Mái nhà tranh bình dị, đơn sơ ở quê Nội Bác Hồ.
Những ngày này, từ sáng sớm, con đường dẫn vào làng Trù quê Ngoại và làng Sen quê Nội Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã tấp nập người. Từng đoàn xe nối nhau dài hàng trăm mét, nhiều tầng lớp nhân dân từ Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, sinh viên, học sinh các trường trong, ngoài tỉnh xếp hàng ngay ngắn, dâng những bó hoa tươi thắm lên Người. Đến quê Bác, mỗi người mang một nỗi niềm, cảm xúc riêng…, nhưng tất cả đều có chung một tấm lòng của sự ngưỡng vọng, tri ân, tưởng nhớ đến công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh –vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Cụ Phạm Hồng Thắm (88 tuổi, quê ở Hải Phòng) xúc động khi lần đầu tiên đến thăm quê Bác.
Du khách tham quan quê Ngoại Bác Hồ.
Rất đông du khách hành hương về quê Bác nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh nhật Người.
Trong dòng người vào thăm quê Bác, chúng tôi bắt gặp một cụ già ngoài 80 trên ngực gắn đầy huân, huy chương, dáng đi hơi còng nhưng chân bước thoăn thoắt. Đó là cụ Phạm Hồng Thắm (88 tuổi, quê ở Hải Phòng). Lần đầu tiên được vào thăm quê Bác, cụ Thắm xúc động lắm, quan sát tỉ mẩn từng hiện vật trong ngôi nhà lá đơn sơ nơi Bác sinh ra và sống thuở nhỏ. Cụ Thắm cho hay, cụ được con trai đưa đi cùng Đoàn với Hội Cựu chiến binh xã. Cụ Thắm tâm sự, đối với những người lính thế hệ ông từng vào sinh ra tử, dưới ngọn cờ của Đảng, lời hiệu triệu của Bác nên càng nhớ Bác nhiều hơn.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ tại Hà Nội và Quảng Ninh trong dịp ngày 22-12 và 2-9. Suốt quá trình chiến đấu ở các chiến trường, bị địch bắt giam và đày ải ở nhà tù Phú Quốc, lời dặn dò của Bác là “kim chỉ nam” cho hành động cách mạng để ông cùng đồng đội, đồng chí luôn luôn giữ vững cốt cách của người cộng sản kiên trung một lòng trung thành với lý tưởng cách mạng. Hòa bình lập lại, đây là lần đầu tiên ông được đến thăm quê Người nên cảm xúc bồi hồi, xúc động vô cùng. Đặc biệt, khi nhìn thấy những hiện vật đơn sơ, giản dị quê Bác lại càng nhớ và kính yêu Bác nhiều hơn. “Ở tuổi 88, tôi đã thực hiện được ước mơ của đời mình đó là vào thăm quê Bác. Giờ thì tôi đã thực sự toại nguyện. Mong rằng thế hệ trẻ hôm nay phải luôn học tập, noi gương theo tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Bác, giữ gìn non sông đất nước Việt Nam mà các thế hệ cha ông đã hy sinh máu xương để giành lại” – cụ Thắm xúc động chia sẻ.
Dịp này, nhiều trường học trên địa bàn trong, ngoại tỉnh đã tổ chức các hoạt động tham quan kết hợp trải nghiệm tại quê Nội, quê Ngoại Bác Hồ. Các em được nghe các cô thuyết minh kể lại những câu chuyện cảm động, bình dị về tuổi thơ, về những nỗi gian truân, vất vả mà Bác và gia đình phải trải qua. Đây là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Em Phan Nam Trường (học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Hoa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên cháu được đến thăm quê Bác. Nhìn thấy mái nhà tranh với nhiều đồ vật rất đơn sơ, giản dị, cháu càng yêu quý và tự hào về Bác hơn. Cháu tự hứa với bản thân sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để đạt nhiều kết quả tốt trong học tập, xứng đáng với công lao vô cùng to lớn của Bác Hồ”. Cô Trần Thị Mỹ Bình- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Hoa cho biết, hàng năm nhà trường thường xuyên tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm tại quê Bác để các em học sinh biết được nơi sinh ra Bác Hồ. Từ đó, các em có ý thức phấn đấu trong học hành, xây dựng bảo vệ quê hương, đất nước.
Năm nay, nhân kỷ niệm 155 năm sinh bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác và 133 năm ngày sinh nhật Người, nhiều chương trình ý nghĩa đã được tổ chức tại Nam Đàn, TP Vinh, Thị xã Cửa Lò. Trước đó, Học viện Cảnh sát nhân dân cũng đã cử hơn 1.100 cán bộ, học viên thực hiện “3 cùng” với Nhân dân Nam Đàn. Với trải nghiệm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” tại quê hương Bác Hồ, các học viên đã tham gia nhiều hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các điểm trong Khu di tích, dọn thực bì khu vực gần mộ bà Hoàng Thị Loan để đảm bảo công tác PCCC, tuyên truyền phổ biến pháp luật…
Ông Nguyễn Bảo Tuấn – Giám đốc BQL Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho hay, năm nay, nhân kỷ niệm 155 năm sinh bà Hoàng Thị Loan và 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Nghệ An tổ chức các chuyên đề Triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”; Trưng bày chuyên đề “Những tấm gương bình dị mà cao quý” và “Không gian văn hóa tỉnh Thanh Hóa trên quê hương Bác Hồ”,Liên hoan nghệ thuật quần chúng Công an Nhân dân, Carnival - Lễ hội đường phố “Quê hương mùa sen nở”; Festival Khinh khí cầu - Fly Up Vietnam - Cửa Lò; Cuộc thi ẩm thực chế biến món ăn từ Sen; trưng bày các sản phẩm đặc trưng sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh...Cùng với đó là các hoạt động truyền thống mang đậm bản sắc của Lễ hội Làng Sen tiếp tục được tổ chức như Liên hoan tiếng hát Làng Sen, Lễ rước ảnh Bác từ Quảng trường Hồ Chí Minh về quê Bác, giải bóng chuyền và giải võ cổ truyền Lễ hội Làng Sen, trình diễn dân ca ví - giặm.
Cũng theo ông Tuấn, trước đây, Khu di tích chỉ có thuyết minh 2 ngoại ngữ Tiếng Anh và tiếng Pháp thì năm nay có thêm thuyết minh tiếng Lào với 7 người. Công tác bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên được nâng cao. Trong dịp lễ, đơn vị bố trí trực 100% quân số để sẵn sàng phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
Link gốc: https://cadn.com.vn/trieu-trieu-trai-tim-huong-ve-que-bac-post277780.html