Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan, BĐBP Quảng Nam khẩn trương khắc phục, tu sửa đường giao thông, giúp nhân dân đi lại thuận tiện sau bão. Ảnh: Văn Vinh
Thiệt hại được hạn chế ở mức thấp nhất
Trong chưa đầy 2 ngày trước khi bão số 4 đổ bộ, các đơn vị BĐBP từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lượng chức năng kêu gọi, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền (299.678 người) di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn. Trước dự báo hoàn lưu bão gây gió mạnh, mưa to và sóng lớn, ngay trong ngày 27/9, các địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đã tổ chức sơ tán 108.441 hộ dân đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, các địa phương khu vực miền Trung cũng vận động, tuyên truyền và di dời người dân tại 20.712ha và 4.571 lồng, bè nuôi trồng thủy sản lên bờ, tránh rủi ro khi bão vào. Đồng thời, tập trung gia cố, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng; hạn chế giao thông khi bão đổ bộ.
Chủ động ứng phó với bão số 4, từ ngày 23 đến ngày 28/9, Bộ Tham mưu BĐBP đã ban hành 7 công điện đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị BĐBP từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, Hải đoàn 48 BĐBP, các tỉnh Tây Nguyên triển khai các biện pháp ứng phó. Đồng thời, cử Đại tá Trần Ngọc Hữu, Phó Tham mưu trưởng BĐBP tham gia Ban chỉ đạo tiền phương tại thành phố Đà Nẵng chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 4.
BĐBP các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và Kon Tum điều động 3.393 lượt cán bộ, chiến sĩ/68 lượt phương tiện giúp dân chằng chống 2.385 căn nhà và 37 điểm trường học; kéo, đưa 2.690 phương tiện của ngư dân tránh bão; neo buộc 6.254 lồng bè; gia cố 300m kè biển; thu hoạch 5,3 ha lúa; di dời 21.282 hộ/61.009 người đến nơi an toàn (trong đó, giúp đỡ, hỗ trợ đón và bảo đảm nơi ăn, nghỉ cho 732 người dân vào tránh trú bão tại các đơn vị thuộc BĐBP thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và Bình Định). Cứu hộ 1 tàu cá (BĐ 97746 TS) bị đứt neo trôi dạt tại Đà Nẵng.
Do chuẩn bị tốt công tác ứng phó, các tỉnh Trung Trung bộ đã giảm thiểu được thiệt hại sau khi bão số 4 đổ bộ vào sáng sớm ngày 28/9. Tính đến ngày 29/9, bão số 4 làm 60 người bị thương; 95 nhà sập và hơn 3.200 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 1.415 nhà bị ngập. Mưa lớn do bão số 4 gây ra làm hơn 1.300ha lúa, hoa màu bị ngập; hơn 5.200 cây xanh gãy đổ; hơn 3.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Ngoài ra, có 1.000m đê, kè biển bị hư hỏng sạt lở; 12 đập, hồ chứa bị xói lở kênh; 77 điểm trường bị ảnh hưởng.
So với các đợt mưa bão khác, số lượng tàu thuyền bị thiệt hại do bão số 4 là rất thấp, với 9 ghe, tàu nhỏ bị hư hại và chìm tại khu neo đậu. Về giao thông, có 65 vị trí bị ngập, sạt lở tại các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 49B, 15D, 9D, 14E, 24, 24B, 24C, một số tuyến đường giao thông địa phương và 4 cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi. Hơn 10.000 trạm biến áp mất điện tạm thời.
Khẩn trương giúp dân khắc phục thiệt hại
Ngay sau khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền, BĐBP các tỉnh ven biển Trung Trung bộ đã triển khai lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Tại Kon Tum, do ảnh hưởng của bão số 4, nhiều đoạn đường giao thông vào các đồn Biên phòng bị sạt lở, làm giao thông bị đình trệ, một số nhà dân bị ngập nước, thiệt hại lớn về cây trồng, vật nuôi… Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị cử trên 120 lượt CBCS phối hợp cùng các lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế cũng huy động tối đa lực lượng, phối hợp cùng chính quyền địa phương các xã biên giới tập trung giúp nhân dân khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra. Theo Trung tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hương Nguyên, BĐBP Thừa Thiên Huế, xã A Roàng có 51 nhà bị tốc mái và 2.300m2 hoa màu bị thiệt hại. Một số điểm trên đường Hồ Chí Minh bị sạt lở, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Do đơn vị chủ động lên phương án phòng, chống bão từ trước, lực lượng của đơn vị luôn túc trực ở những điểm xung yếu, vì vậy, đã kịp thời phối hợp cùng chính quyền địa phương khẩn trương giúp người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Trong đêm 27/9, bão số 4 làm 69 ngôi nhà ở xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế bị tốc mái và sập hoàn toàn; 3 người bị thương do ngói rơi vào chân. Trung tá Hồ Văn Hới, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vinh Xuân cho biết: “Ngay sáng ngày 28/9, chúng tôi đã huy động toàn bộ CBCS của đơn vị phối hợp cùng chính quyền địa phương dọn dẹp cây bị gãy, đổ để thông tuyến giao thông; khẩn trương hỗ trợ các gia đình có nhà bị tốc mái, sập nhà khắc phục hậu quả”.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị dùng thuyền để đưa lương thực, nước uống đến với nhân dân vùng bị ngập lụt. Ảnh: Phan Phước Trung
Do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị xảy ra mưa lớn và kéo dài trong hai ngày qua đã làm nước suối dâng cao, các ngầm tràn ngập sâu trên 1m, nhiều bản làng thuộc các xã A Bung, A Ngo, Tà Rụt, A Vao, Ba Nang của huyện Đakrông và xã Lìa, huyện Hướng Hóa bị chia cắt, cô lập hoàn toàn. Ngay trong đêm 28 và sáng 29/9, CBCS các đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn đã dùng ghe, thuyền nhỏ tiếp cận các bản làng bị chia cắt, trao tặng hàng trăm thùng mì ăn liền, nước uống, đồng thời, đưa những người già, trẻ em đến những nơi an toàn.
Tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã phải hứng chịu trận lốc xoáy lớn, gây thiệt hại nặng nề với khoảng hơn 120 nhà dân, 180 quán ăn bị sập, tốc mái, trong đó, có 2 nhà bị sập hoàn toàn, hàng trăm cây xanh, cột điện bị gãy, đổ. BĐBP Quảng Trị đã triển khai 60 CBCS xuống địa bàn giúp dân, phòng tránh thiệt hại gây ra.
Thượng tá Bùi Văn Hưng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Nang cho biết, đơn vị đã cắt cử cán bộ thay phiên nhau túc trực xuyên đêm những nơi bị ngập lũ để cảnh báo người dân không ra khỏi nhà và qua lại những vùng nguy hiểm, đồng thời, trích một phần lương thực, thực phẩm dự trữ để kịp thời hỗ trợ những gia đình đã bị nước lũ cô lập.
Mưa lớn do hoàn lưu bão số 4 khiến một số bản của xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An bị ngập nước khoảng gần 1m. Ngay trong đêm 28/9 và rạng sáng ngày 29/9, Đồn Biên phòng Môn Sơn đã cử lực lượng xuống địa bàn, kịp thời tổ chức di dời tài sản, vật nuôi của nhân dân lên cao.
Hiện, BĐBP các tỉnh, thành phố miền Trung vẫn đang tiếp tục các hoạt động để giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa, lũ, sớm ổn định cuộc sống. Trong mưa bão, những hành động xả thân, hết mình cứu dân, chia sẻ với dân của những người lính Biên phòng càng thêm tỏa sáng hình ảnh đẹp về người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng dân biên giới.