Vụ việc khai tử con trai 3 tuổi đang còn sống: Ai phải chịu trách nhiệm?

Thứ năm - 26/05/2022 07:54
Liên quan đến vụ việc người mẹ làm giấy khai tử cho con trai còn sống xảy ra tại Đắk Lắk khiến người dân địa phương xôn xao, luật sư cho rằng, hành vi của người mẹ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, cán bộ, công chức liên quan cũng phải chịu trách nhiệm do chủ quan, tắc trách.
2022052608
Giấy khai tử cháu L do UBND phường Tân An cấp
 
Ngày 24/5, lãnh đạo UBND phường Tân An (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thông tin, sau khi tìm thấy cháu N.H.L, SN 2019 - bị mẹ khai tử khi còn sống, phường sẽ tiến hành các thủ tục để hủy giấy khai tử cho cháu.

Cùng với đó, UBND phường sẽ lập hồ sơ để xử lý người mẹ vì đã có hành vi "làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống" theo quy định pháp luật. Sau khi hoàn tất các bước trên, phường sẽ tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan khi cấp giấy khai tử cho cháu L.

Lãnh đạo UBND phường Tân An cho hay, chị T.T.N.P, SN 1990 - mẹ ruột cháu L có hộ khẩu thường trú tại phường Tân An nhưng tạm trú tại phường Tân Lợi. Sau khi xảy ra vụ việc, chị P không hợp tác, trốn tránh. Đến ngày 23/5, UBND phường đã gọi điện động viên và chị P đã nhận thấy sai phạm nên ra CA phường Tân Lợi làm việc và khai báo chỗ gửi cháu L.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Thế Dũng cho rằng: "Ngày 15/5, tôi và mẹ vợ cũ vào CA phường Tân Lợi trình báo việc vợ cũ làm giấy khai tử cho con và không thấy con ở đâu. Đến ngày 16/5, CA phường Tân Lợi đã mời vợ cũ lên làm việc. Tiếp đó, ngày 17/5, anh và mẹ vợ cũ vào CA phường Tân An trình báo vụ việc.

Suốt nhiều ngày sau đó, cơ quan chức năng không có biện pháp tìm kiếm cháu nên đến ngày 23/5, hàng chục người nhà của tôi đã tới 2 phường gây áp lực, lúc này cơ quan chức năng mới chịu đi tìm cháu và phát hiện con tôi đang được gửi tại tỉnh Đắk Nông".

Trước đó, như PL&XH đã thông tin, chị T.T.N.P đã đến phường Tân An làm thủ tục khai tử cho cháu N.H.L, SN 2019, con trai của mình. Chị P khai, cháu L mất vào lúc 18h30 ngày 4/5 và được phường Tân An cấp giấy khai tử cho cháu bé vào ngày 11/5.

Thời điểm đi khai tử cho con, chị P đau buồn, thẫn thờ nên cán bộ tư pháp đã chủ quan, không xác minh kỹ mà đã nhận hồ sơ và làm thủ tục đăng ký khai tử cho cháu L.

Đến tối 19/5, bất ngờ người bố của cháu L đã đăng thông tin lên mạng xã hội facebook về việc cháu L còn sống nhưng bị mẹ khai tử. Sau đó, cơ quan chức năng lập tức vào cuộc xác minh.

Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi gian dối trong việc khai báo thủ tục chứng tử cũng là hành vi vi phạm pháp luật, tuy chưa đến mức xử lý hình sự, nhưng người vi phạm có thể sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi của mình.

Khoản 2 Điều 30 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người chết phải đăng ký khai tử. Theo đó, có thể hiểu việc đăng ký khai tử cho người còn sống là hành vi trái quy định của pháp luật và sẽ bị xử lý.

Trong khi đó, Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình nêu rõ, cá nhân thực hiện hành vi làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống… bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đã chết để trục lợi; Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật khi làm thủ tục đăng ký khai tử để trục lợi. Như vậy, chị P có thể bị phạt tối đa 20 triệu đồng.

Còn đối với trách nhiệm của cán bộ UBND phường Tân An trong việc cấp giấy khai tử cho người còn sống, luật sư cho rằng, công chức tư pháp – hộ tịch UBND phường Tân An, cấp Giấy chứng tử cho bé N.H.L chỉ dựa vào các giấy tờ tùy thân liên quan chị P mẹ bé mang theo mà không kiểm tra, xác minh minh tế thể hiện chủ quan tắc trách và không đúng quy định.

Người thực hiện thủ tục này có thể sẽ bị xử lý kỷ luật nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Bởi, những việc làm tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, quyền lợi của các đương sự.

Luật sư Thái cho rằng, đối với vụ việc này, hậu quả chưa nghiêm trọng nhưng đã ảnh hưởng đến quyền được thăm nuôi con của cha cháu bé, có thể ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của cháu bé và làm mất uy tín của cơ quan chức năng trong việc quản lý hành chính Nhà nước.

Theo khoản 2, Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nội dung khai tử sẽ bao gồm các thông tin sau: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ cấp xã, phường có trách nhiệm xác minh. Trường hợp cần xác minh, thời hạn giải quyết tối đa là 3 ngày làm việc.

“Bởi vậy, việc cán bộ cùng lãnh đạo phường đã chủ quan, chỉ căn cứ vào khai báo của mẹ mà thiếu kiểm tra, xác minh thực tế nên tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý, kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức”, luật sư Thái nêu ý kiến.

Quốc Doanh
Theo phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
 
Link gốc: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vu-viec-khai-tu-con-trai-3-tuoi-dang-con-song-ai-phai-chiu-trach-nhiem-291094.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây