Tính đến cuối giờ chiều 16.11, nhiều địa phương tại tỉnh Bình Định vẫn còn ngập trong nước lũ, giao thông chia cắt, một số khu dân cư bị cô lập.Nội dung trích dẫn... Người dân huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) phải dùng thuyền để đi lại (ảnh chụp chiều 16.11.2021). Tại huyện Hoài Ân, sông Kim Sơn đoạn qua xã Ân Đức bị sạt lở với chiều dài trên 1,5 km, đoạn qua xã Ân Nghĩa sạt lở bờ sông với chiều dài 420m và đoạn qua xã Ân Tín bị sạt lở trên 500m. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã lập rào chắn ở những khu vực sạt lở, di dời người dân đến nơi an toàn. Những đoạn bị sạt lở gần các tuyến đường cũng đã được gia cố tạm thời nhằm tránh sạt lở thêm. Nước lũ dâng cao đã khiến một số khu vực ở huyện Hoài Ân bị ngập. Tuyến Đường ĐT629 đi huyện An Lão bị ngập cục bộ một số đoạn. Đến cuối giờ chiều 16/11, giao thông tuyến này vẫn còn bị chia cắt. Tại huyện Tuy Phước, các xã Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang, Phước Hưng đều có nhiều đoạn đường, cầu bị ngập. Trên địa bàn huyện Phù Cát, tuyến đường ĐT.639 đoạn qua xã Cát Thành bị ngập sâu, người dân phải di chuyển bằng thuyền. Trong khi đó, một số khu dân cư tại thị xã An Nhơn cũng bị nước lũ gây cô lập. Mưa lớn đã gây sạt lở đất đá xuống mặt đường trên tuyến ĐT640 qua các xã Cát Tiến, Cát Hải (huyện Phù Cát) khiến giao thông gặp khó khăn, nguy hiểm. Tại thị xã Hoài Nhơn, lãnh đạo huyện cho biết mưa lớn trong những ngày qua khiến 128 ngôi nhà trên địa bàn bị ngập; hơn 200m đường giao thông qua địa bàn các xã Hoài Sơn, Hoài Phú bị sạt lở. Một đoạn núi sạt xuống tuyến đường ĐT639 giữa xã Mỹ Đức và xã Hoài Mỹ làm giao thông bị chia cắt. Chiều cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại một số địa phương bị ngập lụt và sạt lở đất. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long yêu cầu các địa phương phải theo dõi sát tình hình mưa lũ, chủ động di dời và không được chủ quan trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp; các địa phương phải lập các chốt không để người dân qua lại khu vực ngập lụt. Để chủ động ứng phó lũ lụt, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận hành hồ chứa theo đúng quy định để đảm bảo an toàn hồ đập. Đối với những vùng xung yếu, nguy cơ cao, Sở cử các lực lượng ứng trực 24/24h để cảnh báo người dân ở lưu vực sông và các vùng sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân. Hiện nay, nhiều khu vực đồi núi ở Bình Định đang sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là những khu vực đồi núi đá phong hóa, nguy cơ sạt lở rất cao. Do đó, các địa phương lập chốt chặn ở những nơi có nguy cơ sạt lở. Sau đợt mưa lũ lớn này, tỉnh sẽ chỉ đạo các ban, ngành tập trung khảo sát, đánh giá lại địa chất ở những khu vực sạt lở vừa qua để có giải pháp tổng thể nhằm xử lý hiệu quả, đảm bảo an toàn cho những năm tiếp theo. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn