Xây dựng văn hóa, phát triển con người là mục đích cuối cùng của sự phát triển

Thứ năm - 31/10/2019 15:25
Tại hội trường Quốc hội, sáng 31/10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo, giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm về giải pháp phát triển du lịch và xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức trong bối cảnh hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Xây dựng văn hóa, phát triển con người là mục đích cuối cùng của sự phát triển

Về vấn đề văn hóa được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, Đảng luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo đầu tư phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu. Văn hóa từng bước trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng để phát triển bền vững. Tuy nhiên, sự phát triển văn hóa hiện nay đứng trước nhiều thách thức, bất cập, vấn đề cần giải quyết.

"Giờ đây, chúng ta nói nhiều đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng, lối sống thực dụng, tệ nạn, tội phạm xã hội" - Bộ trưởng nói, đồng thời nhận định "rõ ràng những cái đó là vấn đề của văn hóa, liên quan đến văn hóa và có nguyên nhân về văn hóa".

Theo Bộ trưởng, xây dựng văn hóa hay sự phát triển con người là mục đích cuối cùng của sự phát triển. Tuy vậy, so với những thành tựu trong phát triển kinh tế, những thành tựu trong lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng, chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người, môi trường văn hóa lành mạnh.

Vị Tư lệnh ngành cho rằng, để văn hóa trở thành động lực phát triển đất nước, cần những giải pháp như: nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý. Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Bộ trưởng đưa ra một số giải pháp trọng tâm như: Tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế; Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đồng thời đầu tư cho văn hóa tinh hoa, tạo điều kiện cho cá nhân, cộng đồng trong sáng tạo về văn hóa; Phát huy sứ mệnh của văn học, nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sỹ trong xây dựng đạo đức văn hóa; Đầu tư tương xứng cho văn hóa, tương xứng với vai trò của văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ gia đình, nhà trường, xã hội sẽ là nơi bồi dưỡng, hình thành nhân cách, giáo dục lối sống cho con người. Cái tốt, cái thiện được nuôi dưỡng, đi lên; cái xấu, cái ác bị lên án, bài trừ. Từ đó, việc xây dựng môi trường văn hóa sẽ tạo điều kiện để phát triển văn hóa con người Việt Nam.

Văn hóa cũng là vấn đề mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng là một trong ba yếu tố trụ cột để Việt Nam phát triển bền vững. Hai trụ cột còn lại là bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản. Theo đại biểu, nâng cao văn hóa gồm hai vế là phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu, tiếp cận văn hóa hiện đại của thế giới.

"Ba trụ cột văn hóa, môi trường và di sản cũng chính là phát triển con người. Nếu không, chúng ta sẽ có những con người giống như con người trên thế giới, sống ở đâu cũng được, không làm ở Việt Nam thì qua Mỹ làm với mấy ngàn USD một tháng, không còn con người với bản sắc Việt Nam. Và như thế sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ chủ quyền của đất nước, bảo vệ bản sắc của dân tộc" - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến.

Trao đổi tại hội trường, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề về đạo đức, lối sống, văn hóa gia đình thường ít được nêu đến trong các báo cáo về kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành.

Cũng có tình trạng, các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình bị xem nhẹ, suy thoái đạo đức lối sống trong các thành viên trong gia đình... nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý.

Từ đó, đại biểu đề nghị trong các chính sách về kinh tế và xã hội của Nhà nước ta năm 2020 và các năm tiếp theo cần dành đầu tư hơn cho gia đình theo hướng thay thế dần các chính sách không phát huy được vai trò của gia đình.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát xác định đúng đủ và toàn diện các tiêu chí liên quan đến gia đình trong thống kê chung và theo thống kê thế giới; tiếp tục nghiên cứu sâu về khía cạnh liên quan đến gia đình và mối quan hệ trong gia đình xây dựng chính sách.

Cần đổi mới nhận thức để phát triển du lịch thành mũi nhọn kinh tế

Về câu hỏi "hiện du lịch Việt Nam đang ở đâu", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, từ 2015 - 2018, lượng khách du lịch quốc tế tăng gấp 2 lần (là một trong 10 quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới); khách nội địa tăng 1,4 lần; đóng góp 8,4% GDP.

Trong 10 tháng năm 2019, Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế, so với con số tăng 4% của toàn cầu và 5% của khu vực Đông Nam Á. Năng lực cạnh tranh liên tiếp cải thiện, đã tăng 12 bậc, hiện đứng thứ 63/140 nước.

Du lịch Việt Nam đoạt được nhiều giải thưởng như: điểm đến hàng đầu châu Á, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, thành phố Hội An được bình chọn là thành phố văn hóa hàng đầu châu Á...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, phát triển du lịch Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như chất lượng dịch vụ chưa cao, sản phẩm còn hạn chế, chưa phong phú...

"Muốn trở thành ngành kinh tế kinh tế mũi nhọn, chúng ta cần đổi mới nhận thức phát triển du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, là lĩnh vực mang tính xã hội, văn hóa cao" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, vị Tư lệnh ngành đưa ra các giải pháp: tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch có hợp tác công - tư, Trung ương và địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ...; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tập trung đào tạo kỹ năng nghề du lịch, dịch vụ chất lượng cao; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch và liên kết du lịch,...; có giải pháp thúc đẩy xã hội hóa.

"Trong 4 năm vừa qua, số lượng buồng phòng 4 hoặc 5 sao tăng gấp đôi; hàng loạt chuyến bay thẳng đến quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch dịch vụ được nâng cao cũng là nhờ xã hội hóa" - Bộ trưởng cho biết.
Theo Xuân Tùng (TTXVN)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây