. Nhờ vậy, chủ trương xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu tại Hà Tĩnh nhanh chóng được người dân hưởng ứng, tự giác tham gia và trở thành phong trào có sức lan tỏa nhanh trên diện rộng. Từ xây dựng mô hình điểm, đến nay, toàn tỉnh có 1.116 trong số 1.802 thôn, hơn 8.200 vườn triển khai xây dựng thôn, vườn kiểu mẫu, trong đó có 228 khu dân cư, 2.300 vườn mẫu đã đạt chuẩn, thu nhập bình quân/vườn ở vùng đồng bằng đạt hơn 70 triệu đồng, miền núi và bán sơn địa hơn 150 triệu đồng. Đáng chú ý, có hơn 1.200 vườn doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có 261 vườn doanh thu hơn một tỷ đồng/năm; nhiều khu dân cư kinh tế phát triển, môi trường tốt, cảnh quan đẹp, văn hóa được phát huy, đã trở thành vùng quê “trù phú - an lành”, là “nơi đáng sống” như Nam Trà (xã Hương Trà), Yên Mỹ (xã Cẩm Yên), Hà Thanh (xã Tượng Sơn), Phong Giang (xã Tiên Điền), Châu Nội (xã Tùng Ảnh), Thanh Bình (xã Đức Lĩnh), Hương Phố (xã Đức Hương)... 

Đồng chí Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh cho biết, thực tiễn xây dựng NTM thời gian qua cho thấy “dừng lại là rớt chuẩn”, do đó việc xây dựng NTM kiểu mẫu là xu thế đi lên tất yếu của các xã đã đạt chuẩn. Năm 2016, khi chưa có hướng dẫn của T.Ư, Hà Tĩnh đã mạnh dạn ban hành quy định chỉ tiêu các nội dung trong bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu với sáu tiêu chí cụ thể như: Phát triển sản xuất; thu nhập; kết cấu hạ tầng; giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường; hệ thống chính trị; khu dân cư NTM kiểu mẫu. Dựa trên kết quả khảo sát, đánh giá thực tiễn NTM tại các địa phương, giai đoạn từ năm 2017 đến 2020, Hà Tĩnh phấn đấu có 18 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Theo kết quả đánh giá dựa trên bộ tiêu chí của tỉnh, đến nay có bốn xã là Tùng Ảnh, Tượng Sơn, Cẩm Bình và Tiên Điền cơ bản đáp ứng các tiêu chí đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình Trần Văn Hà cho biết, hết năm 2018, tỉnh có 90 trong số 119 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 75% số xã; ba đơn vị cấp huyện là TP Tam Điệp, huyện Hoa Lư, huyện Yên Khánh hoàn thành xây dựng NTM. Hiện tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai bảy xã đăng ký NTM kiểu mẫu là xã Gia Vân (Gia Viễn), xã Ninh Giang (Hoa Lư), xã Đồng Hướng (Kim Sơn), xã Đồng Phong (Nho Quan), xã Khánh Thành (Yên Khánh), xã Yên Từ (Yên Mô) và xã Quang Sơn (TP Tam Điệp). Để thực hiện hiệu quả việc xây dựng NTM kiểu mẫu, sau khi T.Ư ban hành bộ tiêu chí, các xã đã triển khai đề án, trồng cây xanh, hoa, tạo cảnh quan môi trường. Ninh Bình cũng lựa chọn 83 thôn để xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu; hướng dẫn triển khai thực hiện; hỗ trợ kinh phí với 50 triệu đồng/thôn và tổ chức tập huấn cho các cán bộ thực hiện chương trình.

Để nông thôn mới thật sự kiểu mẫu

Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho biết, mặc dù Chính phủ đã ban hành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 nhưng khó khăn hiện nay đó là vẫn phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn nhằm xác định cụ thể nội hàm NTM kiểu mẫu là gì? Việc xây dựng NTM kiểu mẫu đang vướng mắc về cơ chế, chính sách. Hiện nay, mới có hỗ trợ cho các xã đang triển khai và phấn đấu đạt chuẩn NTM mà chưa có chính sách hỗ trợ cho các xã xây dựng NTM kiểu mẫu. Vì vậy, một số địa phương có nguồn lực mạnh cũng chỉ vận dụng linh hoạt nguồn vốn để hỗ trợ phần nào cho các xã triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu. Còn đối với những địa phương nguồn lực eo hẹp cũng chỉ tập trung hỗ trợ cho những xã đang phấn đấu đạt chuẩn. Hơn nữa, việc xây dựng NTM kiểu mẫu đang ở giai đoạn đầu cho nên nhiều địa phương trong khi triển khai còn lúng túng. 

Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Thanh Hóa Trần Đức Năng, việc xây dựng NTM kiểu mẫu cần có nguồn vốn đáng kể để hoàn thành đồng bộ nhiều nội dung, công việc theo hướng chuẩn mẫu, nhất là ở các xã miền núi, trong khi nguồn hỗ trợ còn hạn chế, huy động nguồn lực của nhân dân khó khăn; một số tiêu chí còn yêu cầu cao; sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương chưa được thường xuyên; còn một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM kiểu mẫu cho nên vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Tiến, NTM kiểu mẫu là phải coi trọng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ tinh thần của người dân. Các xã NTM kiểu mẫu cần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; có đề án phát triển sản xuất hàng hóa chủ lực gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Tuy nhiên, sẽ rất khó để có ngay một xã NTM kiểu mẫu về mọi mặt. Do vậy, trước mắt phải tùy theo lợi thế, đặc điểm tình hình của từng địa phương để chọn xây dựng mô hình kiểu mẫu. Trong đó, nên chọn một hoặc một số nhóm cùng thực hiện như kinh tế và môi trường; du lịch và an ninh - trật tự… Các địa phương không nên thực hiện cùng lúc nhiều nhóm để tránh đầu tư dàn trải, không trọng tâm.

Để triển khai có hiệu quả việc xây dựng NTM kiểu mẫu, các địa phương cần quy hoạch xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu sao cho phù hợp với điều kiện của từng đơn vị thôn, xóm, xã. Trong quá trình thực hiện cần đánh giá kết quả để có những kinh nghiệm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, hộ mẫu; cần chú trọng các nội dung liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng; xây dựng mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm; bảo đảm an ninh - trật tự ở nông thôn. Hơn nữa, khi triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu phải lấy vai trò của cộng đồng dân cư là chính, phải để cộng đồng dân cư tự bàn bạc, thống nhất lựa chọn lĩnh vực phù hợp để phấn đấu trở thành kiểu mẫu.

Nguồn tin: Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây