Vụ nước đập dâng chuyển màu đỏ: Dứt khoát phải tìm ra nguyên nhân

Chủ nhật - 28/07/2019 15:42
Đó là khẳng định của ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh liên quan đến việc xác định nguyên nhân khiến đập dâng Ngàn Trươi - Cẩm Trang ô nhiễm.
Đoàn công tác Bộ NN-PTNT và tỉnh Hà Tĩnh thị sát hiện trường, truy nguyên nhân gây hiện tượng ô nhiễm đập dâng Ngàn Trươi.

Cty Thanh Thành Đạt hứa "không làm sai một cái gì"

Sau chặn dòng đợt 2, tháng 2/2017 khi báo chí phản ánh về chất lượng nước trong hồ Ngàn Trươi, qua rà soát có một phần khối lượng chưa được thu dọn dưới cao trình 25m.

Ngay sau đó, Bộ NN-PTNT đã cho chủ trương dọn bù, đến ngày 30/8/2018, Ban 4 hoàn thành toàn bộ công tác thu dọn lòng hồ, tổ chức lấy mẫu quan trắc. Kết quả chất lượng nước lòng hồ đảm bảo cột B, QCVN 08-MT:2015/BTNMT, đủ điều kiện cấp nước sinh hoạt. 

Trong buổi làm việc với đoàn công tác Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT) và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh sáng 28/7, BQL dự án Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) cho hay, tháng 4/2016, đơn vị này bắt đầu thực hiện công tác thu dọn lòng hồ với tổng diện tích thiết kế thu dọn 1.659,67/ha/4.610,05ha; thuộc phạm vi cao trình 12m đến 52m. Vùng thu dọn tính từ đập chính và tràn xả lũ đi vào phía trong lòng hồ.

Ông Trần Xuân Luận, Giám đốc Cty Thanh Thành Đạt khẳng định, đơn vị không làm sai việc gì. 

Liên quan đến chất lượng nước vùng lòng hồ, ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban 4 thông tin, kể từ khi nước đập dâng xuất hiện màu đỏ bất thường (tháng 5/2019) đến nay, Ban đã tổ chức lấy mẫu quan trắc 4 lần vào các ngày 24/5, 24/6 và 26/6.

Kết quả cho thấy, chỉ có một thông số NO2 - N (mẫu tầng đáy) trong đợt lấy mẫu ngày 24/5 vượt giới hạn cho phép cột B1 QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Còn lại các thông số khác đều nằm trong ngưỡng cho phép.

“Từ tháng 8/2017 đến nay vùng lòng hồ màu nước không có gì thay đổi và cũng không có tác nhân nào xả để làm ô nhiễm lòng hồ”, ông Thịnh nói.

Ông Nguyễn Hải Thanh phân tích, mùi bốc lên từ cửa xả nước đập chính là mùi yếm khí amoniac. Mùi này sau nhiều năm vận hành lòng hồ sẽ được làm sạch và sẽ loãng đến mất hẳn

Phía Cty gỗ MDF Thanh Thành Đạt (Cty TTĐ), ông Trần Quang Luận - Giám đốc cũng khẳng định: “Tôi hứa trước Bí thư (Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh), chúng tôi không làm sai một cái gì. Chúng tôi rất bức xúc vì nhiều ý kiến vu cho Cty TTĐ gây ô nhiễm. Các anh cứ cho cơ quan điều tra vào cuộc, tìm bằng được nguồn gây ô nhiễm. Bên nào sai bên đó chịu trách nhiệm và xử lý cho dứt điểm một lần”.

Ông Luận lý giải, Cty TTĐ mới chỉ chạy thử, chưa đưa vào sản xuất chính thức nên không thể gây ô nhiễm. Việc đưa ra các ý kiến nhận định Cty TTĐ xả thải gây ô nhiễm khiến cho doanh nghiệp bất lợi, hàng hóa Cty làm ra không bán được.

Bộ NN-PTNT và tỉnh Hà Tĩnh quan trắc độc lập

Sau khi đi thị sát một số vị trí có khả năng là nguyên nhân gây ô nhiễm cho đập dâng Ngàn Trươi như: Đập chính, cống xả nước tuynel 1; Nhà máy gỗ MDF Thanh Thành Đạt..., ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu, các đơn vị lấy mốc thời gian ngày hôm nay (28/7) để lấy mẫu quan trắc.

Nước đập dâng đỏ đen bất thường.

Việc lấy mẫu chỉ là một nội dung, ngành chức năng cần tích hợp, tổng hợp toàn diện các tác nhân có thể gây nên thực trạng chuyển màu nước bất thường thời gian vừa qua. Thậm chí đánh giá cả tác động do yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu.

“Dứt khoát phải tìm ra nguyên nhân không thể chậm trễ nữa. Phải nhận diện, đánh giá khách quan những tác động nào khiến nước trong xanh chuyển sang nâu đục. Với trách nhiệm người đứng đầu tỉnh, tôi chắc chắn tỉnh sẽ trả lời thực sự công tâm, khách quan, trung thực, đảm bảo tính khoa học, chính xác và kịp thời”, ông Lê Đình Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn yêu cầu, sau khi kênh Linh Cảm ngừng lấy nước tưới vụ Hè thu vào ngày 30/7 tới, Ban 4 và các cơ quan chức năng phối hợp xả hết nước đập dâng, sau đó mời các đơn vị liên quan đến kiểm tra, xác định rõ tầng đáy đập dâng vì sao ô nhiễm. 

"Việc xác định nguyên nhân này phải làm trong vòng 10 ngày. Nếu thời điểm đó tỉnh không trả lời được thì sẽ mời chuyên gia, cơ quan chuyên môn cao hơn vào làm rõ", Bí thư Lê Đình Sơn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT) cho rằng, chỉ có 2 vùng xác định nguồn gây ô nhiễm cho đập dâng đó là vùng lòng hồ và kênh dẫn sau đập chính (Khe Trươi).

"Từ ngày 18/5 đến nay Sở đã lấy mẫu quan trắc nhiều lần. Kết quả cho thấy có lần có chỉ số vượt nhưng cũng có khi không vượt. Tuy nhiên nhận diện chung, đập dâng có dấu hiệu vượt ngưỡng một số thông số, trong đó, đáng chú ý thông số sắt hơi cao. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên hiện tượng đỏ nước", ông Phan Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh cho hay.

“Bây giờ các điểm lấy mẫu phải có sự chứng kiến của cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị liên quan. Sau phân mẫu, Bộ NN-PTNT sẽ lấy một phần để quan trắc độc lập; Trung tâm quan trắc (Sở TN-MT Hà Tĩnh) quan trắc một phần và một phần để lưu. Cần thiết có thể mời thêm một đơn vị có năng lực khác làm một phần để tạo sự khách quan”, ông Thanh nói.

Cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình lý giải thêm, việc nước đập chính bốc mùi thì đây là mùi yếm khí amoniac. Mùi này sau nhiều năm vận hành lòng hồ sẽ được làm sạch và sẽ loãng đến mất hẳn.

Cơ quan chức năng lấy mẫu quan trắc.

Được biết, các vị trí lấy mẫu quan trắc bao gồm: Khe Trươi (sát Nhà máy Thanh Thành) đạt 2 mẫu; kênh chính đập dâng Vũ Quang 1 mẫu; cửa xả tuynel 1 một mẫu; Nhà máy nước Vũ Quang 1 mẫu; hạ lưu cầu Ngàn Trươi khoảng 100m 1 mẫu. Riêng vùng lòng hồ đập chính lấy 3 mẫu (tầng nước mặt, tầng giữa và tầng đáy).

Dưới đây là một số hình ảnh NNVN ghi lại các điểm đoàn đến kiểm tra:

Kiểm tra cửa xả tuynel 1.
 
 
Khu vực hồ lắng và đường ống xả thải của Cty Thanh Thành Đạt.
 
Mẫu nước được niêm phong giao cho Bộ NN-PTNT và Sở TN-MT Hà Tĩnh phân tích.
 
VĂN HÙNG - THANH NGA
Theo Nông Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây