Viết cho những lặng thầm nơi đầu tuyến

Thứ năm - 27/02/2020 04:37
“Nếu được chọn lại công việc, mình vẫn chọn nghề thầy thuốc. Nơi đầu tuyến chống dịch này, dù không mang trên mình chiếc áo blue trắng, nhưng mình dành trọn tâm sức với nghề”, Trưởng ca trực kiểm dịch Sân bay quốc tế Đà Nẵng Thái Viết Lợi, tâm sự.
T20200222701 1
Làm việc với cường độ cao, trực chiến tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.

“Đã quá mệt mỏi rồi, nhưng phải cố, vì toàn thành phố và vì chính mình”.

“Trong này đang căng lắm chị ơi, đây mới là thời điểm căng thẳng nhất khi Đà Nẵng bắt đầu đón những chuyến bay chở người Việt Nam về nước…”.


Những tin nhắn tôi nhận được trong thời gian cuối cùng, của từng ngày cả thành phố căng mình chống dịch bệnh Covid-19.

Thời gian trôi rất nhanh và dường như, thoát nháy mắt, một cái Tết trôi qua trong vòng xoay chóng mặt của công tác kiểm dịch y tế, phòng chống dịch bệnh Covid-19 nơi đầu tuyến. Cùng với đội ngũ y bác sĩ cả nước đang mang trên mình trọng trách lớn bảo đảm sức khỏe cho toàn dân, đội ngũ những cán bộ, y bác sĩ thực hiện công tác kiểm dịch y tế thuộc Trung tâm phòng chống bệnh tật TP Đà Nẵng tại các cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, đã và đang lặng thầm cống hiến hết mình, vượt qua rất nhiều khó khăn vì một Đà Nẵng an toàn.

Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tôi điện thoại cho bác sĩ Phạm Trúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống bệnh tật TP Đà Nẵng, để nắm tình hình về công tác kiểm dịch, kiểm tra thân nhiệt đối với hành khách tại cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng. Đó là ngày đầu tiên Đà Nẵng tiếp nhận một du khách đến từ Trung Quốc và toàn thành phố bắt đầu lên kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, bằng những nỗ lực hết sức của chính quyền thành phố và các đơn vị liên quan, Đà Nẵng vẫn an toàn ngoài vùng dịch khi hàng trăm mẫu bệnh phẩm được thông báo kết quả âm tính với Covid-19.

Quý mến và trân trọng hơn những gương mặt y bác sĩ, những cán bộ y tế nơi đầu tuyến mà tôi đã quá thân quen. Nhưng, trong cuộc gặp gỡ ngắn với hai đội trưởng ca trực kiểm dịch trong Sân bay quốc tế Đà Nẵng, chiều nay, khi họ nghẹn ngào nhắc về những đứa con lên hai, lên bốn tuổi, phải một mình ở nhà, khi cả bố và mẹ đều ở tuyến đầu phòng, chống dịch, phải đối mặt với nguy hiểm. Tôi đã khóc vì những lặng thầm của họ và vì tôi cũng là một người mẹ, cũng là phóng viên mảng y tế, đã cùng đồng hành với những y bác sĩ trong suốt những ngày qua.

 
T20200222701 2
Kiểm dịch viên tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Trưởng ca trực kiểm dịch y tế tại sân bay quốc tế Đà Nẵng Nguyễn Thị Lành, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng tâm sự: “Một ngày bắt đầu giao ca trực vào 7 giờ sáng, 10 giờ mới ăn sáng và 15 giờ chiều ăn trưa hoặc mì tôm. Sau gần hai tháng căng mình làm việc, hầu như mọi cảm giác bị đơ, rất mệt mỏi nhưng phải cố gắng vì đó là công việc. Hết ngày trực trong sân bay, lại làm các công tác hậu cần khác cho phòng chống dịch, từ Tết tới giờ chưa có một ngày nào đoàn tụ ăn cơm với chồng, con. Tôi làm bên kiểm dịch, còn chồng làm bộ phận công an xuất nhập cảnh. Cả hai vợ chồng đều ở tuyến đầu”. Nhắc đến cảm xúc ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, chị cho biết “nhắc em mới nhớ sinh nhật em trước hôm nay một ngày. Cảm giác thì khó diễn tả, nhưng những kiểm dịch viên ở tuyến đầu và các nỗ lực trong công tác kiểm tra, phân loại, phòng chống dịch Covid-19 đến lúc này thật sự đã làm hết mình vì sự an toàn của cả thành phố. Lo lắm, nếu chỉ một sơ xuất nhỏ ngoài ý muốn mà để xảy ra hoặc bỏ lọt người về từ vùng dịch, thì tất cả cố gắng thời gian qua đều đổ sông đổ bể”.

Còn Trưởng ca trực kiểm dịch sân bay quốc tế Đà Nẵng Thái Viết Lợi, trầm ngâm: “Rất sợ cho sự an toàn của cả thành phố. Nhưng đã chọn và gắn bo với công việc, khó, khổ mấy cũng chịu được. Chúng tôi động viên nhau phải tập trung nỗ lực hết sức mình, chiến đấu với dịch bệnh đến hơi thở cuối cùng, vì một Đà Nẵng bình an cho đến thời điểm này”. Lợi vừa kết thúc ca trực khi cùng anh em kiểm dịch viên chuẩn bị chu toàn, kiểm tra thân nhiệt và bảo đảm an toàn y tế cho 20 du khách Hàn Quốc được đưa trở về nước trong chuyến bay muộn đêm 25-2. Và tôi biết đêm 25-2, với Đà Nẵng, nhiều người không ngủ!
 
T20200222701 3
Kiểm dịch viên tại phao số 0 cảng Tiên Sa, tiếp cận tàu du lịch bằng thang dây.

“Nhìn mắt anh tôi biết cả tuần qua anh không ngủ, nên mệt quá anh hãy nghỉ ngơi. Đầu tuyến chống dịch bệnh, bao giờ cũng mệt và nguy hiểm. Bọn em luôn sát cánh cùng anh!”, tôi chỉ biết nhắn một người bạn trong ngành y tế như vậy, khi trải qua nhiều ngày cập nhật thông tin về dịch bệnh Covid-19.

Với họ, những người lặng thầm nơi đầu tuyến, không mang áo blue trắng nhưng bằng trách nhiệm của những y bác sĩ, mỗi giờ trôi qua, mong mỏi an lành cho thành phố. Và cùng với hàng trăm kiểm dịch viên tại các cửa khẩu, cảng biển trên đất nước, đang đứng đầu cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19. Như lời bác sĩ Phạm Trúc Lâm nhắn gửi động viên các đồng nghiệp mình: “Năm nay chúng ta sẽ không có lễ kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, sẽ không có liên hoan vui vẻ với nhau như những năm trước. Anh em hãy lấy kết quả của từng ca trực, phục vụ tốt cho từng chuyến bay, từng đoàn hành khách làm món quà ngày truyền thống của ngành”.

Giọt nước mắt chực rơi, niềm xúc động nén lại, chỉ một lời cảm ơn thôi, tận đáy lòng khi đến giờ phút này, Đà Nẵng vẫn bình yên.
ANH ĐÀO
Theo nhandan.com.vn
 
 Link gốc: https://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43401402-viet-cho-nhung-lang-tham-noi-dau-tuyen.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây