Nhà nhà ‘kêu cứu’
Lái xe ở một doanh nghiệp nhà nước cho biết, cả đội xe của anh đã được công ty giao mang xe ‘về quê’ để đăng kiểm vì không thể trực chờ mấy ngày đêm trước các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội. Một lần đi đăng kiểm ‘ở quê’ như vậy mất 2-3 ngày.
Chắc chắn, tình trạng trên là khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, nhiều gia đình ở Hà Nội và TP.HCM, nơi có đến hơn 200 nghìn xe bị quá hạn đăng kiểm trong hơn một tháng tới. Còn toàn quốc có hơn 300 nghìn xe bị quá hạn đăng kiểm do các trung tâm đăng kiểm quá tải hay đóng cửa.
Chi phí về thời gian, tiền bạc và cơ hội cho doanh nghiệp, cho xã hội trong trường hợp đăng kiểm là chưa đong đếm được.
Hàng trăm ô tô nối đuôi nhau xếp hàng dài chờ đăng kiểm ở Hà Tĩnh. Ảnh: Thiện Lương
Một ví dụ khác. Gần đây, tập thể doanh nghiệp kinh doanh karaoke ở Hà Nội có đơn kiến nghị gửi các cấp, các ngành ‘kêu cứu’. Từ đầu tháng 10/2022 đến nay rất nhiều cơ sở bị tạm dừng hoạt động, tạm đình vì họ không biết làm sao đáp ứng được tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy.
Mỗi phòng hát tại Hà Nội được đầu tư trung bình khoảng 300-500 triệu đồng. Hàng nghìn phòng hát trên toàn thành phố có tổng chi phí đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Dừng hoạt động có nghĩa là số tiền đầu tư rất lớn như trên bị đông cứng, “gây thất thoát tiền” của cho người dân.
Thêm một ví dụ, quy định tăng cường muối I-ốt dùng trong chế biến thực phẩm và tăng cường sắt và kẽm trong bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP đang gây khó cho doanh nghiệp mấy năm nay.
Trong khi đó, nhiều quốc gia lại không chấp nhận hoặc có cơ chế kiểm duyệt rất phức tạp đối với thực phẩm bổ sung i-ốt hay bổ sung sắt, kẽm như Nhật Bản, Na Uy, Đan Mạch, Philippines, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore…
Vì thế, đối với hàng nội địa và xuất khẩu, doanh nghiệp chế biến thực phẩm buộc phải sử dụng nguyên liệu muối và bột mì khác nhau, đồng thời phải tránh nhiễm chéo giữa các loại nguyên liệu này trong tất cả các công đoạn bảo quản và sản xuất.
Việc đó dẫn đến có doanh nghiệp chế biến thực phẩm mỗi năm chi phí tăng thêm hơn 39 tỷ đồng do quy định này; sau 6 năm, chi phí lên tới 235 tỷ đồng.
Như đã phản ánh, ngày càng nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên… mà các doanh nghiệp bất động sản đã ‘than khóc’.
Đây là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp cũng như làm các bộ, ngành, địa phương gặp nhiều khó khăn trong giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh.
Văn bản chồng chéo, bất cập
Thực tế này cho thấy, môi trường kinh doanh đang còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến cho nguồn lực của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế chưa được khơi thông một cách hiệu quả.
Các chuyên gia phản ánh về thực trạng văn bản pháp luật thiếu thống nhất, không phù hợp, không khả thi đã tồn tại từ lâu nhưng chậm được giải quyết. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về đầu tư.
Văn bản quy định không biết thực hiện như thế nào cho đúng là tình trạng đáng lo ngại hiện nay. Bất cập chính sách không chỉ đang đè nặng doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, bất cập chính sách cũng thể hiện qua những điểm bất hợp lý, chưa phù hợp, hay trái với thông lệ quốc tế như trường hợp muối I-ốt nêu trên.
Trường hợp muối I-ốt đã diễn ra suốt 6 năm này, làm trầm trọng thêm những khó khăn của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn nỗ lực phục hồi sau dịch bệnh, vậy mà đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Hơn nữa, các quy định về điều kiện kinh doanh chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý vẫn tiếp tục là rào cản đối với doanh nghiệp. Chẳng hạn, do một số vụ việc hoả hoạn gây thương vong tại các cơ sở kinh doanh karaoke, dẫn tới công tác phòng cháy chữa cháy được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh như nêu trên.
Nhiều cơ sở kinh doanh karaoke cho biết không nhận được phản hồi rõ từ cơ quan chức năng. Ảnh: Trần Chung
Khơi lại những nỗ lực
Trong thời gian dài vừa qua, các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh như Nghị định 19 và 02 đã được bền bỉ duy trì, góp phần rất lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
Trên một số bảng xếp hạng về mục tiêu cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh năm 2022 cho biết, thứ hạng của Việt Nam đã có sự cải thiện so với năm 2021. Trình độ phát triển thị trường (Chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí thứ 90 lên vị trí thứ 84. Chỉ số thành phần Tự do kinh doanh tăng điểm mạnh với mức tăng 8,4 điểm (từ 65,2 lên 73,6 điểm).
Ở một số lĩnh vực khác, các tổ chức quốc tế tiếp tục duy trì đánh giá tốt về cải cách của Việt Nam. Ví dụ, Việt Nam tăng 2 bậc về Quyền tài sản (từ vị trí thứ 84 lên vị trí thứ 82); cải thiện 17 bậc về Cảm nhận tham nhũng. Bên cạnh đó, năm 2022, Việt Nam cũng được ghi nhận về cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s, S&P và Fitch.
Trong nước, theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021), chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực so với những năm trước đây. Chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ với khu vực kinh tế tư nhân. Chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm trong hầu hết các lĩnh vực thủ tục liên quan đến doanh nghiệp. Hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện.
Những tiến bộ đó rất đáng ghi nhận, dù còn nhiều chỉ tiêu của nước ta được cải thiện chưa bền vững, chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm.
Người dân rất cần thêm lực
Từ giữa năm 2022 đến nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động. Số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng, kéo theo nhiều tác động xã hội.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn khá phổ biến, kể từ quý IV/2022. Trong 2 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 51,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5%. Bình quân một tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Con số này cao gấp đôi so với trung bình có 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong các năm Covid.
Những áp lực và thách thức vẫn tiếp tục trong năm 2023 khiến doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều thể hiện sự khó khăn, không đặt nhiều triển vọng về mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm nay.
Vì lẽ đó, cải cách môi trường kinh doanh, giảm nhẹ gánh nặng chi phí cho người dân vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.