Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định, từ 10-12, nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức gồm lý luận chính trị; Kiến thức quốc phòng và an ninh; Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm. (Quy định hiện hành là kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế).
Như vậy, so với quy định tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức không còn tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.
Nghị định 89/2021/NĐ-CP là cơ sở để các Bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý theo hướng không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Nhiều chính sách quan trọng đối với công chức, viên chức sẽ có hiệu lực từ tháng 12 tới (ảnh minh họa)
Thông tư 92/2021/TT-BTC có hiệu lực từ 15-12 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
Theo đó, Thông tư bổ sung mức thu phí dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng IV như sau: Dưới 100 thí sinh là 700.000 đồng/thí sinh/lần; Từ 100 - 500 thí sinh là 600.000 đồng/thí sinh/lần; Từ 500 thí sinh trở lên là 500.000 đồng/thí sinh/lần.
Trước đó tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm chức danh nghề nghiệp hạng V, dẫn đến trường hợp viên chức hạng V có nhu cầu thi thăng hạng lên hạng IV. Mức thu phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức đối với các trường hợp còn lại được giữ nguyên so với hiện hành.
Thông tư 31/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học công lập nêu rõ, một trong những điều kiện để viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02 là: Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02.
Trong khi đó, quy định hiện hành yêu cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 3 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi/ xét.
Thông tư 06/2021/TT-BNV bãi bỏ toàn bộ 7 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công chức, tổ chức bộ máy như:
Thông tư 01/2009/TT-BNV hướng dẫn trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân.
Thông tư 02/2009/TT-BNV hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; Thông tư 02/2016/TT-BNV ngày hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Thông tư 04/2013/TT-BNV hướng dẫn xây dựng Quy chế công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan, tổ chức.
Quyết định 82/2004/QĐ-BNV ban hành tiêu chuẩn Giám đốc Sở và các chức vụ tương đương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định 83/2004/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 ban hành tiêu chuẩn Vụ trưởng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Link goosc: https://anninhthudo.vn/thang-12-2021-nhieu-chinh-sach-quan-trong-doi-voi-cong-chuc-vien-chuc-co-hieu-luc-post487770.antd